Kỳ 1: Phòng tuyến “thắt lưng” của Đông Dương
Phóng to |
Sự khốc liệt của đường 9 có thể thấy rõ qua bãi vỏ đạn pháo của pháo binh thủy quân lục chiến Mỹ, được bắn đi từ Khe Sanh - Ảnh tư liệu |
Căn cứ xưa không còn chút dấu tích nào, nhưng từ sườn của cao điểm Đầu Mầu ở km 22 quốc lộ 9 nhìn xuống sẽ thấy chứng nhân của trăm năm dâu bể. Theo góc nhìn từ cao xuống thấp sẽ thấy ba cây cầu lưu giữ biên niên của đường 9. Cây cầu Đầu Mầu bên con đường số 9 khởi thủy hồi đầu thế kỷ đã không còn, nhưng chứng nhân của nó vẫn còn trong ký ức của nhiều người dân sống cạnh đó.
Trong ký ức đời phu lục lộ...
Từ năm 1921, trong bài viết về Quảng Trị đăng ở tập san Đô Thành Hiếu Cổ (Bouletin des amis du vieux Hue- BAVH), công sứ Pháp tại An Nam bấy giờ là A.Laborde đã viết về đường 9:.. “Du khách say mê cảnh đẹp sẽ không cảm thấy bỏ phí thời gian khi đi xe hơi theo con đường Mekong cho đến tận Lao Bảo, sẽ được hoàn thành vào cuối năm 1922. Được quy hoạch trong lòng rừng cây thấp, lộ trình của con đường ngoằn ngoèo giữa các núi đá vôi hình thù lạ mắt, tréo qua các triền suối, chạy theo một con sông rất đẹp...” (bản in lại BAVH của NXB Thuận Hóa năm 2001, trang 208 - tập VIII).
Tuy nhiên đó là những cảm xúc hưởng thụ của một ông quan thực dân. Còn ký ức của những người phu làm đường thì không như thế. Công cuộc mộ phu để làm con đường 9 kéo dài ngay cả sau khi nó đã hoàn thành với công việc mở rộng và nâng cấp. Ông Lê Văn Đen, một người dân xóm Bàu thuộc vùng Tân Lâm, xã Cam Thành (Cam Lộ), nhà ở cạnh đường 9, từng là “cu ly” bị người Pháp bắt đi làm phu xây dựng đường 9, đọc cho chúng tôi nghe những câu vè viết về nỗi lao khổ hồi đầu thế kỷ 20 đi đội đá mở đường cho Tây:
Hai hàng nước mắt nhỏ tuônCả năm phủ huyện kéo lên nguồn trời ơi!Cực chi da diết hỡi trờiAi không có chiếu trải tơi mà nằm...
(Vè cu ly đường 9)
Đường 9 hoàn thành, công cuộc khai thác thuộc địa của người Pháp cũng đã được cấp thời tiến hành với hàng loạt đồn điền mọc lên dọc đường 9 như đồn điền cà phê của một bà đầm người Pháp tên Camerom mà dân quen gọi là đồn điền “Bà Rôm” (nay thuộc xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa), các đồn điền mang tên các ông chủ Tây như Poilan, Lavan, Pecada, Alain, Auperi...
Theo đường số 9, việc khai thác tài nguyên khoáng sản của vùng Savannakhet giàu có nước Lào được vận chuyển theo tuyến đường này về tới Đông Hà rồi theo quốc lộ 1A vào cảng Đà Nẵng, xuống tàu về “nước mẹ Đại Pháp”. Lịch sử khai thác đường 9 còn có câu chuyện thú vị về viên công sứ tỉnh Savannakhet lúc bấy giờ là U.Malpuech cũng từ bỏ chức vụ của mình để theo nghiệp kinh doanh, khai thác trên đường 9. U.Malpuech đã lập Công ty Công kỹ nghệ ở Lào S.I.S (Soliété Industrich de Savannakhet), tham gia hội đồng kinh - tài Đông Dương, độc quyền mua gạo từ Thái Lan để xuất khẩu, lập xưởng nấu rượu Sica ở Đồng Hới (Việt Nam), khai thác rừng tại Phong Cheng và thiếc ở Boneng, mở nhà máy xay xát ở Savannakhet (Lào). Những chuyện này được chính viên công sứ viết trong lịch sử của xứ Savannakhet (Historique de la province de Savannakhet) mà ông là tác giả.
Phóng to |
Con đường chiến sự
Nhưng đường 9 không là con đường của làm ăn khai thác tài nguyên dài lâu. Như đã dẫn trong câu chuyện về hội nghị Geneve, với mục đích biến đường 9 thành tuyến phòng thủ trực tiếp, một loạt cứ điểm, căn cứ quân sự được xây dựng với mật độ dày đặc bậc nhất trên chiến trường Đông Dương. Không chỉ có mật độ dày đặc, những căn cứ trên phòng tuyến đường 9 luôn được bố trí những đội quân tinh nhuệ và vũ khí tối tân nhất. Và cũng chính vì thế mà những chiến dịch trên đường 9 luôn là những trận đánh chiến lược, làm thay đổi cục diện chiến tranh.
Không thể nào nói hết về cuộc chiến trên chiến trường đường 9 trong một vài câu chuyện. Nhưng chỉ với hai chiến dịch Khe Sanh vào xuân - hè 1968 và chiến dịch đường 9 - Nam Lào năm 1971, có thể hình dung được tầm vóc chiến trường đường 9 với chiến tranh Việt Nam. Cuối năm 1962 người Mỹ bắt đầu xây dựng Khe Sanh thành một cứ điểm trọng yếu trên đường 9 nhằm khống chế sự tiếp vận từ Bắc vào Nam qua đường mòn Hồ Chí Minh. Vài năm sau đó, khi hàng rào điện tử Mc Namara hình thành với phòng tuyến chạy dài từ Cửa Việt lên biên giới Việt - Lào thì Khe Sanh trở thành trung tâm của hệ thống hàng rào điện tử này với ba con “mắt thần” tạo thành thế chân kiềng là căn cứ Khe Sanh - Làng Vây - sân bay Tà Cơn.
Chúng tôi ghé thăm Bảo tàng chiến thắng Khe Sanh ở sân bay Tà Cơn. Khu sân bay năm xưa chỉ được dành ra một diện tích nhỏ để làm khu trưng bày hình ảnh, tư liệu, những chiếc máy bay trực thăng HU 1A, máy bay vận tải Chinook, xe tăng, pháo 155 li... Còn khoảng đất mênh mông của sân bay nay đã xanh mỡ màng sắc lá cà phê như một chỉ dấu của khát vọng hồi sinh. Những cuốn sổ lưu niệm được du khách viết kín những dòng cảm xúc. Một nữ du khách tên Nguyệt viết: “Khe Sanh đẹp vô cùng. Tôi đã cố mà vẫn không hình dung nổi cảnh bom đạn chết chóc nhiều năm về trước...”. Có thể khó hình dung được bom đạn khốc liệt nơi chiến trường này khi nhìn vào hiện tại, còn trong ký ức của rất nhiều người, Khe Sanh vẫn là một ám ảnh.
Mùa hè năm 1978, tròn 10 năm sau khi người Mỹ rời bỏ Khe Sanh, từ nước Úc, pianist Don Walker của ban nhạc rock nổi tiếng Cold Chisel đã viết bản rock mang tên Khe Sanh kể về nỗi đắng cay, chán chường mà lính Úc đã trải qua khi tham gia chiến trường ác liệt ở Khe Sanh năm 1968. Vừa ra đời, bản rock Khe Sanh đã nhanh chóng trở nên nổi tiếng trên thế giới. Năm 2001, bộ tem kỷ niệm 10 bài hát hay nhất của Úc ra đời, con tem số 1 là bản rock Khe Sanh in hình một chiếc máy bay trực thăng đang bay với hai chữ Khe Sanh.
Con đường khởi đầu mang ý đồ khai thác tài nguyên Đông Dương đã bị chiến tranh biến thành con đường máu. Trong ngút ngàn đạn bom thương tích ấy, có một câu chuyện rất đáng nhớ khi nhắc đến chiến sự ở đường 9: mùa hè năm 1972, trong chiến dịch giải phóng Quảng Trị, cũng tại một căn cứ đồn trú cạnh quốc lộ 9, lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh có nguyên cả một trung đoàn quân đội Sài Gòn với đầy đủ các cấp sĩ quan chỉ huy phản chiến về với cách mạng. Những sĩ quan chỉ huy của trung đoàn ấy được giữ nguyên cấp bậc, phiên chế thành sĩ quan quân đội nhân dân. Đấy là trung đoàn 56 của trung tá Phạm Văn Đính tại căn cứ Carroll, tức điểm cao 241 (Tân Lâm) nằm ở km21 của quốc lộ 9.
Ông Phạm Văn Đính sau này được thăng quân hàm thượng tá QĐNDVN và đã mất cách nay mấy năm vì tai biến tại Huế. Sự kiện cả một trung đoàn binh sĩ Sài Gòn theo về với cách mạng có lẽ là câu chuyện thật đáng ghi giữa khói lửa chiến tranh khốc liệt của đường 9 tròn 40 năm trước! Và ngọn gió hòa bình thổi qua đường 9 từ mùa hè 1972, nhưng câu chuyện của con đường suốt 40 năm qua còn những sứ mệnh đáng gọi là “kỳ lạ”...
___________
Kỳ tới: Những đoàn xe “quá cảnh”
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận