26/04/2020 15:35 GMT+7

Dựng tượng vua làm biểu tượng công lý: Có cần thiết?

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TTO - Việc TAND tối cao chọn vua Lý Thái Tông là biểu tượng công lý và dự định dựng tượng trên toàn hệ thống tòa án đang gây ra những ý kiến trái chiều.

Dựng tượng vua làm biểu tượng công lý: Có cần thiết? - Ảnh 1.

Mẫu phác thảo số 3 tượng vua Lý Thái Tông cầm cán cân công lý- Ảnh: TAND tối cao

Ngày 20-2, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã thống nhất tôn vinh hoàng đế Lý Thái Tông là nhân vật biểu tượng của công lý và hoạt động xét xử. TAND tối cao đang tổ chức lấy ý kiến cán bộ công chức ngành tòa án đối với 3 mẫu phác thảo tượng vua Lý Thái Tông để đặt tại trụ sở TAND tối cao, trụ sở tòa án quân sự và tòa án các cấp.

Tượng vua cầm gươm và cán cân công lý

Theo thuyết minh của TAND tối cao, vua Lý Thái Tông là người ban hành bộ “Hình thư” - Bộ luật chính thức thành văn đầu tiên trong lịch sử Việt Nam; vua Lý Thái Tông đã trực tiếp xét xử nhiều vụ án nổi tiếng với tấm lòng bao dung, nhân từ…

Việc lựa chọn vua là biểu tượng công lý, dựng tượng tại trụ sở tòa án được TAND tối cao kỳ vọng là công trình có ý nghĩa quan trọng về mặt kiến trúc, nghệ thuật; góp phần thể hiện tầm vóc, sự uy nghiêm của cơ quan tư pháp.

Có 3 mẫu phác thảo tượng vua Lý Thái Tông đang được gửi lấy ý kiến cán bộ ngành tòa án. Mẫu số 1: vua cầm cuốn Hình thư trên ngực trái với hàm ý sâu xa việc xử án phải có trái tim nhân hậu; tay phải nâng cao như chỉ dạy, khuyên bảo.

Mẫu số 2: tay phải vua cầm gươm với hàm ý xét xử theo hình luật, đúng sai nghiêm minh, nghiêm trị.

Mẫu số 3: tay phải vua cầm cuốn Hình thư, tay trái cầm cán cân công lý.

  Dự kiến tượng được đúc bằng đồng đỏ mắt cua truyền thống, kích thước chiều cao là 5,3m.

Sao chép ý tưởng?

Có rất nhiều ý kiến góp ý đối với việc dựng biểu tượng công lý của ngành tòa án. Tuy nhiên, ý kiến phản đối lại nhiều hơn đồng tình. Một số chuyên gia còn thẳng thắn cho rằng việc TAND tối cao tự ý lựa chọn biểu tượng công lý là tùy tiện, “thừa giấy vẽ voi”…

Theo một cán bộ ngành tòa án, nhìn tổng thể thì cả ba mẫu đều có nhược điểm rất trầm trọng là giống tượng Lý Thái Tổ, tính chất sao chép rõ ràng.

“Với vị trí tòa án nhấn mạnh công lý, xét xử, nên chăng tạc tượng vua ngồi, khi phán xử các vụ án, vua ngồi nghe tâu bày chứ không đứng. Vua chỉ giám đốc các bản án quan trọng chứ không xử như thẩm phán, nên trang phục có cần mũ miện hay không là điều nên cân nhắc. Nếu dựng tượng vua ngồi thì sẽ có sự khác biệt với tượng Lý Thái Tổ đã quá quen thuộc” - vị này cho biết.

Cũng theo vị cán bộ này, nếu chọn 1 trong 3 mẫu phác thảo do TAND tối cao đưa ra thì có thể sẽ xảy ra vụ tranh chấp về bản quyền với tác giả tượng cụ Lý Thái Tổ.

Luật sư Nguyễn Văn Quynh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) thẳng thắn cho rằng Hội đồng thẩm phán TAND tối cao không có thẩm quyền để lựa chọn biểu tượng công lý.

“Nếu sau này mỗi cơ quan tư pháp đều tự mình lựa chọn một biểu tượng công lý thì sẽ ra sao? Việc lựa chọn hình tượng nào để trưng bày theo tôi không có ý nghĩa gì về mặt nhận thức. Quan trọng là đạo đức, trí tuệ của thẩm phán có đủ để đem lại công lý cho người dân hay không.

Chưa kể ngành tòa án xét xử phải dựa trên chứng cứ khoa học và nhân danh pháp luật. Việc đặt tượng trên toàn hệ thống tòa án khiến người ta liên tưởng đến thần quyền và yếu tố tâm linh, đây là điều tuyệt đối không nên có trong hệ thống tư pháp” - luật sư Nguyễn Văn Quynh cho biết.

Có hàng loạt ý kiến cho rằng việc dựng tượng tất nhiên phải to, phải đẹp, phải tổ chức dâng hương… là gây tốn kém, lãng phí không cần thiết trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Chưa kể hiện có nhiều tòa án quận, huyện trụ sở rất bé, việc bố trí dựng tượng là không phù hợp.

Một chuyên gia ngành tòa án cho rằng mẫu phác thảo của TAND tối cao đưa ra là sự sao chép quan niệm “Đông - Tây” một cách gượng ép. Cái cân biểu tượng cho lẽ phải, sự công bằng là quan niệm của phương Tây, bắt ông vua phương Đông giơ cán cân có thể nói là phản cảm.

“TAND tối cao tự quyết định biểu tượng công lý, đưa ra 3 mẫu phác thảo để cán bộ ngành tòa án cho ý kiến lựa chọn. Việc lấy ý kiến chỉ diễn ra trong 5 ngày, từ 23-4 đến 28-4 là kết thúc. Có vẻ như việc này đã được quyết định, nhưng tôi vẫn mong lãnh đạo TAND tối cao biết lắng nghe ý kiến dư luận để có quyết định đúng đắn nhất” - luật sư Nguyễn Văn Quynh góp ý.   

Tòa tối cao dựng tượng Lý Thái Tông là biểu tượng công lý Tòa tối cao dựng tượng Lý Thái Tông là biểu tượng công lý

TTO - Theo thuyết minh của TAND tối cao, việc dựng tượng vua Lý Thái Tông có nhiều ý nghĩa to lớn. Tuy nhiên, một số chuyên gia lại cho rằng việc làm này là lãng phí và không cần thiết.


TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên