13/07/2011 07:01 GMT+7

E102 vẫn nằm trong danh mục Codex

NGỌC HÀ thực hiện
NGỌC HÀ thực hiện

TT - Đó là khẳng định của TS Vũ Ngọc Quỳnh - tổng thư ký Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm VN (Ủy ban Codex VN, thuộc Bộ Y tế) - với Tuổi Trẻ.

OPMSwZ92.jpgPhóng to

TS Vũ Ngọc Quỳnh - Ảnh: N.Hà

Trước luồng thông tin nghi ngại phẩm màu tartrazine (thường gọi là E102 theo ký hiệu của hệ thống tiêu chuẩn châu Âu) bị loại khỏi danh mục các chất phụ gia thực phẩm của Codex từ những năm 2006-2007 nhưng đến nay vẫn được Bộ Y tế VN cho phép sử dụng, TS Vũ Ngọc Quỳnh - tổng thư ký Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm VN (Ủy ban Codex VN, thuộc Bộ Y tế) - khẳng định với Tuổi Trẻ:

Được dùng E102 trong mì gói

- Phẩm màu E102 chưa bao giờ bị đưa ra khỏi danh mục các chất phụ gia trong thực phẩm của Codex từ khi nó được xuất hiện trong đó. Danh mục hiện tại của Ủy ban Codex - cập nhật năm 2010 - cũng chỉ rõ E102 còn nguyên vẹn trong danh sách. E102 chỉ không xuất hiện trong điều khoản quy định mức độ tối đa được sử dụng trong tiêu chuẩn chung về phụ gia thực phẩm GSFA của Codex.

* Sự vắng bóng của chất phụ gia này trong điều khoản đó có phải là một cách cảnh báo về giới hạn sử dụng E102 trong thực phẩm?

- Theo thủ tục của Codex, danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng bao gồm tên, số hiệu quốc tế, tính chất, nghiên cứu đánh giá chi tiết thường trực phải có. Còn điều khoản quy định về mức tối đa được phép dùng có thể được bỏ, bổ sung, mang ra xem xét lại là điều bình thường. Khi tìm trong GSFA, tại mục E102 mà không thấy các điều khoản cụ thể thì có nghĩa nó đang được soát xét lại.

* Lý do gì khiến E102 phải được Codex soát xét?

- Từ năm 2006-2007, hai nghiên cứu ở Nhật và một nghiên cứu ở châu Âu đã chỉ ra những lo ngại về việc dùng E102 liều cao, thường xuyên có thể gây hậu quả không tốt, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em. Tuy nhiên vào năm 2009, khi Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu họp hội đồng đã kết luận các số liệu đó không đưa ra được lý do để xem xét lại lượng cho phép ăn vào là 7,5mg/kg thể trọng/ngày, cũng như mức tiêu thụ tối đa của nó.

Do luồng thông tin hơi rối loạn tại VN nên khi dự cuộc họp Đại hội đồng Codex tại Geneve (Thụy Sĩ) từ ngày 4 đến 9-7 mới đây, tôi đã tham khảo chính xác quan điểm của Codex đối với phụ gia này. Chủ tịch ban kỹ thuật Codex về phụ gia thực phẩm khẳng định E102 chưa bao giờ bị xóa khỏi danh mục. Các điều khoản soát xét đáng lẽ kết thúc từ tháng 3-2011 tại hội nghị của ban kỹ thuật Codex về phụ gia thực phẩm nhưng do không đủ thời gian nên chúng bị để lại.

* Trong khi một loại phụ gia được soát xét thì giới hạn dùng của nó được tuân theo nguyên tắc nào?

- Trong thời gian được soát xét, phụ gia đó vẫn được sử dụng bình thường theo những giới hạn, điều khoản cho phép cũ. Chẳng hạn, tiêu chuẩn Codex quy định mức tối đa của E102 cho mì ăn liền (mì gói) là 300mg/kg thực phẩm. Tiêu chuẩn khu vực CCASIA về tương ớt (VN đóng góp biên soạn) của Codex vừa thông qua tại hội nghị Đại hội đồng Codex tháng 7-2011 quy định mức E102 là 100mg/kg.

E102 vẫn được cả thế giới dùng. Ngay Nhật Bản, Hàn Quốc có thái độ khá gắt gao với phụ gia này cũng chỉ cấm dùng trong một số loại thực phẩm.

* Tại các quốc gia này, E102 bị cấm hoặc bị hạn chế trong những loại thực phẩm nào?

- Giảm chủ yếu trong một số loại thực phẩm trẻ em yêu thích. Chẳng hạn như trước đây giới hạn cho phép của E102 trong sữa đậu nành là hàng trăm mg/kg thì nay chỉ còn 30mg/kg, giới hạn trong nước hoa quả chỉ còn dưới 100mg/kg.

* Mười năm qua VN không hề cập nhật danh mục phụ gia được dùng trong thực phẩm trong khi Codex vẫn cập nhật thường xuyên. Điều này có đúng không, thưa ông?

- Đúng là mười năm qua chúng ta vẫn dùng một danh mục phụ gia được ban hành từ năm 2001. Song ngoài danh mục đó, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã nhiều lần xem xét các chất ngoài danh mục theo yêu cầu nhập khẩu của doanh nghiệp. Theo quy định của cục, nếu chất phụ gia không nằm trong danh mục phụ gia cho phép của Bộ Y tế thì sẽ đối chiếu với tiêu chuẩn Codex. Trong trường hợp Codex cũng không có thì căn cứ các quy định của Pháp, Mỹ.

Cho nên nói không bổ sung vào danh mục không có nghĩa là không cập nhật. Vấn đề có lẽ nằm ở việc ban hành các quy định mới thường vẫn phải qua nhiều thủ tục hành chính.

NGỌC HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên