Có dịp chia sẻ với đồng nghiệp hoặc sinh viên thực tập tại cơ quan của mình, tôi đều nhắc đi nhắc lại ý này. Sở dĩ nhắc điều đó vì tôi nghe nhiều người thường tính toán từng chút một công việc ở sở làm, luôn cảm thấy thiệt hơn. Ngay khi tính toán, cân đo nặng đầu đó đã làm mình khổ, làm mình không còn tập trung vào công việc, giảm đi hăng say cống hiến, sáng tạo nên cũng biến mình thành người chai ì, khó phát triển.
Thật ra, nhiệm vụ ai nấy làm, đó là một sự nề nếp, văn minh nơi công sở để tránh chồng chéo. Tuy nhiên, có thể khuyến khích và hiểu về việc làm hơn những gì được giao thế này: mỗi người cần làm tốt việc của mình, hoàn thành đúng tiến độ, xuất sắc... và luôn cố gắng để không chỉ hoàn thành chỉ tiêu được giao mà phải hơn thế (càng cao càng tốt).
Phát huy khả năng, sức trẻ của mình cho công việc ở một thời điểm nào đó rất quan trọng, bởi có thể đó là cơ hội duy nhất, không đến lần nữa để chúng ta nắm bắt. Người quản lý và cơ quan của mình sẽ nhìn thấy những đóng góp của mình nên đừng sợ thiệt. Sự nhiệt tâm của mỗi thành viên làm hết việc chứ không phải làm cho hết giờ, làm hơn những gì được ấn định chứ không phải cho xong nhiệm vụ ở mức trung bình, đáp ứng yêu cầu để đủ lĩnh lương. Tất cả những điều ấy sẽ là động lực để thăng tiến, thành công mà không có gì phải hổ thẹn.
Khi chúng ta nỗ lực, không câu nệ việc anh, việc tôi, không tính toán trong khi làm việc thì có thể chúng ta không được trả công (bằng tiền) tương xứng với cống hiến, nhưng điều quan trọng hơn là mình thu về nhiều kỹ năng hay, cơi nới tâm hồn mình ra, rộng mở hơn.
Xét cho cùng, đi làm việc không chỉ là kiếm tiền, nuôi sống bản thân mà còn là học hỏi, rèn luyện kỹ năng; đồng thời trong khi làm việc là lúc chúng ta cảm nhận sâu sắc niềm vui trong công việc vì được làm việc mình cần, mình thích, có đóng góp cho bản thân, cho xã hội... Xác định rõ ràng như thế thì không có gì phải băn khoăn rằng tôi làm nhiều, bạn làm ít.
Thêm một bước nữa là không chỉ dừng lại ở việc hăng say làm, cống hiến mà việc tổ chức công việc, trung thực, chân thành đấu tranh với tiêu cực nơi mình làm nhằm kích thích mỗi người cùng tiến bộ, cùng xem cơ quan là “gia đình thứ hai”, đồng nghiệp là “anh em không cùng sinh một nhà” thì chúng ta sẽ có được một công việc hạnh phúc, góp tay xây dựng một cơ quan có chất liệu hạnh phúc.
Thật sự là như thế, nếu mỗi người cố gắng một cách tích cực, từng ngày, chân thành - đó không chỉ là lý thuyết suông, tôi nghĩ và tin sâu sắc như thế!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận