11/04/2023 09:09 GMT+7

Dùng thuốc tránh thai khẩn cấp, kinh nguyệt 'ghé' 2 lần 1 tháng, vì sao?

Sau khi uống thuốc tránh thai khẩn cấp 2 lần trong một tháng, chị T. bất ngờ gặp tình trạng kinh nguyệt “ghé thăm” 2 lần trong một tháng, kéo dài suốt 3 tháng liên tục. Trường hợp này có nguy hiểm không?

Thuốc tránh thai khẩn cấp có thể gây rối loạn kinh nguyệt - Ảnh minh họa

Thuốc tránh thai khẩn cấp có thể gây rối loạn kinh nguyệt - Ảnh minh họa

Trả lời câu hỏi này, bác sĩ Phan Chí Thành - chánh văn phòng Trung tâm đào tạo (Bệnh viện Phụ sản trung ương) - cho biết hiện nay thuốc tránh thai là loại thuốc dễ dàng mua được nhất, không cần kê đơn của bác sĩ, do vậy chị em đôi khi rất chủ quan khi sử dụng.

Thực tế các nhà sản xuất cũng không có khuyến cáo nào về số lượng sử dụng thuốc tránh thai trong 1 tháng, vì vậy nhiều chị em nghĩ rằng có thể thoải mái sử dụng.

"Tuy nhiên, thuốc tránh thai khẩn cấp hàm lượng hoạt chất thường cao hơn thuốc tránh thai hằng ngày nhằm ức chế quá trình rụng trứng. Vì vậy, nếu dùng nhiều sẽ gây ra những tác dụng phụ không mong muốn như rối loạn kinh nguyệt, rong kinh…

Thậm chí, sử dụng thuốc tránh thai hằng ngày hay khẩn cấp còn có nguy cơ tắc mạch, đông máu, đặc biệt là một số người có tiền sử mắc bệnh mạch vành, tim mạch…", bác sĩ Thành cho hay.

Cụ thể trong trường hợp của chị T., có thể là tình trạng rối loạn kinh nguyệt khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp.

"Trường hợp chu kỳ kinh nguyệt nhiều hơn một lần trong tháng có thể tạo ra các biến chứng tiềm ẩn liên quan đến mất máu quá nhiều dẫn đến thiếu máu.

Ngoài ra, rối loạn kinh nguyệt cũng có thể do mắc các bệnh lý khác như u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung, gặp vấn đề về tuyến giáp,…

Vì vậy, chị em khi có tình trạng rối loạn kinh nguyệt kéo dài cần đến cơ sở y tế để được thăm khám, sàng lọc các bệnh lý liên quan để điều trị kịp thời", bác sĩ Thành khuyến cáo.

Bên cạnh đó, bác sĩ Thành cũng khuyến cáo một số tác dụng phụ khi lạm dụng thuốc tránh thai khẩn cấp như làm chậm kinh, không có kinh, rong kinh... 

Thậm chí có nhiều trường hợp sử dụng thuốc quá nhiều dẫn đến tình trạng tắc ống dẫn trứng, khó rụng trứng dẫn đến vô sinh

Thuốc tránh thai cũng làm ảnh hưởng đến cảm xúc, tâm trạng của người sử dụng như suy giảm ham muốn tình dục, làm thay đổi nồng độ hormone trong cơ thể, dẫn đến nội tiết tố da cũng thay đổi. Sau khi dùng thuốc, phụ nữ có thể xuất hiện nhiều mụn, nám, tàn nhang, ửng đỏ, sạm da...

Việc sử dụng thuốc tránh thai loại khẩn cấp còn tiềm ẩn nguy cơ nhầm lẫn chảy máu cơ quan sinh dục bất thường do u xơ tử cung với tác dụng không mong muốn của thuốc.

"Một số trường hợp không nên dùng thuốc tránh thai, hoặc sử dụng cần phải có sự thăm khám và tư vấn của bác sĩ, như phụ nữ hút thuốc lá tuyệt đối không dùng thuốc tránh thai, vì tăng nguy cơ đông máu rất cao.

Phụ nữ béo phì, có lối sống ít vận động cũng không sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp. Người có bệnh tim mạch, mạch vành cũng không nên sử dụng thuốc tránh thai", bác sĩ Thành khuyến cáo.

Bạn đọc có những thắc mắc về sức khỏe người lớn và trẻ em, dinh dưỡng, tiêm ngừa, chấn thương... mời gửi email đến hộp thư suckhoe@tuoitre.com.vn (để chính xác nội dung, bạn đọc vui lòng gõ tiếng Việt có dấu). Chuyên mục Hỏi đáp cùng thầy thuốc sẽ chọn lọc và giúp bạn giải đáp.
Tránh thai bằng nội tiết tố có thể làm tăng nguy cơ ung thư vúTránh thai bằng nội tiết tố có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú

Tất cả biện pháp tránh thai bằng nội tiết tố như uống thuốc, đặt vòng, cấy que hay tiêm nội tiết đều làm tăng nhẹ nguy cơ ung thư vú, theo nghiên cứu mới đây.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên