06/01/2019 14:58 GMT+7

Đừng vì mục tiêu đậu đại học mà chọn ngành không phù hợp

TRẦN HUỲNH - TRỌNG NHÂN - A LỘC
TRẦN HUỲNH - TRỌNG NHÂN - A LỘC

TTO - Mặc dù 14h chương trình mới bắt đầu, nhưng chưa tới 13h đã có nhiều học sinh TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) và các địa phương lân cận đến với chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp chiều 6-1.

Đừng vì mục tiêu đậu đại học mà chọn ngành không phù hợp - Ảnh 1.

Học sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh ĐH Công nghiệp TP.HCM tại chương trình - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Học sinh tập trung chủ yếu ở gian hàng tư vấn của các trường và ngay lập tức trao đổi về vấn đề tuyển sinh, thi cử.

Bùi Duy Phụng, học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Văn Ơn (Bình Dương), cho biết Phụng cùng các bạn đã đi hơn 8km để đến địa điểm diễn ra chương trình.

Phụng chia sẻ chưa tham gia một buổi tư vấn nào nên kỳ vọng chiều nay sẽ thu được nhiều thông tin hữu ích.

"Mình thích ngành công nghệ thông tin. Nãy giờ mình đã đến tìm hiểu tại gian hàng các trường có dạy ngành này. Mình rất chờ đợi thầy tư vấn" - Phụng nói.

Trong khi đó, Nguyễn Thanh Tùng, học sinh lớp 12 Trường THPT Trịnh Hoài Đức (Bình Dương), chia sẻ có ý định thi ngành xã hội nhưng vẫn còn mơ hồ chưa biết lựa chọn cụ thể ngành nào, trường nào.

"Theo em biết thì hình như các khối xã hội cũng chỉ có 20 trường, nên em muốn đi xem các trường có tham dự ngày hôm nay không" - Tùng nói.

Đừng vì mục tiêu đậu đại học mà chọn ngành không phù hợp - Ảnh 2.

Đông đảo học sinh tham dự chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp tại TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Cô Ngô Hồng Hạnh, chủ nhiệm lớp 12A2 Trường THPT Bình Phú (phường Định Hòa, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương), cho biết trường có 100 học sinh tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2019 tại Trường ĐH Thủ Dầu Một. Trong đó, lớp cô Hạnh có 32/35 học sinh tham dự.

Theo cô Hạnh, chỉ một số em tìm hiểu "chút chút" thông tin về ngành, nghề của các trường lớn, còn đa phần rất mơ hồ. Khi có cuốn Những điều cần biết về thông tin tuyển sinh thì mới đọc, đăng ký. Nhiều em còn đăng ký đại theo bạn bè. Nhiều em còn tính thi xong sẽ điều chỉnh nguyện vọng.

Do đó, cô Hạnh hi vọng việc tham dự chương trình tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ sẽ giúp các em học sinh hiểu rõ hơn, có được "gợi ý" về việc chọn ngành nghề. Sau đó, các em sẽ tự tìm hiểu kỹ hơn để có định hướng nghề nghiệp phù hợp nhất cho mình.

Tương tự, thầy Trần Văn Tèo, một giáo viên đưa học sinh đi dự chương trình, cho biết hầu hết học sinh chưa rõ nguyện vọng của bản thân. Vì vậy, thầy Tèo mong muốn thông qua chương trình, với sự tư vấn từ các thầy cô trong ban tư vấn, các em học sinh sẽ chọn được ngành nghề yêu thích. Từ đó sẽ gắn bó, phát triển tương lai tốt hơn.

Đừng vì mục tiêu đậu đại học mà chọn ngành không phù hợp - Ảnh 3.

Thí sinh đặt câu hỏi cho các chuyên gia tư vấn trong chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2019 tại Bình Dương - Ảnh: A Lộc

Đừng vì mục tiêu đậu đại học mà chọn ngành không phù hợp

Nhiều học sinh có mặt tại buổi tư vấn quan tâm đến việc xét tuyển đại học trong mùa thí sinh năm nay. Câu hỏi chung được đặt ra với ban tư vấn là thí sinh nên đăng ký mấy nguyện vọng là phù hợp và việc ghi các nguyện vọng này ra sao….

Tư vấn về việc này, TS Trần Thế Hoàng - chủ tịch hội đồng trường Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - cho rằng khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển, phải bám nguyên tắc đúng sở thích, đúng đam mê.

"Nếu học ngành, trường không mong muốn, vì mục tiêu đậu đại học mà chúng ta đăng ký vào thì đó là thảm họa… Khi đó, các bạn sẽ không học được, mất thời gian, công sức, tiền bạc.

Nguyên tắc hàng đầu khi lựa chọn ngành phù hợp với sở thích, năng lực bản thân, nhu cầu xã hội và hoàn cảnh gia đình. Các bạn cần phải bám theo các trụ cột đó", thầy Hoàng khuyên.

Đăng ký bao nhiệu nguyện vọng là vừa? Thầy Trần Thế Hoàng cho biết theo thống kê trong mùa tuyển sinh năm trước trung bình cả nước 4-5 nguyện vọng/thí sinh.

Năm nay Bộ GD-ĐT không hạn chế số nguyện vọng thí sinh đăng ký nhưng các bạn chỉ nên đăng ký theo ba nhóm:

1) Nhóm cao hơn khả năng của mình vào những ngành, trường mình yêu thích;

2) Chọn một số ngành, trường vừa sức với mình;

3) Nhóm vào những ngành, trường thấp hơn sức học.

Đồng thời, thầy Hoàng lưu ý thí sinh có quyền điều chỉnh nguyện vọng sau khi có kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Thí sinh có thể điều chỉnh theo hình thức online hoặc điều chỉnh bằng phiếu tại các trường THPT nơi nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển. Quy định này giúp tăng khả năng trúng tuyển nên thí sinh cần tận dụng tốt.

"Trước mắt các bạn còn nhiều thời gian để suy nghĩ, lựa chọn được ngành học phù hợp với mình", thầy Hoàng nhắn nhủ.

Đừng vì mục tiêu đậu đại học mà chọn ngành không phù hợp - Ảnh 4.

Các chuyên gia khối ngày KHXH&NV đang trả lời câu hỏi của thí sinh - Ảnh: A Lộc

Hấp dẫn các chương trình đào tạo đặc thù

Chia sẻ với các học sinh quan tâm tới nhóm ngành kinh tế, ThS Hứa Minh Tuấn - phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - marketing - cho biết năm 2019, nhà trường tuyển sinh 11 ngành đào tạo với bốn chương trình: đại trà, theo cơ chế đặc thù, chất lượng cao và quốc tế.

Trong đó có bốn ngành tuyển sinh chương trình đào tạo theo cơ chế đặc thù gồm: Quản trị khách sạn, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, và Hệ thống thông tin quản lý.

"Theo chủ trương của Bộ GD-ĐT, các trường đại học xác định chương trình đào tạo theo cơ chế đặc thù ở hai lĩnh vực công nghệ thông tin và du lịch. Với chương trình đào tạo theo cơ chế đặc thù này sinh viên sẽ được học 50% lý thuyết và 50% kiến thức thực tế tại doanh nghiệp hoặc nhà trường mời đại diện doanh nghiệp tham gia đào tạo", thầy Tuấn cho biết thêm.

Trong khi đó, PGS.TS Hoàng Trọng Quyền - phó hiệu trưởng Trường ĐH Thủ Dầu Một - cũng cho hay trong quá trình học tại trường, ngay từ năm thứ nhất sinh viên được định hướng để lựa chọn và rèn luyện các kỹ năng, thái độ cần thiết cho ngành học.

Sinh viên nhiều ngành có việc làm từ năm thứ 3 như ngành: kỹ thuật điện, ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ Trung Quốc, kỹ thuật xây dựng, kiến trúc, kỹ thuật phần mềm, hệ thống thông tin….

"Sinh viên được tiếp xúc với doanh nghiệp thông qua các buổi tham quan thực tế, thực hành, thực tập tại các doanh nghiệp. Hằng năm nhà trường đều tổ chức ngày hội việc làm thu hút hơn 100 doanh nghiệp đến trực tiếp tuyển dụng với hơn 1.000 vị trí việc làm", thầy Quyền chia sẻ.

Thí sinh phía Bắc chuyển hộ khẩu vào Nam thi vào trường quân đội: tính điểm chuẩn phía Bắc

Tư vấn cho nhiều thí sinh quan tâm tới tuyển sinh của các trường quân đội, Thiếu tá Trần Văn Mạnh - cán bộ tuyển sinh Trường Sĩ quan Công binh - cho biết thí sinh chuyển hộ khẩu vào phía Nam nhưng tốt nghiệp THPT ở phía Bắc vẫn tính điểm chuẩn cho thí sinh các tỉnh phía Bắc.

Đây là quy định đặc biệt mà Ban tuyển sinh quân sự áp dụng nhằm đảm bảo tính công bằng cho tất cả các thí sinh vì ở các trường quân đội, điểm chuẩn dành cho thí sinh khu vực phía Bắc thường cao hơn so với thí sinh phía Nam.

Cụ thể, theo quy định của Ban Tuyển sinh quân sự, thí sinh được tính điểm chuẩn theo hộ khẩu thường trú phía Nam (từ tỉnh Quảng Trị trở vào), thời gian có hộ khẩu thường trú phía Nam (tính đến tháng 9 năm dự tuyển) phải đủ 3 năm thường trú liên tục trở lên, có ít nhất năm lớp 12 học và dự thi tốt nghiệp THPT tại các tỉnh phía Nam.

Đừng vì mục tiêu đậu đại học mà chọn ngành không phù hợp - Ảnh 6.

Học sinh chăm chú nghe các chuyên gia tư vấn - Ảnh: A Lộc

Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2019 do báo Tuổi Trẻ, Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp tổ chức với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup.

Sáng 6-1, chương trình cũng đã diễn ra buổi đầu tiên tại TP Tây Ninh (Tây Ninh).

Đừng vì mục tiêu đậu đại học mà chọn ngành không phù hợp - Ảnh 8.

Xe đạp tích điện của Trường ĐH quốc tế Miền Đông (Bình Dương) - Ảnh: A Lộc

Đừng vì mục tiêu đậu đại học mà chọn ngành không phù hợp - Ảnh 9.

Robot chơi đàn organ của Trường ĐH quốc tế Miền Đông (Bình Dương) - Ảnh: A Lộc

Đừng vì mục tiêu đậu đại học mà chọn ngành không phù hợp - Ảnh 10.

Robot tự cân bằng điều khiển bằng điện thoại của Trường ĐH quốc tế Miền Đông - Ảnh: A Lộc

Thi THPT quốc gia và tuyển sinh 2019 thay đổi ra sao? Thi THPT quốc gia và tuyển sinh 2019 thay đổi ra sao?

TTO - Đại diện Vụ Giáo dục đại học - Bộ GD-ĐT thông tin về những điểm thay đổi của kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh 2019 tại chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2019 do báo Tuổi Trẻ tổ chức.

Đừng vì mục tiêu đậu đại học mà chọn ngành không phù hợp - Ảnh 12.
TRẦN HUỲNH - TRỌNG NHÂN - A LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên