10/06/2022 09:17 GMT+7

Đường vành đai 3 TP.HCM: Gỡ điểm nghẽn, tạo nguồn thu

VIỄN SỰ - TIẾN LONG thực hiện
VIỄN SỰ - TIẾN LONG thực hiện

TTO - 'Đường vành đai 3 sẽ trở thành động lực cho chính TP.HCM phát triển nội lực về công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp... từ đó tạo động lực lan tỏa đi các vùng khác', Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ nhấn mạnh.

Đường vành đai 3 TP.HCM: Gỡ điểm nghẽn, tạo nguồn thu - Ảnh 1.

Tuyến đường vành đai 3 chạy cắt ngang khu vực xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức, tỉnh Long An - Ảnh: TỰ TRUNG

"TP.HCM là đầu tàu kinh tế cần được ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó có hệ thống hạ tầng giao thông nhằm tạo động lực phát triển cho thành phố và tăng cường tính kết nối, lan tỏa động lực phát triển cho vùng ĐBSCL, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và cho cả nước".

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đã chia sẻ như vậy với Tuổi Trẻ, trong cuộc trao đổi trước giờ Quốc hội thảo luận về chủ trương đầu tư dự án đường vành đai 3 TP.HCM vào sáng nay 10-6.

Giao thông của nội ô TP.HCM và giao thông kết nối giữa thành phố với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hiện đang là điểm nghẽn lớn, đặc biệt là các tuyến vành đai. Đường vành đai 3 sẽ trở thành động lực cho chính TP.HCM phát triển nội lực về công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp... từ đó tạo động lực lan tỏa đi các vùng khác.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ

Đường vành đai 3 TP.HCM: Gỡ điểm nghẽn, tạo nguồn thu - Ảnh 3.

Tuyến quốc lô 1 tại Khu công nghiệp Sóng Thần hướng về cảng Cát Lái hoặc về tỉnh Đồng Nai ùn tắc giao thông - Ảnh: TỰ TRUNG

Lẽ ra phải đầu tư lâu rồi!

* Ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của đường vành đai 3 trong tổng thể bài toán tạo động lực phát triển cho TP.HCM và các vùng kinh tế?

thu-truong-le-dinh-tho

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ

- Kinh nghiệm thế giới là quy hoạch giao thông đều đi theo hướng đầu tư các tuyến vành đai. Sau đó đầu tư các tuyến cao tốc xuyên tâm kết nối với tuyến vành đai tạo thành một hệ thống giao thông hoàn chỉnh phục vụ phân luồng hợp lý cho cả giao thông đô thị và giao thông kết nối liên vùng. 

Tuy nhiên hiện nay, kết nối từ ĐBSCL, khu vực Đông Nam Bộ hay Tây Nguyên, Nam Trung Bộ với TP.HCM chủ yếu sử dụng mạng lưới giao thông đường bộ hiện hữu và đi qua trung tâm thành phố, điều đó gây ra tình trạng quá tải và ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố ngày càng nghiêm trọng.

Vì thế, việc đầu tư đường vành đai 3 TP.HCM là tất yếu, nếu có nguồn lực phải đầu tư lâu rồi. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII cũng xác định trong nhiệm kỳ này sẽ tập trung nguồn lực ưu tiên đầu tư cho các đường vành đai ở các thành phố lớn, trong đó có đường vành đai 3 TP.HCM.

* Chủ trương gộp vốn ngân sách trung ương và địa phương cùng làm dự án đã mở ra phương án tối ưu để làm dự án này. Các địa phương cũng cam kết bố trí đủ vốn, nhưng có ý kiến còn băn khoăn về việc bố trí được hay không... Ông nghĩ thế nào?

- Hiện nay, TP.HCM và 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An đã tính toán kỹ lưỡng trên cơ sở cân đối nguồn vốn được bố trí từ ngân sách trung ương và nguồn lực của địa phương. Các tỉnh đã họp bàn bạc, thảo luận và thống nhất bố trí nguồn lực cho thấy quyết tâm và sự vào cuộc quyết liệt của địa phương trong việc phối hợp với trung ương trong công tác đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng để tạo động lực lớn cho phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực. 

Đây cũng là giải pháp quan trọng để tập trung huy động được mọi nguồn lực để phát triển đất nước.

Đường vành đai 3 TP.HCM: Gỡ điểm nghẽn, tạo nguồn thu - Ảnh 6.

Đồ họa: TUẤN ANH

Dự án sẽ tạo nhiều nguồn thu gián tiếp

* Báo cáo Kiểm toán Nhà nước quan tâm đến phương án thu hồi vốn đầu tư từ dự án. Bộ GTVT đã tính toán với các địa phương ra sao, thưa ông?

- Đường vành đai 3 TP.HCM có tổng mức đầu tư hơn 75.000 tỉ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 41.000 tỉ đồng, đồng thời tận dụng một số đoạn đã đầu tư để kết nối liên thông. 

Dù đã nghiên cứu các giải pháp đầu tư theo phương thức PPP, nhưng bối cảnh khả năng thu hút nguồn lực xã hội để đầu tư gặp khó khăn nên tính khả thi không cao. Chính phủ đề xuất đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước, đồng thời cho phép tổ chức thu phí để thu hồi vốn cho Nhà nước phục vụ mục tiêu tái đầu tư phát triển.

Việc đầu tư theo hình thức đầu tư công, Nhà nước tổ chức thu phí không có tính chất hoàn vốn đầu tư dự án như đầu tư theo hình thức PPP (không tính lợi nhuận cho nhà đầu tư, lãi vay...) sẽ chủ động về thời gian, giá vé phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và khả năng chi trả của doanh nghiệp, người dân khi tham gia giao thông. 

Sau khi hoàn thành dự án sẽ là động lực quan trọng để thu hút các nhà đầu tư đối với phát triển khu đô thị, khu công nghiệp, trung tâm logistics, phát triển quỹ đất cho thành phố và các địa phương lân cận. 

TP.HCM cũng sẽ tổ chức thu phí hoặc nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn nhà nước. Đây cũng là hình thức huy động nguồn lực xã hội để tiếp tục đầu tư cho kết cấu hạ tầng. Để đảm bảo tiện lợi cho người tham gia giao thông, sẽ tổ chức thu phí theo hình thức thu phí điện tử không dừng.

* 10 năm trở lại đây, Bộ GTVT và các địa phương có nhiều kinh nghiệm và bài học từ việc làm các tuyến đường cao tốc. Theo ông, điều này sẽ được áp dụng như thế nào khi làm đường vành đai 3?

- Rút kinh nghiệm từ quá trình thực hiện dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020, UBND TP.HCM đã tham vấn ý kiến Bộ GTVT để hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án; trong đó đề xuất Quốc hội một số cơ chế đặc thù để đảm bảo tiến độ, hiệu quả triển khai (xem đồ họa đính kèm).

Đường vành đai 3 TP.HCM: Gỡ điểm nghẽn, tạo nguồn thu - Ảnh 7.

Ông Phạm Văn Bạc (Long An) lần đầu tiên được nhìn thấy cung đường vành đai 3 trên bản đồ đi qua một phần đất của gia đình - Ảnh: TỰ TRUNG

Trên "nóng" dưới không thể "lạnh"

* Giải phóng mặt bằng lâu nay vẫn là điểm nghẽn lớn khi làm dự án giao thông. Khắc phục điểm nghẽn này như thế nào khi làm đường vành đai 3 TP.HCM, thưa ông?

- Giải phóng mặt bằng tuyến vành đai 3 TP.HCM được đề xuất thực hiện một lần theo quy mô quy hoạch ngay trong giai đoạn 1 nhằm quản lý tốt quỹ đất và hạn chế tình trạng tăng kinh phí giải phóng mặt bằng trong giai đoạn hoàn chỉnh. Việc này cũng sẽ hạn chế mức độ ảnh hưởng đến người dân và tiết kiệm nguồn lực cho giải phóng mặt bằng trong tương lai.

Giải phóng mặt bằng luôn khó khăn, phức tạp, là đường "găng" của dự án, do vậy sau khi Quốc hội thông qua, Chính phủ sẽ có nghị quyết để triển khai. Việc lập hồ sơ, cắm cọc được thực hiện song song với quá trình lập dự án đầu tư. 

Xây dựng khung chính sách và tổ chức thực hiện kế hoạch thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bảo đảm công khai, minh bạch, ổn định cuộc sống của người dân, hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị có đất bị thu hồi. 

Tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân ủng hộ, chia sẻ và phối hợp khi làm dự án. Các địa phương cũng cần phải tổ chức quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả, tránh việc tái lấn chiếm quỹ đất đã được thu hồi nhưng chưa xây dựng.

* Những dự án giao thông trước đây có tình trạng hồ sơ, thủ tục bị ách tắc giữa các bộ, ngành và địa phương làm chậm tiến độ. Trách nhiệm của Bộ GTVT trong việc khơi thông điểm nghẽn này là gì?

- Thời điểm này, phía trên là Quốc hội, Chính phủ đều "nóng" thì phía dưới các bộ, ngành, địa phương không thể "lạnh". 

Bộ GTVT với tư cách bộ quản lý nhà nước chuyên ngành sẽ hỗ trợ TP.HCM và các địa phương hết sức về trình tự thủ tục, kỹ thuật và cùng trao đổi kinh nghiệm tổ chức, thực hiện để bảo đảm tiến độ dự án. Tinh thần là phối hợp để triển khai tốt theo đúng lộ trình, đẩy nhanh tiến độ và sớm đưa công trình vào khai thác như mong mỏi của nhân dân.

Chủ động cát, vật liệu san lấp từ nhiều nguồn

* Với một công trình rất lớn như đường vành đai 3, việc chuẩn bị nguyên vật liệu rất quan trọng. Bộ GTVT đã có tính toán gì cho việc này?

- Việc khan hiếm và tăng giá nguồn nguyên vật liệu hiện nay đã có xảy ra trong quá trình triển khai các dự án. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm thực tiễn các dự án đã triển khai, Chính phủ đã có chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương thực hiện công tác quản lý chặt chẽ, phù hợp với quy định của pháp luật ngay từ khi triển khai dự án.

Đồng thời, đề xuất cơ chế đặc thù về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng. Trong đó cho phép trong giai đoạn triển khai dự án, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án.

Mặt khác, cho phép nâng công suất không quá 50% công suất các mỏ cát, sỏi lòng sông đã cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác.

Cùng chịu trách nhiệm để dự án thông suốt

Với vai trò là địa phương được giao chuẩn bị đầu tư và điều phối chung đường vành đai 3, trên Tuổi Trẻ ngày 31-5, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nói rằng dự án này là "xung lực phát triển cho cả vùng" và thành phố sẵn sàng nhận nhiệm vụ, cùng 3 tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Long An thực hiện đúng yêu cầu, tiến độ đường vành đai 3. Các địa phương này cũng thể hiện quyết tâm như thế.

Bình Dương: Ông Võ Văn Minh - chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - cho biết UBND tỉnh đã trình và được HĐND tỉnh thông qua cam kết sẽ bố trí nguồn vốn ngân sách tỉnh đủ 50% trong tổng mức đầu tư dự án thành phần qua địa bàn tỉnh (dự kiến riêng phần đóng góp của Bình Dương là 9.640 tỉ đồng).

Trong trường hợp dự án được điều chỉnh tổng mức đầu tư, Bình Dương cam kết sẽ bố trí nguồn vốn ngân sách tỉnh với phần vốn tăng lên theo quy định.

Những năm qua, tỉnh Bình Dương đã chủ động dựa theo quy hoạch và đã đầu tư đưa vào sử dụng 15,3km trong tổng số hơn 26km đường vành đai 3 đi qua địa bàn tỉnh.

Nay dự án sẽ được trung ương và các tỉnh cùng đầu tư để hoàn thiện, khép kín tuyến đường sẽ tạo ra động lực quan trọng để kết nối vùng Đông Nam Bộ nói chung, cũng là dự án mà tỉnh Bình Dương nói riêng rất mong chờ, sẽ tạo lực để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.

UBND tỉnh Bình Dương đang nghiên cứu các phương án huy động vốn và phương án bố trí cụ thể để làm đường vành đai 3 TP.HCM từ các nguồn: vốn từ các dự án chưa thật sự cần thiết, vốn kết dư ngân sách, quỹ hỗ trợ phát triển đất, nguồn thu sử dụng đất, vốn trái phiếu...

Ngoài ra, để "nối dài" hiệu quả của đường vành đai 3 thì Bình Dương cũng sẽ triển khai nhiều dự án để tạo sự kết nối như đang mở rộng quốc lộ 13 nối với TP.HCM từ 6 lên 8 làn xe (giao nhau với đường vành đai 3 tại thành phố Thuận An), hoàn thiện dự án mở rộng đường tỉnh 743, đang triển khai các tuyến đường "tạo lực" mới để kết nối tới các khu công nghiệp mới như đường Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng...

GIAO THONG

Tài xế mệt mỏi vì kẹt xe cung đường 743 (Bình Dương) về ngã ba Tân Vạn - Ảnh: TỰ TRUNG

Đồng Nai: Ông Võ Tấn Đức - phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - cho hay dự án đường vành đai 3 đoạn qua Đồng Nai được chia làm 2 giai đoạn.

Cụ thể, giai đoạn 1A đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch dài khoảng 11,8km do Ban quản lý dự án Mỹ Thuận thi công xây lắp đã mở thầu gói xây lắp bước tài chính, dự kiến có kết quả lựa chọn nhà thầu xây lắp và khởi công trong tháng 6-2022.

Giai đoạn 1B, đoạn từ tỉnh lộ 25C đến cao tốc Bến Lức - Long Thành dài khoảng 5,8km hiện Chính phủ đang trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư.

Về nguồn vốn bố trí cho dự án, HĐND tỉnh Đồng Nai đã quyết nghị thông qua chủ trương cam kết bố trí nguồn vốn cho dự án đủ 50%, với tổng số tiền hơn 1.900 tỉ đồng. Trường hợp điều chỉnh tổng mức đầu tư, tỉnh Đồng Nai cam kết sẽ bố trí nguồn vốn ngân sách tỉnh đối với phần vốn tăng thêm theo đúng quy định.

Long An: Ông Đặng Hoàng Tuấn - giám đốc Sở GTVT tỉnh Long An - cho biết hiện tại tỉnh này đã sẵn sàng để đầu tư, triển khai ngay dự án đường vành đai 3 đi qua địa bàn tỉnh một cách đồng bộ với tổng dự án chung.

Ông Tuấn cho biết HĐND tỉnh này đã có nghị quyết về việc thống nhất chủ trương triển khai dự án và cam kết đảm bảo cân đối, bố trí vốn ngân sách địa phương cho dự án đường vành đai 3 TP.HCM đoạn qua tỉnh Long An.

Theo nghị quyết này, Long An sẽ cân đối, bố trí vốn từ ngân sách tỉnh để đảm bảo theo dự án và tiến độ thực hiện dự án với giá trị hơn 1.000 tỉ đồng. Trong trường hợp tổng mức đầu tư dự án thành phần có điều chỉnh tăng thì phần vốn tăng thêm sẽ bố trí từ nguồn ngân sách tỉnh.

B.SƠN - A LỘC - S.LÂM

Đường vành đai 3 TP.HCM, vành đai 4 Hà Nội: Quá chậm rồi, phải làm nhanh Đường vành đai 3 TP.HCM, vành đai 4 Hà Nội: Quá chậm rồi, phải làm nhanh

TTO - Ngày 6-6, thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng việc đầu tư dự án đường vành đai 3 TP.HCM, đường vành đai 4 Hà Nội đã quá chậm, lẽ ra phải đầu tư từ lâu.

VIỄN SỰ - TIẾN LONG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên