![]() |
Văcxin Priorix của Công ty GSK gây tai biến sau khi chích ngừa sởi, quai bị và rubella đã bị tạm ngưng sử dụng - Ảnh N.C.T |
Cơ chế hiện nay là cơ quan hữu trách quản lý văcxin lỏng lẻo - bên cạnh văcxin theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, hiện nay còn có các loại "văcxin dịch vụ", "văcxin tiêm theo yêu cầu" với các chương trình khuyến mãi, ngay cả văcxin nhập lậu cũng từng ào ạt ra thị trường.
Bảo quản kho nào không rõ
Trong 218 liều văcxin được đưa về TTYT Q.5, có 6/185 liều đã được tiêm có phản ứng, đều rơi vào số tiêm rải rác về sau tại các trạm y tế phường.
KS Đặng Văn Tưởng - GĐ Công ty Hoàng Đức - đơn vị cung cấp cho biết: Vắcxin Priorix của công ty GlaxoSmithKline (GSK) được Công ty Zuellig Pharma nhập khẩu ủy thác qua công ty Sapharco, được bảo quản tại kho của công ty nào không rõ.
Khi chúng tôi mua hàng xuất hóa đơn của Công ty Phytopharco. Hoàng Đức và một vài công ty nữa được phân phối văcxin. Dù kho lạnh của Hoàng Đức đạt tiêu chuẩn từ nhiệt độ, hệ thống cảnh báo, thiết bị đo hiệu chuẩn 24/24 giờ và có máy phát điện dự phòng nhưng chứa cực kỳ ít vì khi nào các TTYT mua thì Hoàng Đức mới đặt hàng.
Trong 5.000 liều đã phân phối - như GSK cho biết qua các báo - thì Hoàng Đức chỉ phân phối 1.000 liều, và TTYT Q.5 cũng là một khách hàng vẫn lấy hàng từ trước, trong đợt này nhà phân phối đã giao hàng tận nơi cho TTYT Q.5 với các điều kiện bảo quản và sau đó mới hoàn tất thủ tục.
Nhìn lại thực trạng nhiều năm qua cho thấy Bộ Y tế ra nhiều văn bản quản lý văcxin tưởng chừng"rất chặt”, thực chất là rất lỏng lẻo. Hãy trở lại với vụ việc tại Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM trước đây, văcxin viêm gan B (Engerix B) được Công ty Smikline Beecham khuyến mãi 10% chỉ thời gian một năm từ 11-1997 đến 11-1998 theo kết luận của thanh tra là 32.800 lọ - qui ra tiền 1,8 tỉ đồng (qua các đơn tố giác là 35.682 lọ, số tiền khuyến mãi lên đến 2,7 tỉ).
Trong hợp đồng chiết khấu còn có điều kiện là trong số 10% này, dành 5% cho các đội vệ sinh phòng dịch quận huyện, các khách hàng lẻ. Năm 1999 có đơn vị được khuyến mãi 20%. Tiếp theo là Hiberix (ngừa viêm màng não mủ do Hib) năm 2001 được khuyến mãi 15% (mua 20 lọ sẽ được tặng 3 lọ)... Và hiện nay, mua 100 lọ Priorix được khuyến mãi 9 lọ.
Bán hết văcxin nhập lậu
Gần đây nhất là vụ án tại Công ty Yteco, với số tổng trị giá văcxin nhập lậu lên đến 7,87 tỉ đồng. Đơn cử, với giấy phép Cục Y tế dự phòng cho nhập 7.000 liều Okavax theo yêu cầu của Viện Pasteur TP.HCM, Đại học Y dược TP.HCM, TTYT Q.1 và TTYTDP Bình Thuận, công ty đã nhập 17.668 liều - tức nhập lậu 10.668 liều với trị giá 3,1 tỉ đồng.
Với số văcxin nhập lậu này công ty đã bán hết cho hàng trăm đơn vị tại các tỉnh phía Nam. Rồi nhập lậu 5000 liều Tetract- Hib, 5.580 liều ACT- Hib, 29.395 liều Hepa-B-Vac...
Điều đáng nói là trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia thì Bộ Y tế và các viện như Viện Pasteur với hệ thống kho lạnh bảo quản và quản lý văcxin là khá chặt từ tuyến trung ương đến các địa phương, nhưng với văcxin nằm ngoài chương trình tiêm chủng quốc gia, văcxin chích dịch vụ như văcxin viêm gan B, Varibrix ngừa trái rạ, Priorix ngừa sởi - quai bị - rubella thì gần như thả nổi.
Khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về điều kiện để bảo quản văcxin đối với các văcxin như OPV, BCG, sởi, MMR, sởi-rubella, sốt vàng, Hib đông khô là bảo quản trong tủ lạnh và vận chuyển ở nhiệt độ +20C đến +80C.
Ở tuyến quốc gia là 6 tháng,tuyến khu vực là 3 tháng, tuyến tỉnh và huyện là 1 tháng, ở TYT và BV là dùng hằng ngày. Được biết, lô Priorix 11.000 liều được nhập vào VN tháng 11-2005. Tính đến 11-5-2006 đã phân phối hơn 5.000 liều.
Không nghiêm ngặt
Các chuyên gia y tế cũng thừa nhận khâu bảo quản văcxin ở VN tiến hành hết sức lỏng lẻo. Nguyên nhân là “tất cả đều liên quan đến tiền”. Một quan chức y tế đương nhiệm nhận định: trường hợp ống văcxin sử dụng cho hai trẻ, mở ra phải sử dụng ngay nhưng ai có thể kiểm soát được?
Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện tại quản lý văcxin không nghiêm ngặt bằng quản lý thuốc. Vấn đề nằm ở chỗ lẽ ra thuốc, sinh phẩm y tế, văcxin phải qui về một đầu mối quản lý, nhưng ở Bộ Y tế, quản lý thuốc giao cho Cục Quản lý dược, văcxin và sinh phẩm y tế lại giao Cục Y tế dự phòng.
Mặt khác, các văcxin do VN sản xuất gần như hoàn toàn được “bao tiêu” bởi chương trình tiêm chủng mở rộng. Việc tiêm chủng hằng tháng vẫn thực hiện theo một “thói quen” là từ trước đến nay... không sao. Khi xảy ra vụ việc tại TP.HCM, mọi người mới đánh giá lại toàn bộ vấn đề và thấy đã có khiếm khuyết ngay tại cơ chế thực hiện.
Để giải quyết vấn đề này, nguyên thứ trưởng Bộ Y tế Lê Văn Truyền đề xuất: chương trình tiêm chủng quốc gia phải tổ chức đấu thầu cạnh tranh, tạo sự công bằng giữa các loại văcxin. Trung tâm kiểm định văcxin phải độc lập và đóng vai trò như “cảnh sát” của Bộ Y tế...
Chuyên gia WHO đã tới TP.HCM * Thay thế dây chuyền chích ngừa tại quận 5 Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Nguyễn Văn Bình cho hay chiều 15-5, một chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tới TP.HCM phối hợp với hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế đánh giá, tìm nguyên nhân và đề xuất giải pháp giải quyết vụ việc. * TS.BS Lê Trường Giang - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết kể từ ngày 15-5, sở đã chỉ đạo tạm ngưng dây chuyền thực hiện chích ngừa các văcxin phòng bệnh tại Trung tâm Y tế Q.5. Đồng thời, sở giao cho Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM đưa xuống Q.5 một dây chuyền khác thay thế gồm nhân sự, bơm kim tiêm, văcxin, bông băng, thuốc sát trùng… hoàn toàn mới. Về tình hình sức khỏe của các bệnh nhi bị tai biến sau khi chích ngừa, bác sĩ Tăng Chí Thượng - giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 - cho biết sức khỏe sáu bé còn lại đều tiến triển rất khả quan. |
* Ý kiến bạn đọc:
Tôi không thể nào hiểu nổi cách làm ăn, quản lý của các cơ quan y tế. Tại sao lại có thể để tình trạng vắcxin phòng bệnh không quản lý được, không biết từ đâu ra? Đây là vấn đề liên quan đến tính mạng con người.
Thật đau xót, đau xót vô cùng khi các cháu bé tin tưởng các trung tâm y tế phường, đến tiêm phòng bệnh lại bị chết vì tiêm phòng. Trách nhiệm này thuộc về ai? Cho dù chúng ta có làm gì bây giờ đi chăng nữa thì cũng không thể nào bù đắp được sự mất mát, đau khổ, không thể nào xóa đi dấu vết của người cha, người mẹ mất con. Thế nhưng muộn còn hơn không, người dân chúng tôi mong rằng các cơ quan chức năng hãy quan tâm đến tính mạng con người, hãy quan tâm đến những trẻ em vô tội bị chết oan do cách làm ăn vô nhân đạo của các trung tâm y tế.
Thật là chỉ biết kêu TRỜI!!! Tôi thật sự cảm thấy sốc và xót xa cho cháu bé: cháu đã bị họ cướp đi quyền sống. Không thể nói đây là sự cố gì gì đi được. Đây phải nói là tội ác đối với trẻ thơ. Rồi đây, chúng tôi, những cha mẹ của các con tôi, không còn biết tin ai nữa. Trách nhiệm của Bộ Y tế đâu rồi? Bà Bộ Trưởng sao không thấy lên tiếng?
Theo tôi, quản lý và nhập khẩu vắcxin phải được coi là hình thức đặc biệt. Nhà nước phải có cơ chế giám sát đặc biệt, quy trách nhiệm đến địa chỉ cụ thể. Không thể có chuyện kinh doanh, khuyến mại, quà biếu bằng sản phẩm liên quan đến tính mạng con người như một số báo đã đưa tin. Dịch vụ tiêm phòng phải do Nhà nước thống nhất quản lý. Tôi hoàn toàn ủng hộ gia đình cháu bé đòi công lý. Cả người nhập khẩu và hãng sản xuất phải chịu trách nhiệm. Xin được chia buồn cùng gia đình nạn nhân. Tôi sẵn sàng tham gia mọi hoạt động ủng hộ gia đình cháu bé của quý báo.
Tôi là người có con nhỏ vừa tiêm ngừa sởi (9 tháng) vừa qua ở quận Tân Phú. Rất may mắn cho chúng tôi là không vấn đề gì. Nhưng chắc chắn trong lần chích ngừa tiếp theo sẽ là vấn đề cần xem xét và cân nhắc đối với gia đình tôi. Ở đây ý tôi muốn nói về "uy tín và độ tin cậy" của người dân vào việc tiêm ngừa cho con em mình. Ví dụ điển hình, gần đây là người bạn của tôi dự định đem con mình đi chích ngừa HIB, nhưng sau vụ việc xảy ra, chị bạn quyết định không mang con đi tiêm. Thử hỏi có bao nhiêu người sẽ làm như vậy? Và sức khỏe và tương lai con em chúng ta sẽ như thế nào? Bản thân tôi rất đau lòng vì sự việc đã xảy ra trong ngành y tế vừa rồi.
Qua báo Tuổi Trẻ, tôi đã theo dõi liên tục các tin bài liên quan đến việc tiêm phòng vắcxin dịch vụ. Tôi nhận thấy trên thực tế, khi thực hiện việc tiêm phòng cho các cháu bé ngay trong chương trình tiêm chủng toàn quốc mở rộng, quy trình thực hiện đều không có tiêm thử phản ứng thuốc 15 -20 phút trước khi tiêm chính thức. Các cháu bé đến tiêm phòng đều bị chích thuốc trực tiếp vào bắp tay. Ngay cả khi gia đình có yêu cầu tiêm tận nhà thì quy trình này cũng không được thực hiện, có phải chăng đây là cách làm phổ biến của tất cả các cơ sở y tế khi tiêm phòng?
Tôi xin nói thêm về trường hợp của cháu Thiên Bảo (rất buồn vì cháu trạc tuổi con tôi), theo tìm hiểu của cá nhân tôi thì việc tiêm phòng mũi sởi - quai bị - rubella chỉ được áp dụng đối với các cháu từ 15 tháng tuổi trở lên. Vậy, y tế dự phòng đã thể hiện vai trò nhà tư vấn cho gia đình cháu bé như thế nào khi vẫn tiêm cho cháu mũi vắcxin này mặc dù cháu chưa đủ tháng tuổi theo quy định? Không tiêm phòng cho con thì không được, nhưng tiêm phòng kiểu này thì tôi thấy sợ quá!
Vắcxin tiêm ngừa phải là dạng hàng hoá được quản lý nghiêm ngặt nhất, với vắcxin mà cũng có khuyến mãi tôi nghe thật rùng mình cho cách quản lý của Bộ Y tế. Theo tôi, những người có liên quan phải công khai xin lỗi nhân dân và từ chức ngay mới phải. Bệnh chim sệ cánh ở một số tỉnh phải chăng cũng xuất phát từ những liều vắcxin kém chất lượng? Cần điều tra rõ và phải có đền bù xứng đáng cho những trẻ em bị tai biến này.
Thực trạng của chúng ta hiện nay là "sâu" từ trong nhà sâu ra. Tôi đề nghị các vị lãnh đạo trong bộ máy nhà nước nên xem xét và thanh tra lại toàn bộ các doanh nghiệp thuộc thành phần Nhà nước, chứ đừng để khi có vấn đề xảy ra thì mới tiến hành điều tra, xử lý. Chúng ta phải sàng lọc lại tất cả những doanh nghiệp nhà nước để phát hiện và điều trị sớm "bệnh", nhằm hạn chế đến mức tối đa sự mất niềm tin của nhân dân đối với khả năng lãnh đạo, quản lý và điều hành của chính phủ Việt Nam.
Theo tôi, mỗi năm chúng ta nên tiến hành thanh kiểm tra các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước nắm những vị trí chủ đạo trong nền kinh tế hiện nay. Và những cơ quan nhận trọng trách này phải là những cơ quan độc lập đối với nền kinh tế, chẳng hạn chúng ta có thể thuê kiểm toán nước ngoài, những đơn vị nước ngoài có đủ tiêu chuẩn thực hiện. Tại sao lại phải thuê nước ngoài hỗ trợ vì thực sự tệ nạn hối lộ, tham nhũng đã ăn sâu niềm tin của người dân Việt Nam.
Tôi thực sự rất xót xa trước tình trạng quản lý vắcxin của Nhà nước ta. Ngoài ra tôi muốn nói thêm rằng bên cạnh đó có nhiều vấn đề rất muốn được cơ quan chức năng phải xem lại. Tôi đang tạm trú tại xã Thới Tam Thôn, Hóc Môn. Ngày 05-05-2006, khi đưa bé đi chích ngừa tại trạm y tế xã, nhìn thấy một đám đông đang chen chúc nhau, các bé từ 1 tháng đến 1 tuổi phải phơi mình dưới nắng chờ đến lượt. Nhìn thấy cảnh này, tôi thực sự xót xa. Tại sao không phân chia thành nhiều ngày để chích ngừa, cả xã chỉ tập trung chích ngừa buổi sáng 1 ngày trong tháng? Chưa kể là tình hình vệ sinh như thế nào, nhưng nhìn thấy cảnh này, tôi đã bế con về và đi chích ngừa bằng cách khác.
Tôi thật sự mong muốn Cơ quan chức năng cải thiện ngay tình hình này, đừng để các cháu bé sau khi chích ngừa về phải mang thêm một bệnh khác vì nắng gió và vệ sinh môi trường. Hãy bảo vệ con em chúng ta. Nếu được, tôi mời phóng viên của Báo Tuổi Trẻ hãy đi thực tế đến trạm y tế xã Thới Tam Thôn vào mỗi sáng ngày 5 hàng tháng, thật xót xa.
Quả thật với những gì xảy ra ở Trung tâm y tế quận 5, chúng ta cảm thấy đau xót vì sự vô trách nhiệm của các cán bộ ngành y tế, tính mạng của con người bị coi rẻ, câu thành ngữ "lương y như từ mẫu" trở nên vô nghĩa. Bộ Y tế có động lòng trắc ẩn trước những cái chết đầy thương tâm do tiêm vắc xin không được bảo quản nghiêm túc của các em bé không?
Tôi là dân TP.HCM và rất may mắn con tôi đã không chích ngừa lần này do TTYT Quận 5 thực hiện. Mặc dù trường học cháu có gởi thông báo mời phụ huynh tham gia đăng ký chích ngừa cho học sinh, nhưng vì bận việc nên tôi chưa kịp đăng ký thì hay tin các em chích ngừa bị sốt và gặp sự cố về thuốc chích. Càng đau lòng hơn khi có một em bị chết!
Tôi không biết trong trường hợp này thì các cơ quan hữu quan như Bộ Y Tế, Sở Y Tế, Trung Tâm Y Tế Dự Phòng, Cục Quản Lý Dược, ai sẽ là người chịu trách nhiệm chính thức đây? Hay là bây giờ sau khi sự cố xảy ra, mọi người mới ngồi lại và đổ lỗi xem là do ai? Rồi cuối cùng quả bóng trách nhiệm lại chạy vòng vòng để rồi khi sự việc đã hết nóng bỏng thì trách nhiệm cũng chìm xuồng luôn!
Tôi thấy mọi việc quản lý của ta đều rất lung tung và không chặt chẽ để cuối cùng thì trách nhiệm chẳng thuộc về ai cả... Nếu một công ty tư nhân mà để sự việc xảy ra như vậy thì điều trước tiên là công luận sẽ phê phán và công ty đó có thể bị phá sản, giám đốc sẽ bị tù. Còn nếu trách nhiệm thuộc về quản lý nhà nước thì không ai bị chỉ trích cả!
Tôi là bạn đọc cũng có cháu nhỏ mấy ngày trước được nghe thông tin trên báo, Internet nên đã có ý định hỏi TT Y Tế Đà Nẵng nhưng họ bảo "vắcxin" chưa về đến đây! Thật khủng khiếp! Tôi thật sự bị sốc và mong muốn chia sẻ nỗi đau với gia đình cháu Thiên Bảo.
Đã từ lâu chúng ta vẫn nói nhiều, bàn nhiều đến chuyện thuốc kém phẩm chất, thuốc nhập lậu, thuốc giả và giá thuốc cao ngất trời so với thu nhập người dân, những tiêu cực xảy ra ở ngành y tế, những chuyện động trời liên quan đến y đức khá nhiều nhưng hầu như đối tượng bị "hại" đa phần là người lớn, người bệnh trưởng thành... Giờ đây sự thật mới thấy ngay những "thiên thần bé nhỏ" của chúng ta cũng bị một số kẻ coi thường sinh mạng khi nhập "lậu" "vắcxin" để tiêm dịch vụ.
Tôi cho rằng đó là dịch vụ vì đối với các đợt tiêm chủng quốc gia đã có Nhà nước kiểm soát, phân phối và gần như miễn phí, còn hiện nay ở Đà Nẵng hầu hết các bậc phụ huynh lâu lâu lại được Nhà trưởng "tiếp thị" giúp Trung tâm Y học dự phòng và các cơ sở Y tế trong thành phố để các cháu "được tiêm" thêm một số loại vắcxin chữa một số bệnh khi đài báo đưa tin, mỗi mũi không dưới 100.000 đồng. Và chính các cơ sở y học dự phòng trực tiếp thực hiện.
Tôi xin hỏi Bà Bộ trưởng Bộ Y tế và các ngành chức năng: Nếu là chủ trương của Nhà nước, của Bộ Y tế thì phải thống nhất trên cả nước, phải có thông tin thông báo và được kiểm soát chất lượng, sự an toàn và nhất là tránh lạm dụng để bảo vệ sức khoẻ TRẺ EM. Rõ ràng đây là kiểu làm DỊCH VỤ ngoài luồng hoặc được phép do đó AI LO SỢ và CÓ TIỀN thì được tiêm còn đối với các cháu con công nhân viên chức, người lao động có thu nhập thấp đành CHỜ.
Tôi xin hỏi vắcxin ấy do ai nhập khẩu, nhập khi nào và bảo quản bao lâu thì hết hạn mà các cơ sở Y tế dự phòng để trong tủ lạnh hầu như đưa các cháu đến bất kỳ lúc nào (trừ giờ nghỉ) và đủ 2 cháu 1 liều hoặc 1 cháu 1 liều càng thuận lợi là được tiêm ngay?! Giá mà Nhà nước quy định là bao nhiêu, không thấy niêm yết vì họ chỉ ghi tiền đã thu vào sổ, không hoá đơn tài chính hay chứng từ thu tiền theo quy định (các cơ sở Nhà nước, các doanh nghiệp nếu thu trên 100.000 là bắt buộc có hoá đơn tài chính). Đây có phải là cách làm dạng PMU trong suốt thập kỷ qua không? Đề nghị các cấp, các ngành chức năng nên vào cuộc để làm nổi tảng băng chìm trong lĩnh vực nhập khẩu, phân phối và sử dụng nhất là các loại vắcxin phòng dịch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận