Theo đó, rất nhiều vị trí, nhất là xung quanh hai cầu môn, đường chạy bị lún nghiêm trọng.
HLV điền kinh kêu trời
Tình trạng đường chạy quanh SVĐ Mỹ Đình bị lún gây ảnh hưởng đến chất lượng chuyên môn của các giải điền kinh tổ chức tại đây. Trước năm 2012, một số HLV điền kinh đã kêu trời bởi khi tổ chức giải ở đây, các VĐV chạy “xuống dốc” khi đến những chỗ lún trên đường chạy. Điều này gây ảnh hưởng không ít tới chất lượng chuyên môn của giải và khiến các VĐV hoang mang về thông số kỹ thuật của họ.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - phó tổng thư ký Liên đoàn Điền kinh VN - cho biết từ sau Giải điền kinh trẻ quốc gia 2012 đến giờ, sân Mỹ Đình không được chọn là địa điểm tổ chức giải điền kinh nào vì đường chạy bị sụt lún ảnh hưởng đến chất lượng chuyên môn.
Ông Hùng nói: “Đường chạy sân Mỹ Đình hiện nay không đáp ứng được các yêu cầu về chuyên môn để tổ chức các giải điền kinh trong nước và quốc tế. Sau Giải trẻ quốc gia 2012, Liên đoàn Điền kinh VN đã có văn bản gửi khu liên hợp thể thao quốc gia (LHTTQG) Mỹ Đình yêu cầu sửa đường chạy để có thể tổ chức các giải điền kinh tại đây nhưng đến nay vẫn chưa thấy sửa chữa gì. Năm 2016, VN đăng cai Giải điền kinh trẻ châu Á nhưng được tổ chức tại sân Thống Nhất chứ không phải Mỹ Đình”.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Cấn Văn Nghĩa - giám đốc khu LHTTQG Mỹ Đình - xác nhận tình trạng lún ở đường chạy đã diễn ra mấy năm nay. Tuy nhiên vì nhiều lý do, nhất là vấn đề kinh phí, nên dự kiến trong năm 2015-2016 hệ thống đường chạy này mới được tu sửa. Trước đó năm 2013, Bộ VH-TT&DL đã cấp 8 tỉ đồng để tu sửa đường chạy nhưng theo ông Nghĩa, vì chưa triển khai được nên số tiền này sau đó lại chuyển về bộ.
Bị lún vì sân xây trên mặt đất yếu?
Ông Nghĩa nói thêm: “Thời gian qua chúng tôi đã mời Bộ Xây dựng đưa một công ty tư vấn giám sát đến kiểm tra tình trạng lún tại đường chạy. Kết luận sau đó được công ty này thông báo là do SVĐ được xây dựng trên nền đất yếu nên sau nhiều năm sử dụng xảy ra tình trạng bị lún đường chạy. Ngay cả mặt cỏ sân Mỹ Đình trung bình 4-5 năm phải lột lên thay lại, đường chạy cũng phải lột lớp cao su bề mặt lên thay 4-5 năm/lần.
Tuy nhiên từ khi hoàn thiện và đi vào sử dụng từ SEA Games 22 (năm 2003) đến nay đường chạy sân Mỹ Đình chưa được tu sửa lần nào, hệ thống cao su cũng chưa được lột lên thay thế bao giờ. Với tình trạng lún như hiện nay, đường chạy của sân không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật để thi đấu điền kinh.
Để tu sửa, khu LHTTQG Mỹ Đình đã làm dự án trình Bộ VH-TT&DL xin nguồn tiền tu sửa. Theo tôi, phải sửa cho chắc chắn và đảm bảo dùng lâu dài nên phải làm kỹ càng. Dự kiến kinh phí để sửa đường chạy bị lún này hơn 20 tỉ đồng”.
Theo ông Nghĩa, dù là đơn vị đã tự chủ về kinh tế nhưng toàn bộ các dự án đầu tư tập trung như sửa đường chạy phải lấy từ nguồn ngân sách chứ kinh phí từ nguồn tự chủ tài chính của khu LHTTQG Mỹ Đình không có. Các khoản thu của khu LHTTQG Mỹ Đình, theo ông Nghĩa, hiện nay chỉ đảm bảo thực hiện công tác duy tu bảo dưỡng nhỏ.
Ông Nghĩa cho biết thêm hơn 20 tỉ đồng dự kiến được sửa chữa các khu vực lún hiện nay tập trung chủ yếu ở khu vực sau hai cầu môn, trước khán đài C, D. Nhưng để sửa sang toàn bộ đường chạy xung quanh sân, số tiền có thể lên tới hàng trăm tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận