![]() |
Dương tắm đàn heo của dì để kiếm thêm ít tiền trang trải cuộc sống - Ảnh: Vân Anh |
Dương đậu Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM ngành công nghệ kỹ thuật hóa học, nhưng nay đã quá thời hạn nhập học hơn nửa tháng mà em vẫn chưa có đủ tiền đóng học phí.
Trò nghèo gắng gượng vươn lên
Khi chúng tôi đến nhà, Dương đang dọn dẹp chuồng bò và tắm đàn heo sau vườn của người dì. Đôi mắt đỏ hoe, đượm buồn Dương nói: “Chắc phải nghỉ học thật rồi chị ơi. Em và bà ngoại chỉ mới gom góp được khoảng 1 triệu đồng, mà riêng học phí đã gần 4 triệu, chưa tính các khoản khác”.
Gia đình Dương không có ruộng nên ba mẹ em phải đi thuê ruộng để trồng lúa. Mỗi vụ chỉ thuê được 4-5 sào ruộng, lúc được mùa thì đủ ăn, còn lúc trái gió trở trời hay sâu bệnh coi như làm không công, hết vụ mùa ai thuê gì làm nấy.
Mẹ Dương bị bệnh động kinh nên khả năng lao động hạn chế, bà chỉ làm được những công việc nhẹ nhàng ở gần nhà, mỗi tháng phải đi bệnh viện khám và lấy thuốc một lần.
Thấu hiểu nỗi cơ cực của ba mẹ, Dương luôn cố gắng học hành chăm ngoan, ngoài giờ học thường phụ làm lúa.
Ông Nguyễn Minh Chương, ba Dương, cho biết: “Nhà tôi hết khả năng rồi cô ơi, đi làm thuê làm mướn quần quật nhưng cũng không đủ lo cuộc sống thì lấy đâu ra tiền mà học? Tự nó lo được thì học, còn không đi làm nuôi thân thôi”.
Từ khi lên THPT, Dương đến ở với bà ngoại tại xã Tân Thông Hội (huyện Củ Chi), bà cháu nuôi nhau và em đi học gần trường. Bà già yếu nên Dương vừa giúp ngoại việc nhà, vừa nhận chăm sóc đàn heo và bò của người dì để trang trải sinh hoạt cho hai bà cháu, kiếm tiền đóng học phí.
Cậu học trò nghèo không biết đến học thêm là gì vậy mà nhiều năm liền là học sinh khá, giỏi.
Thách thức trước cổng trường đại học
Dáng người nhỏ thó, gầy nhom vậy mà trước kỳ thi đại học, Dương lọ mọ đạp xe từ Củ Chi đến tận trường thi ĐH Công nghiệp TP.HCM (quận Gò Vấp) để tìm đường và dò tuyến xe buýt đi thi.
Thi xong đại học, ban ngày Dương chăm sóc đàn bò, đàn heo, ban đêm đi làm thêm ở công ty giặt ủi với mong muốn kiếm đủ tiền cho ngày nhập học.
Số phận trớ trêu, công ty Dương làm thông báo mức lương khoảng 2,5 triệu đồng/tháng, thế nhưng Dương cật lực làm hết tháng mà chủ công ty chỉ trả có 1 triệu đồng.
Không bỏ cuộc, Dương lại đi tìm chỗ khác để làm, làm được một tuần thì đến thời hạn trường gọi nhập học.
Thầy Lê Minh Hiếu, giáo viên chủ nhiệm của Dương, chia sẻ: “Thành tích học tập của Dương rất tốt dù không cần học thêm như bạn bè. Biết hoàn cảnh của Dương, tôi vận động các thầy cô giáo không thu học phí thì lúc đó em mới được đi học thêm ba môn để chuẩn bị cho kỳ thi đại học. Một con ngoan trò giỏi, có nghị lực như Dương mà phải đứt đoạn việc học ở đây thì thật tiếc cho em”.
Dương ngậm ngùi nói: “Em tính khi được nhập học rồi, trước mắt sẽ đón xe buýt đi học cho đỡ tốn kém, rồi em cố gắng kiếm việc làm thêm để lo khoản học phí, sinh hoạt, kiếm chỗ ăn ở rồi từ từ đóng học phí. Được đi học rồi, em sẽ nỗ lực hết mình để học tập và rèn luyện tốt”.
Giải quyết cho em Dương làm thủ tục nhập học
Về trường hợp quá hạn nhập học của tân sinh viên Nguyễn Minh Dương, chúng tôi đã liên lạc với TS Nguyễn Thiên Tuế - phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM. Thầy cho biết: “Thời hạn nhập học theo giấy báo của trường đến hôm nay đã quá nửa tháng, theo quy định trường sẽ không tiếp nhận tân sinh viên nữa. Tuy nhiên xét thấy hoàn cảnh quá khó khăn của Nguyễn Minh Dương và ước muốn được theo học của em, nhà trường sẽ tạo điều kiện ngay lúc này cho em làm thủ tục nhập học và tạm thời chưa thu học phí”. |
Đã trao 4,55 tỉ đồng cho “Tiếp sức đến trường 2014”
Từ ngày 22-8 đến 9-9-2014 quỹ học bổng “Tiếp sức đến trường 2014” của báo Tuổi Trẻ đã trao tổng cộng 910 suất học bổng (trị giá 5 triệu đồng/suất) cho tân sinh viên tại 12 tỉnh thành miền Trung và năm tỉnh Tây nguyên, tương đương 4,55 tỉ đồng. Tại mỗi tỉnh tổ chức lễ trao học bổng luôn có thêm một vài suất học bổng “phát sinh” giờ chót được mạnh thường quân trao cho những tân sinh viên nghèo hiếu học có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt. Đây là một truyền thống luôn được duy trì trong suốt 12 năm tổ chức học bổng “Tiếp sức đến trường” với phương châm: “Chỉ có thêm chứ không bớt đi những suất học bổng cần thiết cho học trò nghèo hiếu học trên cả nước”. Sắp tới sẽ còn các đợt trao học bổng ở 6 tỉnh Việt Bắc, 13 tỉnh thành đồng bằng Bắc bộ và Đông Bắc bộ, 6 tỉnh Tây Bắc, 13 tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long và 7 tỉnh thành Đông Nam bộ. Năm nay “Tiếp sức đến trường 2014” dự kiến trao 1.800 suất học bổng trị giá 9 tỉ đồng cho tân sinh viên nghèo trên cả nước. LÊ VÂN |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận