17/02/2009 02:20 GMT+7

Dung Quất - dòng dầu đã chảy - Kỳ 2: Những năm "tắc nghẽn"

ĐĂNG NAM
ĐĂNG NAM

TT - Để kể hết những thăng trầm của Dung Quất trong hành trình từ buổi đầu khai mở đến hôm nay, chỉ với những gạch đầu dòng thôi cũng đã chiếm đến vài chục trang giấy. Bởi có lẽ trong lịch sử xây dựng các công trình quốc gia ở VN từ sau năm 1975, chưa có công trình nào lại có nhiều ý kiến, nhiều luồng dư luận ngược chiều, kéo dài như công trình Dung Quất.

Nhà đầu tư ra đi

ygVVSl71.jpgPhóng to
Dung Quất sau khởi động là những ngày im ắng biến thành bãi chăn thả trâu bò- Ảnh: Trần Đăng

Ông Trần Lê Trung nói về cảm giác những ngày đó: “Nhớ ngày nào từng đoàn xe con bóng loáng nối đuôi nhau về dự lễ khởi công Khu kinh tế Dung Quất mà “trái tim” của nó là nhà máy lọc dầu, giờ nhìn cảnh từng đàn bò ngẩn ngơ đứng gặm cỏ ngay trên nền nhà máy mà xót xa, tự ái, xấu hổ với người dân nơi đây”.

Ông Phạm Hữu Tôn - nguyên phó chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi (nay đã nghỉ hưu), một trong những người đầu tiên “ăn nằm” với dự án lọc dầu - bồi hồi nhớ lại: Ngay sau khi Thủ tướng có quyết định giao cho Petro VN chủ trì phối hợp với Quảng Ngãi và Tập đoàn Total (Pháp) nghiên cứu khảo sát vị trí nhà máy lọc dầu vào tháng 11-1994, một đội “đặc nhiệm dự án” nhà máy lọc dầu số 1 được thành lập để hoàn thành báo cáo địa điểm xây dựng.

Nửa năm sau, ngày 17-4-1995, tại trụ sở Petro VN ở Hà Nội, trong buổi họp báo cáo về địa điểm xây dựng nhà máy lọc dầu, qua cách trình bày của đại diện Total, ông Tôn linh cảm họ sẽ khó có thể đầu tư vào dự án. Và một thời gian sau Total chính thức rút! Địa điểm mà Total muốn là đảo Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu), bởi theo họ, xây nhà máy ở đó sẽ hiệu quả hơn là đặt ở Dung Quất nhờ vào chi phí vận chuyển thấp, thị trường tiềm năng lớn. Một tháng sau khi Total rút, Thủ tướng Võ Văn Kiệt lại về Quảng Ngãi, ông nói: “Nếu tôi là Total tôi cũng nói như Total vì đây là quyền lợi kinh tế của họ, nhưng tôi là Thủ tướng, tôi phải nói và quyết định vì quyền lợi của nhân dân”.

“Total rút nhưng Dung Quất phải được tiếp tục” - ông Tôn nhớ lại. Ngay sau đó phía Petro VN đã hiến kế với lãnh đạo Chính phủ xin phép được thành lập một tổ hợp liên doanh gồm bảy nhà đầu tư đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ như Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Đài Loan... và Petro VN. Tổ hợp liên doanh này sẽ bỏ vốn đầu tư nhà máy tại Dung Quất với một điều kiện: được quyền phân phối xăng dầu trên toàn lãnh thổ VN. “Thời ấy xăng dầu còn đang được bao cấp. Nếu làm vậy thì nông dân nghèo làm sao mua nổi xăng dầu mà chạy máy bơm được, vậy nên khi nghe yêu cầu trên phía Chính phủ không đồng ý, tổ hợp tan vỡ. Một không khí buồn bã bao trùm từ anh cán bộ xã ở Bình Trị cho đến bí thư, chủ tịch tỉnh. Ngay tại Hà Nội, nhiều người tâm huyết với “đứa con” đầu lòng của ngành công nghiệp hóa dầu cũng tỏ ra buồn nản” - ông Tôn hồi tưởng.

Thế nhưng một lần nữa quyết định phê duyệt quy mô dự án nhà máy lọc dầu với công suất 6,5 triệu tấn/năm vào ngày 10-7-1997 của Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã làm không khí xây dựng nhà máy “nóng” lên trở lại. Tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa X, Quốc hội đã chính thức thông qua nghị quyết về xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất bằng nguồn tiền bán dầu thô. Nhưng đúng vào thời điểm đó, kinh tế châu Á suy thoái, nguồn vốn huy động trong nước gặp nhiều khó khăn nên dự án đành giậm chân tại chỗ.

Đầu năm 2001, tưởng “trời yên biển lặng”, khi Petro VN đàm phán, mời được tập đoàn dầu khí của Nga cùng tham gia liên doanh đầu tư trên cơ sở đồng thuận với tỉ lệ góp mỗi bên 50% vốn. Thế nhưng rắc rối lớn đã xảy ra. “Cứ mỗi lần ngồi với nhau là hai ông (đối tác Nga và Petro VN) lại không thống nhất trong quan điểm đầu tư. Có những buổi hai bên làm việc suốt cả đêm chỉ mỗi chuyện cãi nhau về lựa chọn công nghệ. Cái thế 50-50 ấy khiến không ai chịu ai, không ai nghe ai, kéo dài suốt mấy năm trời đằng đẵng, dự án không hề nhích lên được một tí. Có nhiều người dân viết đơn xin về lại quê cũ, có người liều về lại dựng trại vì không nỡ nhìn cảnh đồng hoang đất trắng” - ông Trần Lê Trung, nguyên trưởng ban quản lý dự án Khu kinh tế Dung Quất, kể.

0MFfZC7Q.jpgPhóng to
Công trình đê chắn sóng (gói thầu 5A) trong ngày bão cuối năm 2004. Do “lình xình” trong liên doanh với Nga nên gói thầu này cũng dở dang đến ngày “khởi công lại” mới được tiếp tục- Ảnh: Trần Đăng

Sự cố 24 triệu USD

Khó khăn trong quá trình đầu tư đã đành, việc thi công ở Dung Quất cũng gặp phải một sự cố lớn mà sau này để khắc phục phải mất đến gần 24 triệu USD. Số là đầu năm 2002, trong lúc thi công gói thầu 5A thuộc hạng mục đê chắn sóng có tổng trị giá 476 tỉ đồng và 10,554 triệu USD thì nhà thầu là Công ty Lũng Lô (Bộ Quốc phòng) bất ngờ phát hiện một túi bùn nằm dưới độ sâu âm 25m thuộc phân đoạn cuối cùng của đê chắn sóng dài 1,6km.

Ngay sau khi phát hiện sự cố ngoài ý muốn, Petro VN đã mời tất cả chuyên gia, tư vấn kỹ thuật biển VN và quốc tế cùng ngồi lại để tìm “lối thoát” cho đê chắn sóng. Sau một thời gian dài nghiên cứu, tám giải pháp xử lý túi bùn được đưa ra, cuối cùng giải pháp nạo vét bùn và bơm cát vào thay thế đã được lựa chọn. Tháng 10-2005, ban quản lý dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã chính thức nghiệm thu công đoạn xử lý túi bùn đê chắn sóng Dung Quất. Gần 1 triệu m3 bùn dưới chân đê đã được hút bỏ thay vào đó là cát. Ngoài ra 500.000m3 đá hộc cũng đã được nhà thầu Van Oord (Hà Lan), đơn vị thi công, thả xuống biển để ổn định chân đê. Sự cố phát sinh này đã “ngốn” gần 24 triệu USD, khiến giá trị đầu tư của dự án tăng lên và gây xôn xao trong dư luận lúc bấy giờ.

Cũng theo nhà thầu Van Oord, đê chắn sóng Dung Quất thuộc một trong 10 con đê đồ sộ nhất thế giới, nhưng lại được xây dựng trên vùng biển có địa chất rất phức tạp, ngay dưới chân đê là một túi bùn lớn. Vì vậy để triệt tiêu bớt sức mạnh của những con sóng cao 15m, nhà thầu này đã sử dụng đến 21.500 khối bêtông chắn sóng Accropode (29 tấn/khối), đồng thời sử dụng đến cả thiết bị định vị vệ tinh để theo dõi việc lao thả các Accropode trong quá trình thi công. Đến ngày 17-6-2008, công trình đê chắn sóng Dung Quất đã được nghiệm thu đưa vào sử dụng. Theo tính toán của phó tổng giám đốc kỹ thuật - kiêm phó trưởng ban chạy thử Nhà máy lọc dầu Dung Quất Nguyễn Hoài Giang, tuổi thọ của công trình này không dưới 100 năm.

____________________

Trên nghị trường, những cuộc tranh luận về Dung Quất cũng tiếp tục kéo dài. Nhà máy lọc dầu Dung Quất là công trình duy nhất từ trước đến nay được Quốc hội ban hành tới hai nghị quyết.

Kỳ tới: Sóng gió trên nghị trường

ĐĂNG NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên