11/06/2015 13:34 GMT+7

​E ngại với kiểu làm báo cẩu thả

MINH QUANG
MINH QUANG

TT - Nhiều câu chuyện thực tế cho thấy đang xuất hiện tình trạng làm báo cẩu thả, trái với đạo đức nghề báo, coi thường độc giả...

Đó là ý kiến của các đại biểu tại hội thảo khoa học “Trách nhiệm xã hội và đạo đức báo chí trong kỷ nguyên kỹ thuật số” do khoa báo chí truyền thông (Đại học KHXH&NV) và Viện KAS (CHLB Đức) tổ chức tại Hà Nội ngày 10-6.

Sống chung với cư dân mạng

Tại hội thảo, ông Lưu Đình Phúc, phó cục trưởng Cục Báo chí - Bộ TT&TT, đã nêu ví dụ một tờ báo đăng tải thông tin về trường hợp bé gái 13 tuổi tại Huế mang thai, nêu rõ họ tên, địa chỉ và hình ảnh của bé gái này. Điều này dẫn đến việc bé gái và người yêu đã mua xăng tự thiêu.

Câu chuyện này cũng là sự báo động về hành vi làm báo cẩu thả, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, coi thường độc giả...

Cùng với ví dụ này, ông Phúc còn nêu ra nhiều câu chuyện về việc vi phạm đạo đức báo chí như việc đăng hình ảnh phụ nữ, trẻ em bị xâm hại... và chỉ ra rằng không nên quan niệm cái gì luật pháp không cấm thì chúng ta có thể làm.

Bởi lẽ, những gì nên làm và không nên làm lại thuộc về phạm trù đạo đức, với nhà báo, đó là lương tâm và trách nhiệm trước xã hội.

Cũng chia sẻ những câu chuyện tương tự, nhà báo Hữu Thọ cho biết từ năm 1997 đã có quy ước về nghề báo ở Việt Nam nhưng hầu như chưa được coi trọng.

Trong khi đó các tờ báo nước ngoài có quy ước riêng quy định chặt chẽ hơn Việt Nam nhằm tránh đưa thông tin sai sự thật, cố gắng cho việc đưa tin đúng sự thật. Đó chính là trách nhiệm xã hội của nhà báo.

Trong thời đại hiện nay, nhà báo Hữu Thọ cho rằng “mạng xã hội đang xô đẩy lòng tin của giới trẻ”, việc chạy đua thông tin trên mạng, bị những thông tin xấu dẫn dắt phản ảnh một số nhà báo kém bản lĩnh, không giữ vững lập trường.

Ông Hữu Thọ cho rằng thời nay phải biết sống chung với cư dân mạng nhưng quan trọng là thái độ sống thế nào có bản lĩnh để đưa tin đúng sự thật, đúng trách nhiệm của mình.

Không thể cầm tiền người này đánh người khác

Đề cập nguyên nhân về sai phạm của báo chí, nhà báo Hữu Thọ chỉ ra hai nguyên nhân lớn. Thứ nhất là những tờ báo gặp khó khăn về tài chính nên số phụ trương và trang thông tin điện tử ra quá nhiều vì đây là chỗ chủ yếu để làm kinh tế nuôi quân. Và sai phạm chủ yếu ở những tờ này.

Thứ hai là trách nhiệm rèn luyện đạo đức người làm báo cũng như sự giám sát không nghiêm túc.

Đây là trách nhiệm của chính các tổng biên tập chứ không phải của cấp trên, của cơ quan chủ quản. Ông Hữu Thọ lý giải tổng biên tập là người quyết định việc ký hợp đồng hay không, quyết định cho phóng viên tiếp tục làm việc hay không và việc không giám sát, rèn luyện do chính anh dung dưỡng dẫn đến những vấn đề về đạo đức người làm báo.

Vấn đề trách nhiệm của tổng biên tập được nhà báo Hữu Thọ nêu ra đã nhận được hưởng ứng của nhiều lãnh đạo cơ quan báo chí.

Nhà báo Ngô Minh Tuấn, tổng biên tập tạp chí Xây Dựng Đảng, đã bày tỏ sự tâm đắc với nội dung này vì tổng biên tập chính là người giám sát phóng viên, biết được những việc làm đúng sai và quyết định xử lý.

Đó chính là chế tài đối với người làm báo. Ông Tuấn cũng bày tỏ trách nhiệm của mỗi tổng biên tập không dừng lại ở đó vì ghế tổng biên tập là “ghế nóng”, từ quản lý cho đến cả khi duyệt bài.

Tương tự, nhà báo Lê Duy Truyền, phó tổng giám đốc TTXVN, cũng chia sẻ những câu chuyện về việc xử lý tin bài của phóng viên khi có vấn đề kinh tế, có mùi tiền.

Ông Truyền khẳng định không thể để tình trạng cá nhân cầm tiền của người này để đánh người khác, ở TTXVN đã có những trường hợp có dấu hiệu như vậy và phải chuyển cơ quan khi không được xử lý tin bài.

Trách nhiệm xã hội là trách nhiệm đối với đất nước

Trong bài viết gửi đến báo Tuổi Trẻ về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cũng nêu rõ hiện nay Việt Nam có 90 tờ báo điện tử, 1.516 trang tin điện tử tổng hợp và gần 400 mạng xã hội.

Công nghệ truyền thông mang tính đột phá ngày càng mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề cho người làm báo.

Đó là các vấn đề về sự xâm phạm quyền nhân thân, việc vi phạm bản quyền, dẫn nguồn không chính thống, lệch chuẩn về văn hóa.

Theo Thứ trưởng Trương Minh Tuấn, Hiến pháp Việt Nam qua các thời kỳ và Luật báo chí đều có quy định quyền tự do ngôn luận trên nguyên lý nền tảng, đảm bảo giá trị phổ quát của quyền con người.

Báo chí và truyền thông Việt Nam là tự do nhưng báo chí và truyền thông phải có trách nhiệm góp phần ổn định chính trị - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn của xã hội, bảo đảm thúc đẩy sự phát triển và trường tồn của đất nước, của dân tộc và do đó báo chí phải có định hướng đúng đắn, góp phần thông tin, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Thứ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng nhà báo Việt Nam trong thời kỳ mới cần phải nâng cao vai trò công dân, đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên hàng đầu.

Nhà báo còn có trách nhiệm xã hội to lớn là góp phần định hướng dư luận, ngăn ngừa, lên án những thông tin xấu độc và duy trì, xây dựng đạo đức xã hội.

MINH QUANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên