05/09/2017 10:12 GMT+7

Elon Musk và triết lý truyền thông nội bộ thông minh

VÂN ANH (Tổng hợp từ Inc)
VÂN ANH (Tổng hợp từ Inc)

TTO - Tỉ phú, doanh nhân hàng đầu thế giới Elon Musk chia sẻ về triết lý truyền thông nội bộ để Tesla tạo ra khác biệt, trái ngược với quy trình của nhiều công ty lớn.

Elon Musk và triết lý truyền thông nội bộ thông minh - Ảnh 1.

Ảnh: Quiet Revolution

Giới kinh doanh lẫn khoa học công nghệ trên thế giới không còn xa lạ với cách suy nghĩ khác biệt tạo ra những đột phá của tỉ phú, doanh nhân Elon Musk. Ông sở hữu hàng loạt các công ty công nghệ với những dự án 'để đời' như hàng không vũ trụ SpaceX, xe điện Tesla và các dự án pin năng lượng mặt trời, đường ống vận chuyển siêu tốc Hyperloop.

Tư duy khác biệt của Elon Musk không chỉ được biết đến qua các dự án trên mà còn ở cách ông làm việc với đội ngũ của mình. Tạp chí Inc vừa qua đã chia sẻ lại nội dung email về triết lý truyền thông nội bộ của Elon Musk gửi nhân viên Tesla nhằm thúc đẩy hiệu quả trao đổi công việc.

Elon Musk và triết lý truyền thông nội bộ thông minh - Ảnh 2.

Tỉ phú, doanh nhân Elon Musk - Ảnh: Zero Hedge

Nhịp Sống Số đăng tải lại cùng những chia sẻ về góc nhìn của chuyên gia từ Inc.com. Email không phải là bản công bố đại chúng, gửi nội bộ đến đội ngũ Tesla có chủ đề 'Truyền thông nội bộ hãng Tesla', giải thích về cách thức thông tin được truyền đi ở hầu hết các công ty, và làm cách nào để thay đổi vấn đề này ở Tesla.

Làm sao khuynh hướng này có thể giúp Tesla phát triển khi mà nó làm cho các phòng ban dựng nên những rào chắn với nhau hoặc nhìn nhận thành công chỉ đối với phòng ban của mình thay vì dưới tư cách của tập thể công ty? Chúng ta đều ngồi trên cùng một con thuyền. Hãy luôn cho rằng bản thân làm việc vì lợi ích của công ty chứ không bao giờ là vì phòng ban của bạn

Elon Musk

Chủ đề: 'Truyền thông nội bộ hãng Tesla'

Trên thực tế, có hai trường phái về cách thông tin được truyền đạt ở các công ty. Cách phổ biến nhất là theo trình tự, nghĩa là ai muốn nói gì đều phải thông qua sếp trực tiếp của mình. Vấn đề của cách tiếp cận này chính là: trong khi nó giúp củng cố quyền lực của người quản lý, thì nó lại không giúp công ty phát triển tốt hơn.

Thay vì một vấn đề có thể được giải quyết nhanh chóng, thì mọi việc lại diễn ra phức tạp. Đáng lẽ khi có vấn đề, một nhân viên ở phòng ban này nói chuyện ngay với một nhân viên ở phòng ban khác để tìm cách giải quyết, thì mọi việc lại xảy ra như thế này: nhân viên ấy buộc phải nói với sếp của mình – người này lại trình với quản lý cấp cao hơn. Sau đó, người quản ly cấp cao lại bàn bạc với sếp của phòng ban kia, rồi người này lại bàn với nhân viên trong ban của mình. Thông tin về vấn đề ban đầu lại phải đi một chặng đường dài mới đến đích. Điều này hết sức ngớ ngẩn. Bất kì người quản lý nào để việc này xảy ra, chưa nói đến chuyện khuyến khích nó, sẽ sớm phải làm việc ở một công ty khác. Tôi không hề đùa đâu!

Mọi nhân viên ở Tesla đều có thể/ nên gửi email hoặc nói chuyện với bất kỳ người nào họ tin là có thể giải quyết được vấn đề nhanh chóng nhất vì lợi ích của toàn công ty. Bạn có thể trình thẳng lên người quản lý cấp cao mà không cần sếp của bạn cho phép, bạn có thể bàn bạc với phó tổng giám đốc của phòng ban khác, bạn có thể nói với tôi (Elon Musk), có thể nói với bất kỳ người nào mà không cần ai phải cho phép. Hơn nữa, bạn nên cho rằng bản thân mình bắt buộc phải làm vậy cho đến khi nào vấn đề được giải quyết. Mấu chốt ở đây không phải là các cuộc tán gẫu bâng quơ, mà tập trung vào giải quyết vấn đề cực nhanh và hiệu quả. Rõ ràng chúng ta không thể cạnh tranh với các hãng sản xuất xe hơi lớn có cùng quy mô (hàm ý nói đến Hãng xe điện Tesla), vì vậy chúng ta phải thực hiện việc này một cách thật thông minh và linh động.

Điều cuối cùng, các sếp phòng ban nên nỗ lực đảm bảo rằng các bạn đang không điều hành nhân viên của mình theo kiểu biệt lập, tạo khoảng cách với công ty hoặc làm chậm quá trình truyền thông dù dưới bất cứ hình thức nào. Thật không may, điều này đang dần trở thành một khuynh hướng khó tránh khỏi và chúng ta phải cật lực đấu tranh với nó. Làm sao khuynh hướng này có thể giúp Tesla phát triển khi mà nó làm cho các phòng ban dựng nên những rào chắn với nhau hoặc nhìn nhận thành công chỉ đối với phòng ban của mình thay vì dưới tư cách của tập thể công ty? Chúng ta đều ngồi trên cùng một con thuyền. Hãy luôn cho rằng bản thân làm việc vì lợi ích của công ty chứ không bao giờ là vì phòng ban của bạn.

Xin cám ơn,

Elon.

---------------------------------------

'Tôi cực kì thích những thông điệp mà bức email này chuyển tải' - cây bút Justin Bariso từ Inc bày tỏ.

Khi việc truyền thông bị ép phải đi qua các “kênh thông tin theo quy trình” sẽ là một công thức hoàn hảo cho việc: Giết chết ý tưởng và chôn vùi những nhận xét mà công ty cần phải có để phát triển

Justin Bariso (từ Inc)

Theo Justin Bariso, duy nhất chỉ có một vấn đề trong giải pháp mà Musk đưa ra: Điều đó rất khó để thực hiện trên thực tế.

Elon Musk và triết lý truyền thông nội bộ thông minh - Ảnh 5.

Truyền thông thông minh giữa các phòng ban thúc đẩy công việc và sáng tạo trong công ty hiệu quả hơn - Ảnh: YouTube/Tim Brown & Roger Martin

Tại sao truyền thông nội bộ lại khó?

Tất cả các công ty nói rằng họ đề cao sự trong sạch và tính trung thực. Đa số họ đều nói dối!

Tôi (Bariso) đã làm việc rất nhiều năm cho một tổ chức phi lợi nhuận - nơi có thể là ví dụ cho kiểu suy nghĩ này. Đó là một tổ chức cực kì vì công việc chung. Hầu hết mọi người ở đó đều thấm nhuần triết lý này vì họ nhìn thấy các nhà quản lý và người điều hành đều thực hiện nó. (Thực tế, chính những kinh nghiệm cá nhân mà tôi có được ở đó đã thôi thúc tôi có chuyên mục đầu tiên ở Inc.com). Sau khi rời khỏi tổ chức đó và tư vấn cho cả tá các công ty khác, tôi nhận ra nơi làm việc như vậy thật hiếm.

Vậy làm thế nào để xây dựng văn hóa công ty nơi mà các nhân viên đều cùng nhau làm việc, thay vì chống đối lẫn nhau?

Những câu hỏi là 'bí quyết'

1. Bạn có đang nhìn thấy bức tranh toàn cảnh về tổ chức của mình? Còn với đội của bạn họ có thấy điều đó không?

2. Bạn có khuyến khích những quan điểm và ý kiến khác biệt? Bạn có thưởng những nhân viên đã dành cho mình lời nhận xét chân thật, ngay cả khi bạn không đồng ý với nhận xét đó?

3. Bạn có bộc lộ sự đồng cảm bằng cách nhìn nhận vấn đề của nhân viên một cách nghiêm túc, và chủ động giúp đỡ họ tìm ra giải pháp?

4. Bạn có khuyến khích một môi trường làm việc thúc đẩy sự phát triển, ngay cả khi (đôi lúc) điều đó có nghĩa là để mất số lượng lớn nhân viên vào tay một đội khác, một phòng ban khác hoặc thậm chí một công ty khác?

Tất nhiên, nhà lãnh đạo luôn phải làm gương. Họ phải nhìn rộng ra khỏi các thành tích cá nhân và các chỉ số đánh giá thực hiện công việc, muốn làm điều này cần có lòng can đảm, sự sâu sắc và cả trí tuệ cảm xúc. Đồng nghĩa với việc bạn phải lắng nghe càng nhiều tiếng nói xung quanh mình càng tốt.

Hơn hết, bạn phải sẵn sàng lắng nghe những gì nhân viên của mình thực sự nghĩ. Bởi vì bước đầu tiên trong việc giải quyết một vấn đề đó là biết được nguyên nhân khiến nó tồn tại ngay từ ban đầu.

VÂN ANH (Tổng hợp từ Inc)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên