![]() |
Đường Trần Quang Khải luôn tấp nập suốt ngày đêm - Ảnh: C.M.C. |
Một đồng nghiệp nhận xét: “Con đường như một TP.HCM thu nhỏ: có nhà cao tầng ngất ngưởng và có mảnh nilông lạc xoong vỉa hè; có người lao động chắt chiu từng đồng và kẻ đổ tiền theo suối... bia ôm; phố vi tính bên hẻm không tên...”.
Những phận nghèo
“Đất ngoài rìa - dân tứ xứ mà”, anh Lê Quang Phong, 34 tuổi, vệ sĩ Công ty bảo vệ Long Hải, một cư dân cố cựu hẻm 68 của tuyến đường, nhận xét ngắn gọn và rất thật. Thật như quá khứ hàng trăm năm tồn tại của nó đã có trên tấm bản đồ cổ do Trần Văn Học vẽ từ năm 1815. Con đường này và khu vực quanh nó nằm bên ngoài tường thành Gia Định.
Khi Gia Định thành thất thủ, nó thành vùng đệm giữa khu đất Hộ (nơi cư trú của dân Tây và những người theo Tây) và khu Phú Nhuận, bên kia cầu Kiệu tạm coi như vẫn là của ta. Để từ đó, viên đề đốc yêu nước Nguyễn Văn Bường đã cùng những cư dân yêu nước qua cầu Kiệu tấn công đất Hộ.
Đến tận những ngày sau Cách mạng Tháng Tám, những cụ ông cụ bà sống lâu năm nơi đây nhớ lại: “Vài ngày là thấy xác người đàng mình bị Tây giết lẫn xác Tây, Việt gian tấp vào hai bên bờ”.
Còn người, đầu tiên là những cư dân thiếu đất xứ Quảng Nam tìm đến dựng đình Nam Chơn, đình Phú Hòa...; những cư dân nghèo Quảng Ngãi, Đà Nẵng tìm đến lập chùa “Dọn Bàn” (vì đa số người Quảng Ngãi thuở ấy vô đây làm nghề dọn bàn), đình Sơn Trà...
Rồi những người đàn bà cứng cỏi xứ Gò Vấp trong bài vịnh cổ về phủ Gia Định trước ngày thành Gia Định (thành Quy - bị vua Minh Mạng truyền san phẳng sau cuộc binh biến Lê Văn Khôi - 1835) trước và sau Cách mạng tháng 8-1945 trôi dạt đến khu vực bến Súc (bến tập kết gỗ) nằm giữa kênh Nhiêu Lộc với con đường.
Một buổi trưa, dưới tàng cây sao dầu có tuổi dễ đến gần thế kỷ, bà cụ Nguyễn Thị Xiếu, 70 tuổi, kể: “Hồi ông Phan Ngô cho đào móng xây Trường Văn Hiến (nay là Trường THCS Trần Quang Khải) trước giải phóng, trúng một hầm toàn giày bốt cao su đi bùn sình, bà con trong xóm xô ra lấy về cân bán cao su ký”.
Bà cụ Xiếu, vốn sống hầu như cả đời trên con đường với đủ nghề: làm lò cơm rượu, gánh nước mướn (hồi chưa có nước máy), bán chè, cháo, hủ tiếu... và bây giờ là mưu sinh cả ngày trên vỉa hè với xấp vé số, hồi tưởng lại: “Ba má tui dân Gò Vấp, hồi đàng mình nổi (Cách mạng Tháng Tám) nghe nói đất này toàn bà con nghèo với nhau, dễ xoay xở làm ăn, đùm bọc nhau nên chạy về đây...”.
Giờ thì họ đã thành dân cố cựu, có hộ khẩu thường trú; tiếp tục đón người mới cũng từ khắp nơi tìm đến mà chỉ riêng những người diện KT3 (tức thời gian ở thực tế đã kha khá) hiện gần 2.000 nhân khẩu với đủ mọi nghề của người lao động nghèo. Nói như... báo cáo tổng kết hơn một chục năm thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo của nơi đây thì “địa bàn có những điều kiện phù hợp cho các diện lao động nghèo ở các nơi về lập nghiệp mưu sinh”.
Phải chăng cùng nghèo nên dễ sống với nhau mà sau khi khu nhà sàn kênh Nhiêu Lộc giải tỏa cách đây vài năm, rất nhiều cư dân trong khu vực dù đã có nơi ở mới bên Gò Vấp, Bình Thạnh... vẫn về lại chốn xưa.
Người tài xế xe ôm Trương Viết Lộc, bao nhiêu năm sống với dòng kênh, giờ đã về một chung cư ở Gò Vấp vẫn ngày ngày ngồi đón khách ở một cửa hàng thời trang đối diện ngôi đình cổ Nam Chơn vốn của người dân làng Chơn Sảng (Quảng Nam) tìm đến mưu sinh cách đây hàng trăm năm.
Sân đình ngày xưa có lẽ cũng là nơi luyện tập võ nghệ của những cư dân lưu tán xứ Quảng thế kỷ 19, của những đội thanh niên tiền phong năm 1945, giờ lại là một sân tập mà từ sáng tinh mơ đến tối mịt của đông đảo những môn sinh võ phục đen môn phái Nam Huỳnh Đạo - môn phái mới ra đời gần đây nhưng có lẽ nhờ “thiên thời - địa lợi - nhân hòa” mà tiếng tăm đã khá lừng lẫy.
Bà cụ Xiếu thủng thỉnh kể: “Dân đây mê võ. Thời tui còn trẻ có ông Sáu Nhỏ ở xóm Văn Hiến võ nghệ đầy mình, đá đến trâu rống, nổi danh giang hồ vì trọng nghĩa tình...”.
Xóm nghèo bước vào... “hiện đại”
Xóm Chùa, một trong những khu vực quần tụ quanh con đường mà đến nay dân trong vùng vẫn gọi theo tên cũ của nó (xóm chùa lại chia nhánh thành xóm chùa Tam Bảo, xóm chùa Vạn Thọ...); rồi xóm Cầu Tiêu, xóm Văn Hiến, xóm lò xôi rượu... Thậm chí rất xưa như tên gọi xóm Vạn Chài, xuất phát từ thời nhánh kênh này còn rộng như con sông, tấp nập “trên bến dưới thuyền” (hiện vẫn còn một đội lân trong xóm mang tên đội lân Vạn Chài)...
Vài năm nay, con đường dọc bờ kè kênh Nhiêu Lộc đã gần như thay da đổi thịt đến không ngờ. Mới cách đây vài năm thôi, tại nơi này những tay giật dọc trên đường TQK thoát chạy vào vô số ngõ hẻm đâm ra khu nhà sàn, nhảy tõm xuống dòng kênh đen là coi như nạn nhân trơ mắt ếch.
Rùng mình nhất là xóm Cầu Tiêu với ba chi nhánh: cầu Vạn Chài, cầu Bảy Biển, cầu Cây Mít. Mỗi chi nhánh gồm 10 nhà cầu chia đều 5-5 dành cho nam phía trước nữ phía sau. Một bạn gái xóm Cầu Tiêu Bảy Biển lắc đầu nhớ lại mà... rởn da gà: từ chuyện xếp hàng chờ đợi, cãi cọ um sùm từ 4, 5g sáng tới chuyện những quý bà quý cô lơ đễnh rớt đồng hồ, dây chuyền vàng khi ngồi cầu, quên phắt bụng dạ, lần bước xuống kênh để mò...
Và cả cảnh những cô gái, em gái tuổi mới lớn ngồi trên cầu bỗng la oai oái vì phát hiện có một “thằng mất dạy” đang lấp ló bên dưới. Người trong xóm chạy ra chụp cổ thì “thằng mất dạy” kêu là “người ta mò vớt trùn chỉ chớ ai thèm”(!)...
“Giờ khác xưa nhiều lắm...”, bà Sáu bình dân bảo thế khi nhắc lại chuyện xưa. Đường bờ kè dựng lên, xóm Cầu Tiêu biến mất, dù tên gọi vẫn còn đó.
Cuộc sống khá lên, một số ngôi chùa, đình có tuổi hàng thế kỷ mới đây còn được ghi trong tập 4 Địa chí văn hóa TP (1998), giờ tìm đỏ mắt vẫn không ra, vì đã thành điểm dịch vụ Internet bề thế, cửa hàng bếp ga... (ít ra cũng ở phần mặt tiền đường).
Dự một lễ hội kỳ yên tổ chức hằng năm của đình Phú Hòa, giữa những hoành phi câu đối cổ xưa, chúng tôi như được sống trong không gian thiêng liêng của những cư dân ngày xưa đi mở cõi trước thần thành hoàng ngôi đình là Nam Hải đại tướng quân (cá voi), vị thần độ trì những con dân ngũ Quảng xưa vốn sống nghề chài lưới, vượt biển tìm đến đất này.
Thế nhưng ngôi đình cổ này cũng không còn được nguyên vẹn trong cơn lốc thời kinh tế thị trường khi một góc mặt tiền của nó từ lâu đã được trổ cửa thành điểm kinh doanh. “Nó suýt thành gara xe (!) nếu không kịp can thiệp...”, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian và khá am hiểu về đình chùa trong khu vực Hồ Tường xuýt xoa bảo thế.
Và cư dân của nó tất nhiên có những thay đổi đến kinh ngạc. Năm 2004, rà soát lại 640 căn hộ với hơn 3.000 nhân khẩu trong diện cần xóa đói giảm nghèo trong phường từ năm 1992, UBND phường thở phào công bố: tất cả đều đã vượt qua tiêu chí “3 triệu đồng” mà TP nêu ra.
Còn chúng tôi thì chứng kiến một đám cưới trong hẻm 68 mà khi nhà gái đến lạy bàn thờ tổ tiên, bàn tiếp khách của đàng trai kê ở góc hẻm phía trước - bởi căn nhà đàng trai vốn chỉ chừng chục mét vuông cho một hộ gồm cha mẹ và hàng chục đứa con. Chiếc xe đẩy bán chè quanh xóm của bà mẹ chồng được gửi sang nhà hàng xóm.
Thế nhưng chiều hôm đó, tiệc cưới được tổ chức khá xôm tụ ở một điểm khá sang trọng - Trung tâm giải trí Quốc Thanh. Những người hàng xóm trầm trồ: “Hai đứa đều có học, đang làm ở một khách sạn lớn ngoài Sài Gòn...”. Bọn trẻ xóm này giờ không bèo nhèo như ba má nó...
--------------
* Kỳ tới: Một con đường... hai cuộc sống
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận