Phóng to |
Những chia sẻ về lý do tham gia hoạt động tình nguyện gây “chấn động” của 9X trên trang TĐN Confessions - Ảnh chụp lại từ Internet |
Cùng với câu chuyện “1.000 người thi công... 700m đường tốn 200 triệu đồng ăn uống”, chia sẻ của bạn du học sinh nói trên đang trở thành đề tài rôm rả trên nhiều diễn đàn, buổi tán gẫu giữa những người trẻ. Vấn đề được đặt ra là trong hoạt động tình nguyện, số lượng có luôn đi kèm chất lượng và sự thành tâm?
Khi toan tính chặn bước đam mê
“Trước giờ mình chỉ biết mỗi có sách. Mình ước mơ trở thành một nhà văn nổi tiếng. Nhưng tình cờ trong một hội thảo du học, mình đã biết đến và bị ám ảnh bởi bốn chữ “hoạt động ngoại khóa” (một trong những yếu tố quyết định có được học bổng du học). Thế rồi dần dần mình bị một ý tưởng chi phối và mình thay đổi hẳn, bất kỳ hoạt động tình nguyện nào cũng có mặt. Mọi người dần tín nhiệm, thay đổi cách nhìn về mình. Nhưng sâu thẳm trong trái tim, mình cảm thấy xấu hổ vì những việc mình làm chưa bao giờ vì hai chữ “tình nguyện” mà do những toan tính khác...” - đó là một phần của đoạn thú tội dài hàng ngàn từ của 9X trên.
Mệt mỏi khi phải ép mình trở thành con người khác và tự thấy không xứng đáng với niềm tin của mọi người, 9X trên thừa nhận bản thân đã nhiều lần bật khóc. Bạn không ngừng dằn vặt vì đã để toan tính đè nát đam mê.
Chia sẻ trên nhận được sự đồng cảm từ nhiều bình luận. Bạn Trần Bá Khôi Nguyên (SV ĐH Duke, Hoa Kỳ) thậm chí cho rằng không bất ngờ khi đọc được “lời thú tội” này bởi bạn biết khá nhiều trường hợp giống hệt.
Khi trò chuyện cùng một số bạn trẻ, bên cạnh những cá nhân tham gia hoạt động tình nguyện vì đam mê thật, không ít bạn thừa nhận có những mục đích nhất định. “Tôi muốn mở rộng mối quan hệ và cải thiện hình ảnh bản thân trong mắt mọi người, điều này sẽ tốt cho quá trình xin việc, thăng tiến sau này” - bạn N.Dung (20 tuổi, SV một trường ĐH tại Q.1, TP.HCM) thừa nhận. Tương tự, bạn D.Trí (cựu SV một ĐH lớn tại Singapore) cho biết tuy bản thân có sở thích tham gia hoạt động ngoại khóa từ nhỏ, nhưng bạn từng ít nhiều trải qua suy nghĩ tương tự với mong muốn có thêm “điểm cộng” để dễ đạt được học bổng.
Sống thật sẽ không hối hận
Quay trở lại câu chuyện của bạn 9X trên, bạn Ngô Thùy Ngọc Tú (cựu SV ĐH Stanford, Hoa Kỳ) cho biết bạn rất trân trọng chia sẻ trên vì đã đánh trúng “tim đen” của nhiều bạn trẻ. Tuy nhiên, Ngọc Tú cho rằng bạn trẻ trên đã hiểu chưa đầy đủ bởi từ thể thao, nghệ thuật đến việc tham gia các chương trình, khóa học phát triển bản thân... đều được xem là hoạt động ngoại khóa. “Các trường ĐH ở Mỹ đặt ra những điều kiện trên để khuyến khích người trẻ đi tìm đam mê của mình, tiếc thay điều đó lại khiến bạn áp lực phải xây dựng một bảng thành tích đẹp để bỏ đam mê” - Ngọc Tú nhận định.
Đồng quan điểm, Khôi Nguyên cho rằng tất cả những gì học sinh làm ngoài lớp học (từ vẽ, cờ vua, bóng rổ đến sở thích viết văn như 9X trên) đều được tính là ngoại khóa. “Điều quan trọng là bạn phải cho hội đồng tuyển sinh thấy được mình đam mê thế nào. Tôi biết một bạn sinh viên ở MIT (một trong những trường ĐH hàng đầu thế giới) chưa từng tham gia tổ chức thiện nguyện nào và rất đam mê toán học. Bạn chỉ viết bài cho những tạp chí toán cũng như forum toán trên mạng... nhưng vẫn trúng tuyển vào MIT” - Khôi Nguyên nói.
“Sẽ không dễ nhưng không phải không thể dung hòa được quyền lợi và đam mê trong cuộc sống. Và chỉ khi được sống thật với bản thân và tìm ra được đam mê, ước mơ của mình sẽ khiến cuộc sống của chúng ta hạnh phúc” - Ngọc Tú cho biết.
N.Dung thì vẫn đang băn khoăn, day dứt về những buổi tham gia đội công tác xã hội của trường, bởi: “Dù tham gia rất hết mình nhưng tôi vẫn cảm thấy tội lỗi, như đang lợi dụng hoàn cảnh người khác để làm lợi cho mình”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận