14/03/2011 07:13 GMT+7

"Đừng tự biến mình thành nạn nhân của sợ hãi"

DZUNG NGUYEN
DZUNG NGUYEN

TT - Giáo dục, truyền thông và sự giao tiếp giữa các cấp chính quyền và người dân là mấu chốt tạo nên sự bình tĩnh đối phó của người Nhật.

sqHWeXFC.jpgPhóng to

Cư dân địa phương tạm trú bên đường ở một cây cầu tại Tagajo, thị trấn Miyagi ngày 13-3. Bức tranh toàn cảnh về thảm họa kinh hoàng với người dân Nhật Bản vẫn chưa thể thống kê đầy đủ - Ảnh: AFP

Trước hết, toàn dân Nhật đều đã được giáo dục và chuẩn bị để đối phó với thảm họa. Ở Nhật, mọi công dân từ bé đều được dạy phải làm gì khi có động đất và cả các sinh viên hay người nước ngoài đi làm ở đây cũng được cơ quan cho luyện tập đối phó với động đất, hỏa hoạn trong các tình huống khác nhau: ở nhà, trường học, khu mua sắm, trong tàu điện ngầm, và về cơ bản họ được yêu cầu phải thật bình tĩnh.

Ví dụ, khi có động đất phải mở chặn cửa để giữ lối thoát, chui dưới gầm bàn ghế để tránh đồ đạc rơi vào người, khi cơn chấn động dứt thì khóa van gas, kiếm vật che đầu rồi mới chạy ra ngoài đến nơi trống trải.

Tiếp đến là sự tuyên truyền và ứng phó của các cơ quan chức năng trong tình huống thực tế. Mặc dù sóng điện thoại bị mất trong nhiều giờ vào ngày 11-3, người dân vẫn có thể xem tivi trực tuyến trên điện thoại hoặc vào cập nhật tin tức online qua Internet trên điện thoại. Các mạng điện thoại đều lập website nhắn tin khẩn cấp để người dân cập nhật thông tin cho người thân.

Và các kênh truyền hình của Nhật làm tôi rất bất ngờ, họ truyền hình và cung cấp thông tin trực tiếp 24/24 giờ. Động đất cấp độ mấy, đang ở vùng nào, đã tìm kiếm được bao nhiêu người, đội cứu hộ đang làm việc ra sao, cận cảnh từng máy bay trực thăng và từng cảnh giải cứu đều được truyền hình trực tiếp.

Chiều 12-3, khi có tin về rò rỉ khí độc từ nhà máy điện hạt nhân, truyền hình đã mời ngay giáo sư vật lý của Trường ĐH Tokyo giải thích rất cặn kẽ bằng ngôn ngữ dễ hiểu nhất về ảnh hưởng của sóng thần tới lò phản ứng hạt nhân, nguy cơ nổ lò diễn ra trong trường hợp nào và công ty điện lực đang làm gì để ngăn cản điều đó.

Cơ quan khí tượng lập tức cập nhật dự báo về hướng gió trong vòng ba ngày tới, cho thấy khí có phóng xạ (xả ra do quá trình hạ áp suất để tránh nổ lò phản ứng hạt nhân) sẽ bị gió đẩy ra biển chứ không phát tán vào khu dân cư trong đất liền. Tới khi có tin tức về vụ nổ, vị giáo sư lại giải thích và nói rõ hơn các biện pháp mà chính phủ đang thực hiện, cũng như phóng viên quay cận cảnh lò phản ứng hạt nhân vẫn nguyên vẹn.

Để toàn dân hiểu được mức độ nhiễm xạ trong thực tế, tình trạng của những người bị thương hay phải theo dõi nguy cơ nhiễm xạ trong vụ nổ cũng được cập nhật liên tục trên truyền hình.

Mặt khác, ngay khi có tín hiệu về một đợt dư chấn, truyền hình lập tức hiện cảnh báo khẩn cấp với thông tin rõ ràng về các địa điểm sắp bị ảnh hưởng, khuyến cáo người dân tìm nơi trú ẩn, sau đó sẽ truyền trực tiếp hình ảnh chấn động tại một số địa điểm và bản tin nêu mức độ chấn động vừa đo được trong vùng ảnh hưởng.

Tôi cảm nhận rất rõ rằng cái đáng lo ngại nhất với con người trong thảm họa không hẳn là động đất, lũ lụt mà là sự hoảng sợ của chính chúng ta, là thái độ và cách hành xử của chúng ta trước những thiên tai đó.

Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, mỗi người cũng nên bình tĩnh để đừng tự biến mình thành nạn nhân của chính sự sợ hãi. Các phương tiện thông tin đại chúng cũng cần đưa tin nhanh, liên tục nhưng trung thực và chính xác tuyệt đối để tạo sự tin tưởng và an tâm trong dân chúng.

DZUNG NGUYEN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên