15/10/2014 09:30 GMT+7

Dùng văn xét tuyển y: Đừng đao to búa lớn

KTS LÊ CÔNG SĨ
KTS LÊ CÔNG SĨ

TT - Không ai phủ nhận tầm quan trọng của môn văn trong đời sống xã hội. Đúng như nhiều ý kiến đã phân tích, những người giỏi văn có kỹ năng tốt về xử trí, giao tiếp, nhận thức.

Một giờ thực hành thí nghiệm của sinh viên Trường đại học Y Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM - Ảnh: Như Hùng
Một giờ thực hành thí nghiệm của sinh viên Trường đại học Y Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM - Ảnh: Như Hùng
Có vẻ như đề xuất dùng môn văn xét tuyển ngành y, qua phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, xuất phát từ đòi hỏi về năng lực của một... chuyên viên giúp việc lãnh đạo mà ngành nghề nào cũng cần

 Và các kỹ năng ấy đều hỗ trợ tốt cho người hành nghề y, nghề chăm sóc cộng đồng rất cần người hành nghề có hiểu biết về con người.

Nói khác hơn, môn văn nhìn chung giúp con người sống có tình cảm và nhân văn hơn, từ đó giúp bác sĩ bớt máy móc, khô cứng, vô cảm khi tiếp xúc, đối xử với bệnh nhân...

Tuy vậy, đó chỉ mới là xét mặt phải của môn văn, trong khi “mặt trái” cần phải thẳng thắn nhìn nhận của môn này là người giỏi môn văn dễ sa đà vào việc lãng mạn quá mức cần thiết, cảm tính và thiếu quyết đoán vốn “xa lạ” với người làm công tác khoa học cần sự tỉ mỉ, chính xác, quyết đoán, thậm chí “lạnh lùng” cần thiết trong nhiều quyết định (kiểu “thuốc đắng đã tật”) như đòi hỏi trong công việc của bác sĩ.

Việc dùng môn văn xét tuyển vào ngành y, đào tạo bác sĩ thiết nghĩ cần đặt trong bối cảnh tuyển sinh chung của cả nước đang được luận bàn.

Theo tôi, công tác tuyển sinh với tất cả quy định liên quan không thể khác phải dựa vào triết lý và mục đích của giáo dục.

Tôi nghiêng về ý kiến nên xác định triết lý vì một xã hội thụ hưởng giáo dục, theo đó việc tạo điều kiện tối đa để càng có nhiều công dân tiếp cận giáo dục (đại học và hơn thế nữa) càng tốt, song để đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi của công việc, của xã hội thì cần khắt khe trong việc quản lý đầu ra.

Giáo dục của chúng ta hiện nay đang theo hướng khắt khe đầu vào, trong khi đầu ra gần như “thả lỏng”, có vào chắc chắn sẽ có ra. Một nền giáo dục như vậy, việc quy định dùng môn nào để xét tuyển cho ngành nào có vẻ không mấy ý nghĩa mà ngược lại chất lượng đào tạo, sự khắt khe trong quản lý đầu ra mới thật sự là vấn đề cần bận tâm.

Cũng theo hướng suy nghĩ này, tôi cho rằng đòi hỏi việc phỏng vấn về đạo đức, lý do theo học ngành y đối với sinh viên đầu vào (bên cạnh dùng môn văn xét tuyển ngành y) là đao to búa lớn vấn đề. Việc chọn học một ngành nghề nào đó có rất nhiều lý do khác nhau ngoài sự yêu thích, đam mê thật sự...

Cho nên, việc phỏng vấn theo tôi chỉ thật sự cần thiết cho công tác tuyển dụng sau này. Ngược lại tôi cho rằng vấn đề đạo đức hành nghề cần được chú trọng, bồi dưỡng thường xuyên liên tục trong quá trình học tập, đặc biệt trong quá trình làm việc về sau.

Nếu chỉ chăm chú “làm khó” đầu vào mà thả nổi đầu ra và buông lỏng việc tu rèn y đức trong quá trình hành nghề thì chắc chắn không có gì bảo đảm bác sĩ nói chung không vi phạm y đức.

Theo tôi, đề xuất dùng môn văn xét tuyển ngành y cần đặt trong bối cảnh xác định triết lý, mục đích của giáo dục và cần phải có những cuộc điều tra xã hội học, thậm chí nghiên cứu nghiêm túc về mối tương quan logic giữa môn văn và kỹ năng, đạo đức của người hành nghề y nói chung, bác sĩ nói riêng.

[poll width="400px" height="300px"]25[/poll]

KTS LÊ CÔNG SĨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên