Người dân thư thả đi dạo trong công viên Lê Văn Tám (Q.1, TP.HCM) - Ảnh: DUYÊN PHAN
Hoàn thành chương trình đại học bên Thái Lan, em theo tiếp chương trình cao học tại tiểu bang tôi đang sống - Missouri, Mỹ. Và cũng nhờ vậy, tôi biết em qua vài dịp ăn uống chung với các bạn cùng khóa của em.
Nhóm của em học cũng nhiều mà họp mặt ăn uống, ca hát cũng nhiều, chỉ vì vài lý do đơn giản: sống xa nhà, ít đứa có người yêu, tìm sự chia sẻ ấm áp từ đồng hương… Nhờ vậy, tôi khá thân em và gặp em, tôi lại nhớ về người Sài Gòn, nhớ về Sài Gòn mà tôi từng sinh sống, yêu thương tha thiết.
Thời gian chóng qua, em tốt nghiệp với tấm bằng thạc sĩ của Trường Webster, cũng là nơi mà con trai lớn của tôi đang theo học năm cuối nghề thầy giáo.
Trở về Sài Gòn, em trải qua nhiều công việc khác nhau với mức lương khá cao sau những ngày "dùi mài kinh sử" tại Mỹ. Tưởng như cuộc sống đã ổn định, nào ngờ dịch COVID xuất hiện, công việc chính của em bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Công việc phụ bỗng dưng tìm tới: shipper - một công việc không được học và dạy từ thầy cô, trường lớp.
Dịch bệnh bùng phát nhiều nơi tại Việt Nam. Hơn 4 tháng qua, Sài Gòn chìm trong dịch bệnh. Mảnh đất này xưa nay là điểm tựa, chốn nương thân cho hàng triệu người lao động ở khắp mọi miền đất nước tha phương cầu thực. Và lần này, những người con xa xứ ấy tại các xóm nghèo bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi dịch bệnh lây lan nhanh đến chóng mặt.
Xã hội giãn cách, người xa tránh người là chuyện dễ hiểu, nhưng em tạm quên đi thiếu thốn của cuộc sống, lo lắng về dịch bệnh, lao vào công việc mới: phóng xe đi khắp các con đường, ngõ hẻm, xin gom nhu yếu phẩm từ các nhà hảo tâm, đem về phân chia đến các xóm nghèo, những gia đình không may vướng dịch bệnh.
Với vóc dáng thư sinh, mảnh khảnh, cùng chiếc xe máy cà tàng chất những thùng quà từ thiện cột cao ngất ngưởng, em len lỏi vào các xóm trọ. Từ bó rau, gói mì, bao gạo đến những bình oxy, em miệt mài đem đến cho người nhiễm bệnh và người thân của họ, giúp họ có thêm tia hy vọng vượt qua đại nạn.
Nhắc đến những người làm công việc tuyến đầu, người ta thường nghĩ đến các y bác sĩ vì nghề của họ gắn liền với cái nghiệp, cái nguy. Họ đặt trách nhiệm cứu người lên hàng đầu vì luôn tâm niệm câu "Lương y như từ mẫu".
Em không phải là lương y nhưng với tôi, với nhiều người, em là "từ mẫu".
Em tình nguyện tạm xa vợ, con để lao vào "công việc" mới: việc không lương. Công việc thật khó, đòi hỏi thật nhiều ở người có tấm lòng nhân ái.
Khi còn nhỏ, tôi thường nghe cha kể những mẫu chuyện về người hùng mà ông đã từng gặp, từng sống chung. Và sau những câu chuyện, ông thường nói rằng: "Người hùng luôn bên cạnh ta, xã hội nào cũng sinh ra những người hùng. Nếu để tâm, con sẽ nhận ra vì thời thế sẽ tạo anh hùng…".
Phải mất vài chục năm, tôi mới nghiệm ra lời nói của ông thật chính xác. Nhiều cô gái trẻ vẫn mơ mộng viển vông và nghĩ về những người hùng ở nơi đâu xa lắm. Thực tế có thể người hùng chính là anh hàng xóm xấu trai mà sáng chiều các cô vẫn gặp.
Trong khó khăn, hoạn nạn, trong dịch giã, nơi đâu cần một bàn tay cứu giúp, nơi ấy sẽ xuất hiện người hùng.
Sài Gòn vẫn còn trong cơn đại dịch và luôn có những người như em: lá lành đùm lá rách, lá rách cố bao bọc những chiếc lá tả tơi. Em chính là người hùng của những mảnh đời đang khốn khó. Em tôi - người Sài Gòn. Người Sài Gòn vốn tứ phương tụ về và gặp nhau ở tính cách: hào sảng, nhiệt tình, tốt bụng và sẵn sàng dang tay cưu mang người khác.
Ai trong chúng ta cũng thuộc lòng câu nói "Sau cơn mưa trời sẽ sáng". Tôi tin rằng Sài Gòn của mình sẽ khỏe lại, sẽ phồn hoa như đã từng, để tôi còn được nhanh về lại Việt Nam, về lại gặp em và người dân TP, cụng vài chai bia, trao nhau những cái ôm thật chặt, đong đầy yêu thương…
Cảm ơn em, cảm ơn những người đang ở tuyến đầu cố gắng gồng mình, sẻ chia gánh nặng cùng thành phố yêu thương, hầu mong vượt qua khó khăn, vượt qua cơn bạo bệnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận