Kiều bào tham quan khu phố người Hoa sinh sống với những không gian tín ngưỡng văn hóa lâu đời tại quận 5, TP.HCM trong dịp tết - Ảnh: N.BÌNH
Theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều kiều bào đã bắt đầu lên mạng đặt vé về Việt Nam thăm gia đình và người thân sau hơn hai năm bị chia cắt bởi dịch COVID-19, không ít gia đình khác cũng rất háo hức nhưng vẫn đang cân nhắc do thủ tục với người thân (vợ, chồng, con) không có hộ chiếu Việt Nam, việc học hành của trẻ nhỏ và giá vé vẫn còn cao…
Thêm chọn lựa, giá vé giảm
Nhiều bà con người Việt đang sinh sống ở nước ngoài rất mong hàng không khôi phục hoàn toàn tần suất những chuyến bay thương mại thường lệ giữa Việt Nam và các nước để được về quê. Thời gian qua, một số đường bay được mở trở lại nhưng tần suất còn hạn chế, thủ tục nhập cảnh còn chưa rõ ràng, giá vé quá cao khiến nhiều người chần chừ.
Chị Nguyễn Thùy Duyên, ở tiểu bang Maryland (Mỹ), cho hay đã hai năm chưa về Việt Nam thăm gia đình. Dù Vietnam Airlines có mở đường bay thẳng tới Mỹ, giá vé vẫn neo ở mức cao cũng là rào cản đường về quê.
Theo chị Duyên, cách đây vài tháng, nhiều người bạn rủ chị mua vé đi đường vòng về quê để tiết kiệm chi phí. Hãng bay quốc tế quá cảnh tại Hàn Quốc về Campuchia, sau đó đi đường bộ nhập cảnh về Việt Nam ăn Tết qua cửa khẩu Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh).
"Nhiều người bạn của tôi đi đường bay này tiết kiệm được vài trăm đô. Tôi thấy lòng vòng mệt quá nên chờ Việt Nam mở cửa hoàn toàn đường bay thương mại quốc tế. Khi đó, hàng không tăng chuyến thì mình sẽ có thêm chọn lựa, giá vé máy bay giảm hơn" - chị Duyên nói và cho biết dự kiến trong tháng 4 chị sẽ mua vé về Việt Nam.
Nhiều công ty du lịch, hãng bay cũng bày tỏ sự phấn khởi khi Việt Nam mở lại toàn bộ các chuyến bay thương mại quốc tế. Đây sẽ là tiền đề, tín hiệu vui để du khách sớm có kế hoạch trở lại Việt Nam phục hồi du lịch cả inbound (đón khách quốc tế vào Việt Nam) và outbound (đưa khách Việt ra nước ngoài).
Ghi nhận trên website của các hãng bay giai đoạn từ tháng 3 trở đi cho thấy giá vé bay bắt đầu giảm nhiệt. Chẳng hạn, Vietjet đang có vé rẻ nhất 3,1 triệu đồng/vé chặng Hàn Quốc - TP.HCM ngày 25-3; TP.HCM - Bangkok (Thái Lan) giá 2,7 triệu đồng/vé, cách đây một tháng chặng bay trên giá vé 3-7 triệu đồng/vé. Tương tự, đường bay thẳng từ San Francisco (Hoa Kỳ) trong tháng 3, giá vé của Vietnam Airlines dao động còn 26 - 32 triệu đồng/vé, giảm mạnh so với giai đoạn đầu tháng 1-2022.
Sớm nối lại toàn mạng bay quốc tế
Sau thông báo của Cục Hàng không Việt Nam vào ngày 15-2 về việc Việt Nam dỡ bỏ hạn chế tần suất khai thác với các chuyến bay quốc tế, trở lại bình thường như trước khi xảy ra COVID-19, Vietjet, Bamboo Airways và Vietnam Airlines liên tiếp công bố khôi phục thêm nhiều đường bay quốc tế. Chẳng hạn, từ ngày 17-2, Vietnam Airlines sẽ khai thác trở lại đường bay TP.HCM - Kuala Lumpur (Malaysia) 3-4 chuyến/tuần, nâng tổng số lên 24 đường bay đến 15 quốc gia được khai thác trở lại như Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức, Nga, Úc, Nhật Bản...
Đại diện Vietnam Airlines cho biết đến tháng 4 sẽ nâng tổng số chuyến khai thác trên toàn mạng quốc tế lên ít nhất 95 chuyến bay/tuần và từ tháng 7 là 164 chuyến bay/tuần. "Từ tháng 7, toàn bộ mạng bay quốc tế của Vietnam Airlines sẽ được phục hồi khai thác như giai đoạn trước đại dịch" - hãng này khẳng định. Tuy nhiên, hãng này cũng nhận định từ nay đến cuối tháng 4 khách nhập cảnh vào Việt Nam vẫn sẽ tập trung chủ yếu là khách Việt hồi hương và một số ít khách công vụ, chuyên gia.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Đặng Thị Thanh Huyền, đại diện Hãng Asiana Airlines tại khu vực miền Nam, cho hay hãng đã tăng tần suất từ 3 lên 5 chuyến/tuần từ Hàn Quốc đến Việt Nam. Theo bà Huyền, khách qua lại giữa hai nước đã bắt đầu tăng trở lại, trong đó khách về Việt Nam có rất đông bà con Việt kiều.
Ở chiều ngược lại, khách qua lại Mỹ hoặc Hàn Quốc có tỉ lệ đặt vé bắt đầu tăng cao. "Du học sinh và khách ra nước ngoài sau dịp Tết bắt đầu tăng. Khi hàng không tăng tần suất bay, chắc chắn giá vé cũng bắt đầu giảm hơn" - bà Huyền nói.
Hãng bay lớn thứ hai của Hàn Quốc cho biết với đường bay từ Mỹ về Việt Nam quá cảnh 1-2 tiếng tại sân bay Incheon, giá vé dao động khoảng 800 - 1.200 USD/khách tùy thời điểm đã thu hút sự quan tâm của khách hàng. Bởi đường bay này Vietnam Airlines bay thẳng nhưng giá vé cao, một chuyến mỗi tuần, khách vẫn thêm chọn lựa với Asiana Airlines với tần suất mỗi ngày và đa dạng giá vé.
Tương tự, Vietjet khôi phục nhiều đường bay quốc tế, trong đó TP.HCM - Thái Lan gần như ngày nào cũng có chuyến và hãng đang khuyến mãi giảm giá 50%.
"Du khách Việt Nam có thể đến Thái Lan thông qua chương trình "Test & Go" để vào Thái Lan mà không cần cách ly. Hành khách được yêu cầu tiêm phòng đầy đủ và có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính theo phương pháp RT-PCR trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành. Hành khách có thể đăng ký trực tuyến để nhận thẻ thông hành Thái Lan bằng cách gửi trước đặt phòng khách sạn cho đêm thứ nhất và thứ năm sau khi đến" - đại diện Vietjet thông tin.
24 hãng bay quốc tế khai thác đến Việt Nam
Đây là thống kê mới nhất tính đến chiều 16-2 của Cục Hàng không Việt Nam, sau khi Việt Nam công bố mở cửa hoàn toàn đường bay thương mại quốc tế. Theo đó, đã có các chuyến bay thường lệ chở khách giữa Việt Nam với một số quốc gia, vùng lãnh thổ như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Bắc, Hong Kong (Trung Quốc), Singapore, Thái Lan, Campuchia, Lào, Úc, Đức, Nga, Pháp, Anh, Hoa Kỳ, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar, UAE.
Riêng đối với Trung Quốc, các hãng hàng không vẫn đang chở khách chiều từ Trung Quốc vào Việt Nam. Còn chiều từ Việt Nam đi Trung Quốc đang hạn chế do chính sách phòng chống dịch tiếp tục áp dụng các biện pháp kiểm soát đối với các chuyến bay quốc tế của Trung Quốc.
Cục Hàng không Việt Nam cho biết các hãng Việt Nam đã nối lại đường bay đến 14 quốc gia, vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hoa Kỳ... Còn các hãng bay quốc tế đang hoạt động đi, đến Việt Nam có 24 hãng bay, trong đó có All Nippon Airways (Nhật Bản), Korean Air, Asiana Airlines (Hàn Quốc), Qatar Airways (Qatar), Emirates (UAE).
"Với việc gỡ bỏ các hạn chế đối với hoạt động vận chuyển hành khách trên các chuyến bay thường lệ và không thường lệ quốc tế, dự kiến lượng khách quốc tế đi và đến Việt Nam sẽ tăng mạnh trong giai đoạn tới và mục tiêu dần khôi phục như giai đoạn trước dịch", cơ quan này nhận định.
* Chị Phan Thị Kim Nguyên (sinh sống ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ):
Mong Việt Nam mở cửa hoàn toàn
Trước Tết Nguyên đán, tôi đã cân nhắc phương án bay về Campuchia rồi từ đó đi đường bộ về Việt Nam nhưng rất may, ngay sau đó, do giá vé hạ nhiệt, tôi quyết định bay thẳng về TP.HCM từ ngày 4-2. Có lẽ tôi sẽ ở lại Việt Nam đến ít nhất là tháng 3-2022, bên cạnh cha mẹ lâu nhất có thể để bù đắp cho hai năm xa nhà.
Tuy nhiên, do các thủ tục về nước vẫn dành cho người có hộ chiếu Việt Nam mà không dành cho thân nhân là chồng/vợ, con cái của người Việt nên người nước ngoài (không có hộ chiếu Việt Nam, như chồng tôi) muốn về Việt Nam phải xin phép riêng. Nhiều người Việt ở nước ngoài đã kết hôn với người bản xứ, vợ/chồng, con cái đều có quốc tịch nước ngoài cũng đang gặp khó khăn tương tự. Do đó, không chỉ tôi mà nhiều người Việt ở nước ngoài mong muốn Việt Nam sớm mở cửa như trước dịch vì hầu hết mọi người muốn đi du lịch, thăm thân nhân đều đã tiêm vắc xin đầy đủ.
* Chị Trịnh Tuyết Linh (sinh sống tại Hà Lan):
Hết rồi nỗi lo về giá
Một người bạn của tôi ở Hà Lan vừa khoe là mua được vé máy bay (của Hãng hàng không Singapore) về Việt Nam với giá 700 euro, thấp hơn nhiều so với mức giá lên đến 2.440 euro/vé vào đầu tháng 12-2021 với chuyến bay thẳng từ Praha (Cộng hòa Czech) về Nha Trang (quê tôi).
Như vậy, điều mong mỏi trước đây của tôi là có nhiều chuyến bay hơn, giá vé kéo xuống mức thấp hơn đã thành hiện thực. Một số bạn bè của tôi đã mua vé máy bay hoặc đang sắp xếp công việc và thời gian hợp lý để về thăm gia đình ở Việt Nam.
Sau khi sắp xếp công việc (đăng ký lịch tập và thi lái xe ở Hà Lan), tôi sẽ lên kế hoạch để về Việt Nam sau hai năm dịch bệnh COVID-19 khiến nhiều người không thể về thăm người thân và gia đình. Lần cuối cùng tôi về Việt Nam là tháng 2-2020, khi đó con tôi mới 1 tuổi nhưng nay bé đã 3 tuổi rồi.
* Chị Tạ Mỹ Ngân (Oregon, Mỹ):
Phải về cho con được nghe tiếng Việt
Lần cuối cùng tôi về Việt Nam thăm nhà là năm 2019, vừa quay lại Mỹ thì có dịch COVID-19 đến nay. Mỗi năm, chúng tôi định về Việt Nam một lần trong khả năng để con thăm ông bà và nghe tiếng Việt.
Nếu không có dịch, năm 2020 và 2021, chúng tôi cũng đã về rồi. Do đó, ngay sau khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn với bay quốc tế trở lại, tôi cũng muốn về Việt Nam nhưng phải chờ thêm một thời gian khi tình hình dịch ổn hơn. Hơn nữa, con tôi đang đi học trực tiếp nên cũng không thể để bé nghỉ học về quê mà phải chờ kỳ nghỉ hè.
HỒNG VÂN ghi
Các phòng vé đã nhộn nhịp
Hành khách kiểm tra các thông tin chuyến bay tại ga quốc tế của sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) vào chiều 15-2 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ngay khi hàng không công bố khôi phục tần suất bay quốc tế, nhiều bà con Việt kiều cho biết đang sắp xếp để về quê sau hai năm bị ngăn cách bởi dịch bệnh. Nhiều gia đình kiều bào ở nước ngoài cho biết đang rất vui và bắt đầu lên mạng tìm hiểu để mua vé máy bay.
Chị Kim, kiều bào tại Malaysia, cho biết hồi tháng 1-2022 Việt Nam chỉ mới nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ với một số quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong khi đó, người Việt Nam định cư ở nước ngoài hay thân nhân như trường hợp của gia đình chị phải có giấy miễn thị thực còn giá trị mới được nhập cảnh. "Chồng tôi quốc tịch Mỹ, có visa thăm thân nhân còn hạn sử dụng, riêng con trai chỉ có hộ chiếu nên thủ tục lúc đó khá phức tạp. Nhiều người bạn tôi phải làm dịch vụ giấy miễn thị thực mới về được Việt Nam và phải tốn chi phí. Vì vậy tôi đã không về quê dịp Tết vừa qua", chị Kim chia sẻ.
Theo ông Phùng Công Dũng - chủ tịch Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài tại TP.HCM, thông tin Việt Nam mở cửa bầu trời được kiều bào quan tâm bởi nhu cầu của kiều bào, người Việt Nam xa quê về nước trong tháng 2 và tháng 3 rất cao. "Chúng tôi vẫn nhận được rất nhiều câu hỏi của kiều bào băn khoăn về thủ tục nhập cảnh, có đòi hỏi visa không hay có còn phải cách ly… và cũng đã có kết nối, giải đáp thông tin về chính sách, thủ tục pháp lý về hộ tịch, visa... Chúng tôi tiếp tục cập nhật các điều chỉnh mới sau ngày 15-2", ông Dũng cho biết.
Nhiều phòng vé đã bắt đầu đăng bán vé máy bay giữa Việt Nam và các nước dành cho người Việt Nam muốn về quê dịp này. Theo ghi nhận, giá vé máy bay khứ hồi hoặc một chiều từ bất cứ sân bay nào ở châu Âu đến TP.HCM hiện tại có giá từ 1.500 - 2.200 euro tùy ngày bay và các yêu cầu về dịch vụ đi kèm. Trong khi đó giá vé máy bay từ Mỹ cũng từ 1.300 - 1.500 USD/vé khứ hồi, kèm điều kiện thủ tục nhập cảnh. Giám đốc một hãng du lịch cho biết giá vé trên là vẫn khá cao, bằng với mức vé hạng thương gia trước dịch COVID-19. Như giá khứ hồi thông thường của các hãng hàng không 4-5 sao chỉ khoảng 700 - 750 euro cho tuyến châu Âu.
Các doanh nghiệp lữ hành có thế mạnh về mảng outbound (tour đưa khách Việt Nam đi nước ngoài) thừa nhận giá vé cao khiến các tour đi nước ngoài cũng cao ngất ngưởng. Ví dụ, tour Thái Lan ngày trước phổ biến với mức giá 6 - 8 triệu đồng/người, đã bao gồm ở khách sạn 5 sao, nhưng đang được chào bán hơn 23 triệu đồng cho cùng hành trình.
"Chúng tôi hy vọng khi bay thương mại quốc tế thường lệ có lịch trình biết trước, người có nhu cầu đi lại có thể lên kế hoạch thuận lợi, nhiều hãng cùng bay giúp giá vé cạnh tranh. Kỳ vọng du lịch quốc tế sớm hồi phục mạnh mẽ lúc này sẽ khó, nhưng giá vé máy bay quá cao cũng sẽ là rào cản cho quyết tâm về quê sau Tết của kiều bào", vị này nhận định.
N.BÌNH
* Chị Nguyễn Kim Cúc (Texas, Mỹ):
Giá vé đã rẻ hơn
Kể từ khi có thông tin Việt Nam mở cửa lại đường bay, các nhóm Facebook của người Việt ở Mỹ bàn tán rôm rả chuyện về nước. Mọi người bàn xem đi đường nào về, qua Singapore, Thái hay Dubai...
Giá vé đã rẻ hơn, khoảng 1.000 USD, còn trước đó là khoảng 2.000 - 2.500 USD. Nhưng cá nhân tôi vẫn đang nghe ngóng thêm tình hình. Giờ đã qua Tết rồi nên tôi không nôn nóng như khoảng 2 tháng trước nữa.
* Lê Vinh (New York, Mỹ):
Cùng bố mẹ về thăm quê sau 2 năm
Sau khi biết tin đường bay mở lại từ đầu tuần, tôi đã mua vé máy bay về nước vào tháng 5 tới cho cả nhà (gồm tôi và bố mẹ), mất hơn 600 USD/vé khứ hồi. Tôi đã tự đặt vé của Qatar Airways, dễ dàng và thuận tiện.
Gia đình về Việt Nam lần cuối là Tết 2020, trước khi Việt Nam đóng cửa biên giới, nên mong về nước thăm gia đình, họ hàng lắm. Bố mẹ (đã có thẻ xanh) thường về Việt Nam mỗi năm một lần, đây là lần hai cụ xa quê lâu nhất (hai năm). Có mấy người bạn cũng háo hức vì thấy cơ hội hè này được về nước, nhưng chưa đặt vé.
Kế hoạch của tôi là về nghỉ hè khoảng hai tháng rưỡi, tới cuối tháng 7 sẽ sang lại để bắt đầu năm học mới.
ĐOÀN LAN HƯƠNG ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận