![]() |
Chị Võ Thanh Thúy hiện là cán bộ phụ trách xóa đói giảm nghèo ở UBND P.4, Q.Tân Bình - Ảnh: M.Hương |
Chuyện xảy ra đã hơn 10 năm mà với những người trong cuộc vẫn còn như mới hôm qua...
Danh dự người lính
Năm 1995, UBND xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn có công văn đề nghị Công an huyện Hóc Môn xác minh lai lịch chính trị của ông Nguyễn Văn Thông - chồng bà Nguyễn Thị Rí, ngụ xã Thới Tam Thôn - vì có một số cán bộ cách mạng lão thành và hưu trí phản ảnh ông Thông đã chiêu hồi, khi bị địch bắt ông đã khai báo gây thiệt hại cho cách mạng. Liên tiếp trong hai năm 1999 và 2000, UBND xã Thới Tam Thôn đã đề nghị Sở Lao động - thương binh và xã hội TP thu hồi thẻ thương binh và chế độ trợ cấp bị bắt tù đày của ông Thông.
UBND xã cũng không giải quyết khen thưởng huân chương, huy chương, không trao kỷ niệm chương cho ông với lý do ông và gia đình không gương mẫu chấp hành chủ trương chính sách, lại dựa vào danh hiệu thương binh để đưa ra nhiều yêu sách với địa phương, gây khó khăn trong việc vận động nhân dân trên địa bàn. Đến tháng 4-2001, Sở Lao động - thương binh và xã hội TP ra quyết định thu hồi thẻ thương binh và chế độ bị địch bắt tù đày của ông Thông.
Ngày nhận quyết định, ông Thông sốc nặng rồi suy sụp tinh thần, bệnh não tái phát ngày thêm trầm trọng. “Thời gian đó, gia đình tui có miếng đất nằm trong diện quy hoạch giải tỏa nhưng giá đền bù có mấy chục ngàn đồng một mét vuông nên nhà tui chưa đồng ý đi. Chưa hết chuyện bị xem là chống đối chủ trương chính sách, ổng lại mang thêm cái tiếng phản bội cách mạng. Nhục nhã ê chề. Bà con chòm xóm, bạn bè gần xa người ta cũng xa lánh, ngại ngần không dám qua lại với gia đình tui” - bà Rí nhớ lại.
Tháng 7-2001, ông Thông có đơn khiếu nại gửi lãnh đạo TP và các ngành chức năng TP. Đơn gửi đi rồi nhưng ngồi nhà chờ sốt ruột quá, ông Thông lại đang bệnh, bà Rí quyết tâm đi kêu cứu, đòi lại danh dự cho chồng với một niềm tin sắt đá: xã không tin mình thì mình kêu lên cấp TP, cấp trung ương, thế nào cũng có người công tâm phân xử đúng sai...
Giọt nước mắt
Chị Võ Thanh Thúy vốn là kế toán hợp tác xã thương mại dịch vụ phường 4, quận Tân Bình. Do hoạt động Đoàn tích cực, chị được kết nạp vào Đảng. Năm 1998, chị được giới thiệu làm bí thư Đoàn phường 4, quận Tân Bình. Đến năm 2000, một người cháu kêu chị Thúy bằng dì ở quê lên TP. Thấy cháu không có công ăn việc làm, gia đình cũng khó khăn, hai dì cháu chị Thúy mới thuê một mặt bằng nhỏ gần nhà (khu phố 2, phường 4) để mở quán cà phê. Thời gian này, dù đã thôi không còn làm bí thư Đoàn phường nhưng là đảng viên được phân công phụ trách hỗ trợ công tác Đoàn, chị Thúy vẫn rất tích cực tham gia phong trào sinh hoạt hè của đoàn viên thanh niên.
Đùng một cái, có người phản ảnh chị là đảng viên mà kinh doanh cà phê đèn mờ, kinh doanh không phép, có tuyển tiếp viên nữ. Việc đến tai chi bộ. Chi bộ ra nghị quyết buộc chị Thúy phải dừng mọi hoạt động kinh doanh ngay lập tức. Nhớ lại chuyện này, chị Thúy kể: “Lúc đó, tôi có làm hồ sơ xin cấp phép kinh doanh nhưng chưa xin được vì lý do diện tích quán quá nhỏ, không đủ điều kiện cấp phép. Chuyện tuyển nhân viên nữ là rất oan vì cái quán nhỏ xíu, hai dì cháu đứng bán cũng đủ, cần gì tuyển thêm và thực tế tôi không có tuyển. Tấm bảng tuyển người là của bên công ty giao cà phê người ta nhờ treo giùm. Chi bộ quyết định vậy thì tôi chấp hành, nhưng thời gian thuê mặt bằng còn ba tháng nữa mới hết hợp đồng, tôi xin chi bộ cho bán tiếp thêm một thời gian để có tiền trả tiền mặt bằng rồi dẹp luôn không buôn bán gì nữa. Trong ba tháng đó, tôi cam kết giao toàn quyền cho cháu buôn bán, bản thân không đặt chân tới quán”.
Tuy nhiên, nguyện vọng đó của chị Thúy không được chấp thuận. “Mọi người nói tôi ngụy biện, ngoan cố không chấp hành nghị quyết chi bộ. Lại có thông tin vu cáo tôi đòi thuê xã hội đen “xử” đồng chí mình nếu ngăn cản chuyện tôi buôn bán. Oan ức quá, tôi yêu cầu phải làm cho ra lẽ. Cuộc họp chi bộ nào tôi cũng khóc nhưng không được cảm thông. Đỉnh điểm của sự việc là tôi phải nhận quyết định kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng. Đang bụng mang dạ chửa, chán nản, tuyệt vọng, mất niềm tin, có lúc tưởng chừng tôi muốn buông xuôi tất cả” - chị Thúy nói.
Minh oan
Hơn một tháng trôi qua, thời hạn khiếu nại quyết định kỷ luật đã hết. Lúc này chị Thúy mới nghĩ: Mình bị kỷ luật khai trừ Đảng, đó sẽ là một vết nhơ trọn đời khó mà gột rửa. Chị quyết định làm đơn khiếu nại gửi Quận ủy Tân Bình. Đơn được chuyển lên Thành ủy. “Khi đó, nhiều anh chị rất quan tâm, thường xuyên gọi điện, gặp gỡ hỏi han cụ thể tình hình. Nghe những lời động viên chân tình, sự quan tâm sâu sát tìm hiểu nguồn cơn của các anh chị, tôi thấy ấm lòng và tin rằng mình không đơn độc”- chị Thúy kể tiếp. Cuối cùng, sau quá trình thẩm tra, xác minh của Ủy ban kiểm tra Thành ủy, chị Thúy đã được minh oan và được khôi phục sinh hoạt đảng. “Vụ việc lần đó, tôi chỉ bị kiểm điểm vì kinh doanh không phép - cái nào có thì mình nhận và cảm thấy tâm phục khẩu phục” - chị Thúy chia sẻ.
Trường hợp ông Nguyễn Văn Thông cũng kết thúc có hậu. Sau quá trình xác minh, Ban bảo vệ chính trị nội bộ Thành ủy TP.HCM đã có công văn gửi Ủy ban kiểm tra Thành ủy về lịch sử chính trị của ông Thông, trong đó nêu rõ: vấn đề bị địch bắt tù của ông đã rõ. Không có vấn đề nghi vấn chính trị. Có vi phạm mức độ khí tiết nhưng chưa gây thiệt hại gì cụ thể cho tổ chức. Năm 1972 là thời kỳ ác liệt, địch tổng động viên, ông bị bắt quân dịch vào quân trường bốn tuần, được cho về vì lớn tuổi. Ngày 25-3-2002, Ủy ban kiểm tra Thành ủy có công văn gửi Sở Lao động - thương binh và xã hội TP đề nghị xem xét lại trường hợp của ông Thông, đảm bảo thực hiện đúng chính sách của Nhà nước dành cho người có đóng góp cho cách mạng theo hướng phục hồi quyền lợi chính đáng. Đến tháng 7-2002, chủ tịch UBND TP.HCM đã có quyết định phục hồi quyền lợi chế độ thương binh và chế độ của người bị địch bắt tù đày cho ông Thông.
Bà Rí bùi ngùi: “Ngày nhận được thư hỏa tốc của UBND TP gửi, cả nhà tôi như sống lại, kể làm sao hết xúc động, vui mừng. Tiền bạc chế độ chỉ là một phần nhỏ thôi, danh dự mới là chuyện lớn”. Còn chị Thanh Thúy sau thời gian nghỉ việc, đến năm 2006 chị được giới thiệu trở lại làm cán bộ xóa đói giảm nghèo ở phường 4, quận Tân Bình. Chị bộc bạch: “Đảng rất công bằng. Chỉ cần mình có năng lực, có nhiệt tình thì tổ chức cũng sẽ nhìn ra. Chuyện qua rồi, tất cả đã sang một trang mới, mọi người ở cơ quan đối xử với tôi chan hòa, thân tình lắm. Giờ chỉ mong làm thật tốt công việc, góp được sức mình cho địa phương”.
Phải công minh, chính xác, kịp thời Ông Nguyễn Hữu Nhân - ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thành ủy TP.HCM - chia sẻ: Qua hai vụ việc trên cho thấy công tác kiểm tra giám sát của Đảng nói chung, ủy ban kiểm tra các cấp nói riêng, nhất là cán bộ làm công tác kiểm tra, phải thật sự công minh, chính xác, kịp thời, phải có cái tâm trong sáng, có bản lĩnh chính trị vững vàng và có dũng khí sẵn sàng đương đầu với những khó khăn thử thách và những áp lực từ công việc, góp phần giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật trong đảng; đồng thời thể hiện tính nhân văn, tình thương yêu đồng chí, tạo niềm tin cho cán bộ đảng viên đối với tổ chức Đảng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận