15/12/2016 09:36 GMT+7

Đường sá lồi lõm sau tái lập

LÊ PHAN
LÊ PHAN

TTO - Chuyện thuộc loại “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” nhưng người dân vẫn tiếp tục kêu là sau khi đơn vị thi công đường điện, nước, cáp viễn thông rút đi thì nhiều tuyến đường tại TP.HCM lại trở nên lồi lõm, chắp vá.

Mặt đường Hai Bà Trưng (Q.1, TP.HCM) đoạn dưới  chân cầu Kiệu như tấm áo vá - Ảnh: L.PHAN
Mặt đường Hai Bà Trưng (Q.1, TP.HCM) đoạn dưới chân cầu Kiệu như tấm áo vá - Ảnh: L.PHAN

Đến hẹn lại lên, đường sá lồi lõm, đất đá vương vãi gây nhiều khó khăn trong việc đi lại và buôn bán của người dân vào dịp cuối năm.

Đường lún sụt liên tục

Đường Hai Bà Trưng (Q.1) đoạn vừa đổ dốc cầu Kiệu đến chợ Tân Định liên tục hư hỏng và sụt lún. Ngay dốc cầu Kiệu, đường bị chắp vá chằng chịt nhiều lần khiến mặt đường chỗ cao chỗ thấp gây nguy hiểm cho người đi đường.

Nhiều đoạn vừa được vá xong vào buổi tối đến ngày hôm sau khi xe cộ di chuyển qua lại bị bong tróc lên, đá dăm và cát văng khắp mặt đường.

“Con đường này tôi thấy cứ đào đi đào lại nhiều lần rồi cho tráng nhựa chồng tạm lên sau đó lại đào tiếp. Mà việc thi công rất ẩu, nhiều khi vừa làm xong xe chạy qua là bị lún xuống.

Mặt đường thì chỗ cao chỗ thấp, tôi ngồi đây mỗi lần có xe chở đồ nặng chạy qua là nghe ầm một tiếng tưởng đâu xe lật tới nơi” - bảo vệ một cửa hàng tại khu vực trên cho biết.

Tương tự, đường Nguyễn Xí (Q.Bình Thạnh) đoạn từ cầu Đỏ đến giao với đường Đinh Bộ Lĩnh và đường Đinh Bộ Lĩnh đoạn trước bến xe Miền Đông cũng chắp vá nham nhở sau khi đơn vị thi công rút đi.

Nhiều mảng đường được vá chồng lên nhau tạo thành độ chênh giữa mặt đường lúc đầu và vị trí vá khiến người đi đường, nhất là người đi xe máy, gặp nhiều khó khăn.

“Mình phụ nữ tay lái yếu, mỗi lần chạy lên trúng chỗ giáp nhau giữa vị trí được vá và mặt đường là xe chao đảo như thủng lốp. Đường này nhiều xe khách qua lại bóp còi inh ỏi phía sau. Mỗi lúc như vậy tôi giật mình tấp xe vô lề luôn” - chị Như Bảo (Q.Bình Thạnh) chia sẻ.

Người dân trên đường Minh Phụng, P.10, Q.11 gọi điện đến đường dây nóng báo Tuổi Trẻ phản ảnh công trình ngầm hóa lưới điện ở đây làm xong nhưng không tái lập mặt đường. “Đất đá để bừa bãi nên việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn trong khi tết sắp đến” - một người dân than thở.

Trả lời việc này, đại diện Công ty điện lực Phú Thọ cho biết công trình ngầm hóa trên đường Minh Phụng mới xong phần ngầm, tại các vị trí tủ cấp phối điện trên vỉa hè do chưa kéo cáp, đấu nối xong nên chưa thể ngầm hóa được. Vị này hứa sẽ yêu cầu đơn vị thi công thu xếp gọn gàng để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến người dân.

Phạt nhẹ nên tái phạm nhiều lần

Theo đại diện Tổng công ty Điện lực TP.HCM, trong năm qua đơn vị đã đào trên 60 tuyến đường để triển khai các công trình ngầm. Hiện nay cơ bản đã tái lập mặt đường gần hết, chỉ còn khoảng 2-3 công trình đào đường dở dang cũng sẽ cố gắng làm xong trong tháng này. Công tác đào, tái lập mặt đường đều có bộ phận giám sát và thực hiện theo quy định hiện hành.

Trong khi đó, ông Nguyễn Bật Hận, phó chánh thanh tra Sở GTVT TP.HCM, cho biết trong tháng 11 vừa qua đã cho kiểm tra và xử lý 120 vụ trong lĩnh vực thi công công trình trên đường với tổng số tiền xử phạt là 790 triệu đồng.

Trong đó có 67 vụ liên quan đến các vi phạm như không thu dọn biển báo, rào chắn... và không hoàn trả phần đường đúng hiện trạng ban đầu với tổng số tiền xử phạt là 392 triệu đồng. Có 54 công ty, đơn vị đã bị xử phạt.

Trong đó có nhiều đơn vị vi phạm nhiều lần như Công ty cổ phần viễn thông Sao Lam, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Tuấn Lộc, Công ty cổ phần Hải Đăng...

Hiện nay, mức phạt đối với cá nhân không hoàn trả phần đường đúng hiện trạng ban đầu là 1-3 triệu đồng (đối với tổ chức vi phạm, phạt từ 2-6 triệu đồng).

Trường hợp lần đầu vi phạm sẽ lấy mức trung bình cộng để xử phạt, nếu tái diễn sẽ phạt ở mức cao nhất của khung phạt. Ông Hận cho rằng mức phạt này quá nhẹ nên các đơn vị dù bị phạt nhiều lần nhưng vẫn tiếp tục tái phạm.

“Hiện tại thanh tra giao thông TP đang kiến nghị lên UBND TP sửa đổi và bổ sung mức phạt cho hành vi trên để các đơn vị phải có trách nhiệm cao hơn khi thi công và tái lập công trình đường bộ.

Đối với các đơn vị tái diễn vi phạm nhiều lần, thanh tra giao thông đề nghị xử phạt không cho thi công các công trình trong TP từ 1-3 năm” - ông Hận nói.

Toàn thành phố có 91 “lô cốt”

Theo thanh tra Sở GTVT TP.HCM, hiện nay có đến 91 vị trí rào chắn (“lô cốt”) để thi công hạ tầng giao thông trên 39 tuyến đường, tăng 32 “lô cốt” so với giữa tháng 9-2016.

Trong đó, đơn vị có nhiều “lô cốt” nhất là Ban quản lý đường sắt đô thị TP với 20 “lô cốt” trên địa bàn các quận: 1, 2, 9, Thủ Đức. Các “lô cốt” này phục vụ việc thi công di dời đường ống cấp nước và tuyến metro trên cao dọc xa lộ Hà Nội.

Kế đến là Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP với 15 “lô cốt” thi công lắp đặt hệ thống thoát nước trên địa bàn các quận: 4, 5, 11...

Thanh tra Sở GTVT TP cho biết đã mở kế hoạch cao điểm kiểm tra các công trình thi công ở TP. Theo đó, thanh tra sẽ buộc đình chỉ thi công các công trình vi phạm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn giao thông hoặc đe dọa gây sự cố đến công trình giao thông lân cận.

N.ẨN

LÊ PHAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên