Các bị cáo trong phiên xử sơ thẩm tại TAND tỉnh Sóc Trăng vào tháng 10-2015 - Ảnh: H.Điệp |
Các cơ quan tiến hành tố tụng phải làm gì để đảm bảo quyền lợi bị cáo và việc xét xử?
Ông Quảng Đức Tuyên, phó chánh án TAND cấp cao tại TP.HCM, cho biết ông vừa ký quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với bị cáo Nguyễn Hoàng Quân, nguyên thiếu tá công an, đội trưởng đội điều tra Công an tỉnh Sóc Trăng.
“Quân đã được thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam sang tại ngoại, hiện Quân được quản lý tại địa phương để chờ xét xử phúc thẩm” - ông Quảng Đức Tuyên cho biết.
Áp dụng biện pháp ngăn chặn ở địa phương
Quân và Hưng là hai bị cáo nguyên là điều tra viên của Công an tỉnh Sóc Trăng, bị bản án sơ thẩm TAND tỉnh Sóc Trăng tuyên phạt tội dùng nhục hình đối với các công dân ở Sóc Trăng trong một vụ án giết người xảy ra tại ấp Lâm Dồ, xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng.
Nêu lý do ký quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với bị cáo Nguyễn Hoàng Quân, ông Quảng Đức Tuyên cho biết bản án sơ thẩm tuyên Quân mức án 1 năm 6 tháng tù. Thời gian tạm giam đối với Quân đến cuối tháng 3-2016 là vừa đủ thời gian bản án sơ thẩm tuyên.
Quân không bị kháng cáo, kháng nghị tăng nặng hình phạt, bởi vậy TAND cấp cao đã thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với bị cáo này.
Tuy nhiên, trước lo ngại cho rằng khi phiên tòa phúc thẩm chưa được mở, bị cáo ở ngoài có đảm bảo được việc mở phiên tòa, ông Quảng Đức Tuyên khẳng định: “Tòa áp dụng biện pháp ngăn chặn khác tại địa phương để đảm bảo việc xét xử phúc thẩm”.
Đảm bảo quyền con người
Ông Trần Văn Châu, chánh án TAND cấp cao tại TP.HCM, cũng cho rằng thẩm phán được giao thụ lý vụ việc đã theo dõi và báo về việc thời gian tạm giam đối với Quân đúng bằng bản án sơ thẩm.
Do đó, để đảm bảo quyền lợi cho bị cáo cũng như thực hiện đúng quy định của pháp luật, trong phạm vi thẩm quyền của TAND cấp cao, tòa này đã ra quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn.
“Bộ luật tố tụng hình sự không quy định về tình huống này, và việc giám sát tạm giam là công việc của ngành kiểm sát, tuy nhiên khi hồ sơ các vụ án phúc thẩm được chuyển qua, các bộ phận công tác của tòa đều kiểm tra và kiểm soát chặt chẽ, vừa để đảm bảo quyền lợi cho bị cáo, sau nữa là đảm bảo cho việc xét xử” - ông Trần Văn Châu nói.
Ông Châu cũng cho biết việc cho bị cáo Quân tại ngoại không phải kiến nghị từ Viện KSND hay trại tạm giam nơi đang giam giữ bị cáo Quân, cũng không phải do kiến nghị từ bị cáo và gia đình.
“Việc theo dõi các vấn đề pháp lý liên quan đến các bị cáo được TAND cấp cao thực hiện rất triệt để. Do đó, không có bị cáo nào bị giam quá hạn hay bất kể điều gì làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bị can” - ông Châu chia sẻ.
Vụ án dùng nhục hình ép công dân nhận tội giết người Theo hồ sơ vụ án, đêm 6-7-2013, tại địa bàn ấp Lâm Dồ, xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng xảy ra vụ án giết người, nạn nhân là Lý Văn Dũng. Ngày 8-7-2013, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Sóc Trăng xác lập chuyên án và đã khởi tố, bắt tạm giam bảy người dân. Sau đó, hung thủ thật sự của vụ án ra đầu thú, bảy công dân được đình chỉ điều tra, đình chỉ bị can. Khi được trả tự do, bảy người này tố cáo họ đã bị cán bộ, điều tra viên dùng nhục hình nên buộc phải khai nhận có tham gia giết ông Dũng. Hồ sơ kết luận Nguyễn Hoàng Quân, Triệu Tuấn Hưng (nguyên điều tra viên Công an tỉnh Sóc Trăng) đã có hành vi dùng nhục hình đối với anh Trần Văn Đở, Thạch Sô Phách, Khâu Sóc, ép buộc các anh khai nhận có tham gia giết ông Lý Văn Dũng. Hai bị cáo này bị xét xử về tội dùng nhục hình. Ngày 7-10-2015, sau bốn ngày xét xử, hội đồng xét xử TAND tỉnh Sóc Trăng đã tuyên án bị cáo Triệu Tuấn Hưng 2 năm tù, Nguyễn Hoàng Quân 1 năm 6 tháng tù tội dùng nhục hình. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận