03/11/2010 06:05 GMT+7

Đừng vì Vinashin mà làm rắc rối tình hình

V.V.THÀNH
V.V.THÀNH

TT - Đó là ý kiến của trung tướng Võ Trọng Việt (đại biểu Sơn La, chính ủy Bộ đội biên phòng) khi đề cập vấn đề Vinashin trong thảo luận tình hình kinh tế - xã hội tại phiên họp Quốc hội ngày 2-11.

ti0rFz3T.jpgPhóng to

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên (phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng)( bên trái) và Đại biểu Bế Xuân Trường (thiếu tướng, tư lệnh Quân khu 1, Bắc Kạn):

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên (phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng): "Vinashin không phá sản bởi vốn chủ sở hữu vẫn còn "

Đại biểu Bế Xuân Trường (thiếu tướng, tư lệnh Quân khu 1, Bắc Kạn): "Không nên thành lập ủy ban lâm thời để điều tra Vinashin"

Tổng kết hai ngày thảo luận về kinh tế - xã hội, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nói: Các đại biểu Quốc hội còn nhiều ý kiến khác nhau về việc lập hay không lập ủy ban lâm thời để điều tra vụ Vinashin. Phải xem xét kỹ các quy định của pháp luật, bảo đảm đúng quy trình, do đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo lại chuyện này vào buổi họp khác.

Phát biểu áp chót phiên thảo luận, thiếu tướng Trần Bá Thiều - tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng công an nhân dân, đại biểu TP Hải Phòng - cho rằng sai phạm ở Vinashin là rất nghiêm trọng, nhưng tình hình vẫn đang trong tầm kiểm soát chứ không phải u ám. “Thật sự hiện nay nhiều con tàu vẫn đang xuất xưởng, vẫn đang được đóng mới... Tôi kiến nghị với Quốc hội yêu cầu lãnh đạo Tập đoàn Vinashin có một buổi báo cáo trước Quốc hội được truyền hình trực tiếp để nhân dân tường tận về Vinashin hiện nay” - ông Thiều nói.

Trước đó, hai tướng lĩnh quân đội cũng đã có các phát biểu liên quan đến Vinashin. Thiếu tướng Bế Xuân Trường - tư lệnh Quân khu I, đại biểu tỉnh Bắc Kạn - nói Vinashin là bài học rất cay đắng, nhưng không nên thành lập ủy ban lâm thời để điều tra Vinashin (như đề nghị của đại biểu Nguyễn Minh Thuyết trong phiên thảo luận ngày 1-11) vì Ủy ban Kiểm tra trung ương đã vào cuộc, Bộ Chính trị đã có kết luận, đồng thời đang có một cuộc thanh tra toàn diện để đánh giá Vinashin. Ông Trường cho rằng nên tái cấu trúc Vinashin cho hợp lý bởi lẽ chúng ta là một quốc gia biển mà không có ngành công nghiệp đóng tàu thì chiến lược biển sẽ không thực hiện được.

Trung tướng Võ Trọng Việt - bí thư Đảng ủy, chính ủy Bộ đội biên phòng, đại biểu tỉnh Sơn La - đề nghị giải quyết vụ Vinashin phải thận trọng, đừng vì Vinashin mà làm rắc rối tình hình. Chính phủ đã có những quyết sách để tái cơ cấu Vinashin, vực dậy Vinashin để Vinashin trả nợ. Quyết sách của Chính phủ như vậy rất kịp thời.

Khẳng định Vinashin có sai phạm, khuyết điểm, nhưng đại biểu Nguyễn Đức Kiên (phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng) cũng không đồng tình khi có ý kiến cho rằng đây là sai phạm mang lỗi hệ thống. Theo ông Kiên, đây là vấn đề công tác cán bộ. Đối với Tập đoàn Vinashin, việc để quá lâu một cá nhân vừa là chủ tịch hội đồng quản trị vừa là tổng giám đốc, vừa là bí thư Đảng ủy cũng là một trong những điều kiện tạo ra sai sót nặng nề hơn.

Theo ông Nguyễn Đức Kiên, không phải Vinashin đã phá sản bởi vốn của chủ sở hữu vẫn còn. Đại biểu tỉnh Sóc Trăng nói nếu "không sòng phẳng", vì một sự việc sẽ làm lùi lại tư duy đổi mới phát triển doanh nghiệp nhà nước đưa ra cách đây mười năm. Ông đề nghị trong nhiệm kỳ tới Chính phủ nên thành lập một cơ quan quản lý phần vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.

Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rằng trong vụ Vinashin có lỗ hổng về cơ chế nhưng không hoàn toàn như vậy, ở đây có vấn đề sử dụng và bố trí con người, “do đó nếu như chúng ta cứ tập trung về cơ chế, tôi e rằng qua hơn 10 năm đổi mới doanh nghiệp nhà nước, coi chừng chúng ta quay lại cơ chế chủ quản, một cơ chế mà chúng ta phải thoát khỏi nó”.

Giải trình công tác giám sát Vinashin, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho hay ngay từ đầu năm 2007, tức chỉ nửa năm sau khi Vinashin chuyển sang hoạt động theo mô hình tập đoàn, Bộ Tài chính đã thanh tra, kiểm tra quản lý vốn và tài sản.

Với bốn lần kiểm tra, bộ đã phát hiện Vinashin thành lập thêm “quá nhiều công ty con, công ty cháu”, đầu tư dự án dàn trải, cân đối nguồn không hợp lý và chủ yếu dựa vào vốn vay, vay lớn, nợ trên vốn chủ sở hữu 13,7 lần, mua sắm tài sản không đúng quy định, hệ số khả năng thanh toán rất thấp... Ngay từ năm 2008, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng đã yêu cầu họp và ra nhiều văn bản chỉ đạo cụ thể về sai phạm của Vinashin.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, do tác động của khủng hoảng, nhiều dự án đóng tàu bị hủy bỏ, Vinashin tiếp tục rơi vào khó khăn. Thủ tướng đã ra quyết định thành lập tổ tái cơ cấu tài chính. Kết quả là số dự án đầu tư đã giảm từ 104 xuống 40. Sau đó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục rà soát cắt giảm xuống 28, đến nay chỉ còn 13 dự án và đàm phán với các chủ nợ để cơ cấu lại nợ. Tiếp đó, Thủ tướng ban hành quyết định tái cơ cấu lại toàn diện tập đoàn.

PsXQNFNX.jpgPhóng to
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: “Số nợ của Vinashin là 86.000 tỉ đồng (làm tròn số), nhưng tài sản trên sổ sách hiện nay của Vinashin khoảng 103.000 tỉ đồng, như vậy tiền vay này đang nằm trong các tài sản, các dự án”. - Ảnh: V.Dũng
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho hay bài học rút ra là khi phân cấp, phân công và giao quyền thì phải phù hợp với năng lực, trình độ quản lý của cán bộ, đề cao trách nhiệm của doanh nghiệp... Ông cũng nói có những vấn đề chỉ phát hiện sau khi kiểm tra, thanh tra như việc mua tàu của Vinashin. Khi trình lên, Thủ tướng đã có văn bản yêu cầu không được mua mà phải đóng nhưng Vinashin vẫn mua tàu.

Báo cáo với Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh nói: “Cũng có ý kiến cho rằng hiện nay Vinashin vay nợ tới 86.000 tỉ đồng và toàn bộ nguồn vốn này đã mất. Theo số liệu chúng tôi nắm được do hội đồng quản trị Vinashin báo cáo, đến ngày 30-6-2010 số nợ của Vinashin là 86.000 tỉ đồng (làm tròn số), nhưng tài sản trên sổ sách hiện nay của Vinashin khoảng 103.000 tỉ đồng, như vậy tiền vay này đang nằm trong các tài sản, các dự án. Cũng có thể có dự án hiệu quả, có dự án chưa hiệu quả, hiện nay Chính phủ đang yêu cầu các cơ quan kiểm toán đánh giá lại các giá trị của tài sản này”.

Nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ tập trung đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Đại biểu Lê Thanh Liêm (Long An) nói vấn đề bức bách hiện nay là Nhà nước sớm ban hành chính sách bảo hiểm nông nghiệp, trước hết có thể chọn thí điểm cho hạt lúa và con heo. Đại biểu Liêm cũng đề nghị Chính phủ làm rõ hơn về tiến độ thực hiện các đề án cụ thể liên quan đến nghị quyết của trung ương về “tam nông”.

Từ khi có nghị quyết đến nay, Chính phủ đã phê duyệt xong bao nhiêu đề án, chương trình và có bao nhiêu đề án, chương trình đã bố trí ngân sách đi vào thực hiện? Chính phủ phải làm sao để nông dân và nhà xuất khẩu gạo cùng cười chung một nhịp khi được mùa và được giá, lợi nhuận được san sẻ sòng phẳng cho người sản xuất và người kinh doanh.

Trước sự có mặt của Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trong hội trường, đại biểu Võ Thị Hồng Thoại (Bạc Liêu) cho rằng cần tập trung mọi nguồn lực để giải bài toán thiếu điện.

Đại biểu Trần Tiến Cảnh (Hà Nam) nhắc lại: “Báo Tuổi Trẻ số 211 ngày 4-8-2007 đăng lời ông bộ trưởng Bộ Công thương nói: Tôi sẽ là bộ trưởng hành động, nếu vì công việc, vì sự phát triển thì việc đối đầu với những khó khăn tôi luôn sẵn sàng không ngại gì cả. Điện mà như mùa hè năm nay thì đất nước không phát triển nhanh được. Mong bộ trưởng hành động dành nhiều thời gian chỉ đạo công việc này”.

oOxLMO5d.jpgPhóng to
Ông Bế Xuân Trường - Ảnh: Lê Kiên
Ngay sau khi ông Bế Xuân Trường (đại biểu Bắc Kạn) - thiếu tướng, tư lệnh Quân khu I - phát biểu trước Quốc hội rằng không nên lập ủy ban lâm thời để điều tra vụ Vinashin, Tuổi Trẻ đã trao đổi với ông Trường về ý kiến của ông.

* Thưa ông, ông nói rằng không lập ủy ban lâm thời như đề nghị của đại biểu Nguyễn Minh Thuyết, tại sao vậy?

- Theo tôi, Quốc hội là diễn đàn để thảo luận những vấn đề lớn của đất nước và quyết những vấn đề lớn. Còn những vấn đề thanh, kiểm tra đã có cơ quan pháp luật rồi. Việc này Ủy ban Kiểm tra trung ương đã chỉ rõ rồi. Bây giờ Thanh tra Chính phủ đang làm và sẽ thanh tra toàn diện. Tôi thấy thế là đúng rồi.

* Nhưng nhiều đại biểu cho rằng Vinashin là vấn đề lớn vì nó liên quan đến cơ chế quản lý, điều hành, kiểm soát hoạt động của các tập đoàn kinh tế?

- Trên hội trường nhiều đại biểu chỉ ra trong cơ chế của mình có những thiếu sót, công tác quản lý nhà nước cũng nhận là có thiếu sót. Tất nhiên về năng lực, lãnh đạo tập đoàn có thể cũng chưa đáp ứng. Cái quan trọng, theo tôi, là nhìn thấy vấn đề và đưa ra các giải pháp hữu hiệu để phát triển nó.

* Một số lãnh đạo Vinashin đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng một số đại biểu vẫn muốn làm rõ hơn vấn đề trách nhiệm...

- Tôi cho rằng Chính phủ sẽ làm rõ. Bởi vì nhân dân tin tưởng gửi gắm bầu ra các đại biểu Quốc hội, Quốc hội bầu ra Thủ tướng và các thành viên Chính phủ, tôi nghĩ với trách nhiệm được giao phó, tôi hi vọng và tin tưởng Chính phủ sẽ nhìn ra được những nguyên nhân và có giải pháp tích cực về vụ Vinashin cũng như những việc khác.

V.V.THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên