03/09/2006 07:12 GMT+7

Đường xa vạn dặm, cùng ai...

NGUYỄN CHƯƠNG
NGUYỄN CHƯƠNG

TT - Mẹ bỏ con đi đường xa vạn dặm/Mẹ bỏ con đi đường xa mịt mùng/...Giấc ngủ chưa tròn mẹ bỏ con đi/Gối lệch chăn mòn mẹ bỏ con đi...

D4xZSkJY.jpgPhóng toGánh sen - Ảnh tư liệu

Ám ảnh lặn sâu vô thức chợt trồi lên. Có gì liên hệ với nhạc khúc này không khi một bộ phim rất - đặc - biệt lấy tên Đường xa vạn dặm để làm nhan đề (lần đầu phát sóng trên kênh HTV7 vào 2-9 và phát lại vào tối 4-9-2006)?

“Trịnh Công Sơn viết Đường xa vạn dặm để nói đến cõi tử, còn tôi xin nói về cõi sinh. Thật sự cũng chỉ là một cách gọi, sinh tử trong chớp mắt, bận lòng làm gì” - đạo diễn Tống Thành Vinh nói, trong những ngày miệt mài ở phòng dựng phim, trau chuốt từng khung hình.

Tiếng nhịp kĩu kịt của quang gánh, nghe ra như nhịp thở - đó là lý do để mở cuộc hành trình. Xuất hiện ban đầu, đồng hành đến phút cuối của phim là chiếc đòn gánh treo vệt dài ở mép trên khung hình, được nhìn ở một thấu thị đen trắng của ký ức. Gánh, mà hệt như một con đường không lành lặn, lởm chởm sáng tối đan xen nhau. Những khoảnh khắc của bàn chân Giao Chỉ mà tình cờ đoàn làm phim chộp được khi ra Hội An, ngón cái choãi ra, bấm sâu vào lòng đất. Đất mẹ. Dầu dãi, với quang gánh trên đường.

Này đây, một gánh cá tươi nơi biển Phan Thiết mang đầy ân sủng của đại dương, thớ gỗ của đòn gánh thấm đẫm vị mặn biển cả, nhịp kĩu kịt của gánh mang lấy nhịp sóng. Này đây, người gánh cát thờ ở Huế, trên đường ra cửa biển Thuận An. Cát thờ? Hầu như là duy nhất có người đàn ông ấy vào mỗi dịp cuối năm, cận tết, ông lại gánh cát trắng muốt, mịn màng, loại cát đặc biệt chỉ dành bỏ vào lư hương. Chẳng thể nghĩ đó là cát, mà đó là tinh chất từ lòng đất chắt ra cho người.

Này, còn nữa, chiếc gánh trên vai còm cõi của bà cụ lầm lũi hay bờ vai tròn lẳn của cô con dâu, chiếc gánh luân lưu nơi một làng nghề. Huyền thoại đang được tiếp diễn tại làng gốm Phù Lãng, Bắc Ninh. Củi và lửa, đất và nước. Những người mẹ, người chị, người em gái trảy gánh đi giao gốm, những lúc nghỉ tạm đôi chút, hạ gánh xuống, họ tìm thảnh thơi giữa những lu gốm mà sức chứa đựng là vô cùng.

UMuVIYEG.jpgPhóng to

Đường xa vạn dặm không chịu khuôn vào thể loại nào có sẵn. Tống Thành Vinh gọi đấy là tùy bút phim, nhưng anh không tự xem mình là người khai phá dẫu dạng thức tùy bút phim rất lạ lẫm ở VN, vì thế giới đã từng xuất hiện dòng phim này theo đó, cảm xúc suy tưởng chảy thành mạch, nối kết hình ảnh lại với nhau.

Tùy bút phim của Vinh có những trường đoạn gần gũi với phim tài liệu, ghi lấy hình ảnh đời thường ở đây và lúc này, nhưng rồi ngay sau đó lại có những hình ảnh chuyển động ở thời quá vãng.

Cũng là vô cùng, hình ảnh chiếc gánh cong cong hai đầu, như đong lấy hình ảnh đất Việt cong hai đầu Nam - Bắc. Sự nhọc nhằn của chiếc gánh liêu xiêu trên đồi cát, bất chợt được tưởng thưởng, khi ta chợt nhìn thấy nét duyên dáng của cô gái gánh sen ra chợ. Như bước ra từ giấc mơ. Nỗi cơ cực của người mẹ gánh ve chai được bù đắp bởi con được học nên người từ những đồng tiền lẻ nơi đôi quang gánh. Nơi ấy chở đầy một tương lai được gom góp khó nhọc.

Sống dậy một tình cảm bâng khuâng. Tôi tin vào sự đánh thức đạo làm người qua câu chuyện của đôi quang gánh. Mỗi người, khi xem, tìm lấy cho mình một ấn tượng.

Với tôi, ấn tượng ấy đã rơi vào một khám phá mà Tống Thành Vinh cẩn trọng ghi lại. Trong muôn vàn chiếc gánh của người Việt, có gánh lạ lùng là... gánh hốt phân. Đâu ở một làng quê ngoài Bắc. Nắng hắt ánh vàng, màu của dĩ vãng, lên chiếc gánh. Hốt phân mà có cả một lịch sử.

Tương truyền từ ngày xưa, xưa lắm, một hôm có người khách lạ đến thăm nhà ông hốt phân, tặng câu đối: Khoác tấm áo bào gánh vác việc khó khăn trong thiên hạ. Cầm ba tấc kiếm tận thu lòng dạ cõi thế gian. Tấm áo phên rách tươm hóa thành áo bào, chiếc kẹp phân hóa thành tấc kiếm trong sự tri ngộ của bậc thi nhân. Người đàn ông hốt phân rùng mình, rơi nước mắt. Tương truyền người viết câu đối ấy là vua Lê Thánh Tông, một minh quân lỗi lạc của nước Việt. Câu đối ánh lên vẻ đẹp của một huyền thoại nhân văn...

Đôi gánh được đặt xuống, không còn trên vai nữa. Ngày ấy, mẹ đã đi xa. Trọn một vòng cõi sinh - tử. Tống Thành Vinh khép lại tùy bút phim của mình bằng một nỗi niềm. Ấy là lúc hình ảnh chiếc gánh thật sự sống động nhất.

Đường xa vạn dặm, sau đôi quang gánh sẽ là giếng nước, là điếu thuốc lào, là bát chè xanh... Mỗi vật dụng tạo nên một câu chuyện, sẽ nối nhau lên sóng vào tối thứ hai đầu tiên của mỗi tháng - Tống Thành Vinh cho biết như thế.

NGUYỄN CHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên