Lính thợ Việt Nam tại Pyrénées, Pháp - Ảnh tư liệu
Khi nói đến những người Việt bị cưỡng bách hay tình nguyện sang Pháp, người ta chỉ nghĩ đến con số 20.000 người ra đi để phục vụ cho "mẫu quốc" vào Thế chiến thứ hai. Con số 50.000 người sang Pháp vào Thế chiến thứ nhất bị lãng quên vì rất ít người biết đến.
Ở Pháp, mỗi quận, huyện, mỗi thành phố đều có một nhóm sử gia gồm các giáo sư tại chức hoặc đã hưu trí, họ họp nhau lại để tìm hiểu miền đất họ đang sinh sống.
Nhóm sử gia vùng Hautes-Pyrénées mà người đứng đầu là ông Paul Bouygard, đã sục sạo trong đống tài liệu lưu trữ của tỉnh và đã tìm thấy dấu chân người Việt trong vùng xa xôi hẻo lánh này: miền nam Pyrénées, giáp giới Tây Ban Nha.
Ông Paul Bouygard đã liên lạc với bà Liêm Khê Luguern, giáo sư tiến sĩ sử học chuyên về phong trào di dân Việt Nam vào Thế chiến thứ hai (tác giả Những người lính thợ Đông Dương, NXB Đà Nẵng), sau đó bà Luguern đã cung cấp cho người viết nhiều tư liệu và hình ảnh, đề nghị nên chuyển thông tin này đến quý độc giả Việt Nam.
Cùng với các học sinh của một trường trung học của thành phố, ông Paul Bouygard và các giáo sư đã quyết định làm sống lại giai đoạn lịch sử này bằng cách ghi lại những sinh hoạt của cộng đồng người Việt thời ấy trên bốn tấm pa-nô lớn, một cách tỏ lòng tri ân đối với những người phương xa đã đóng góp cho công việc gìn giữ quê hương của họ.
Tuổi Trẻ giới thiệu lại nội dung của bốn tấm bia này (những người Việt được gọi là người An Nam để phù hợp với thời điểm đó):
Lính thợ Việt Nam tại Pyrénées, Pháp - Ảnh tư liệu
Pa-nô số 1: Những người An Nam này là ai?
Người An Nam thuộc dân tộc Việt có nguồn gốc An Nam, vùng đất trung tâm của xứ này. Bị người Pháp đô hộ vào năm 1887. Mục đích của người Pháp là đến gần thị trường béo bở Trung Hoa và chiếm đất đai nông nghiệp. An Nam thuộc cơ cấu Đông Dương thuộc Pháp dưới chế độ bảo hộ.
Từ năm 1916 có 50.000 người Việt Nam, phần lớn là người An Nam (Trung Bộ) và người Tonkin (Bắc Bộ), hoặc vì nhu cầu cần thiết hay bị cưỡng bách đã đi đến chính quốc, họ được thu nhận vào ngành kỹ nghệ chế tạo vũ khí.
Vì họ đã đáp tàu ở Tourane (Đà Nẵng), một hải cảng nằm trong phần đất An Nam, nên người ta gọi họ là những người An Nam.
Mặc dù Trung Kỳ và Bắc Kỳ không thuộc về phần đất bảo hộ, trên nguyên tắc thì dân cư vùng này không bị đặt dưới chế độ trưng tập, thế nhưng lúc ấy thực dân Pháp ở Nam Kỳ cần đến dân "bản xứ" của thuộc địa Nam Kỳ để cung cấp nhân công cho các đồn điền cao su nên thiếu người. Ngoài ra, nạn đói ở miền Bắc đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc di dân này.
Pa-nô số 2: Tại sao những người An Nam lại đến Louron?
Trong Thế chiến thứ nhất (1914-1918), thanh niên chính quốc bị động viên ra chiến trận, nước Pháp cần nhân công của xứ Đông Dương.
Phần lớn nhân công này là người gốc An Nam (Trung Kỳ), nhưng cũng có nhiều người nguồn gốc Tonkin (Bắc Kỳ), họ đến Pháp để làm việc trong các nhà máy sản xuất vũ khí, nhất là xưởng chế tạo vũ khí ở Tarbes và nhà máy chế biến bột thuốc súng tại Toulouse.
140 người trong số những người làm việc ở nhà máy chế biến thuốc súng bị đưa về làm việc trong công trường thủy điện tại Louron vì sức khỏe yếu kém và cũng vì họ đã tham gia cuộc nổi dậy chống kỳ thị chủng tộc vào tháng 2-1918.
Ở Louron điều kiện sinh sống và làm việc của họ cực kỳ khó khăn. Những công nhân này đã xây một ống dẫn nước bằng bêtông khổng lồ dài đến 7 cây số.
Trong lúc làm việc tại Louron, 19 người trong số họ đã tử vong vào những ngày 15 và 30-8-1918 vì bệnh dịch sốt Tây Ban Nha. Bệnh dịch này đã làm chết 280.000 người trong nước Pháp và 30 triệu người trên hoàn cầu.
Pa-nô số 3: Những người An Nam và những người Pyrénées
Người An Nam thường sinh sống ở miền núi và nhất là sống nhờ vào nông nghiệp, vì chưa được cơ khí hóa nên khi làm việc đồng áng họ chỉ nhờ đến trâu. Do khí hậu khác nhau nên cách trồng trọt không giống nhau.
Người An Nam thường trồng lúa, nhiều cây ăn trái vì hoa quả, khoai tây và lúa cũng có thể dùng vào việc chăn nuôi cừu và bò. Ở Pyrénées họ khám phá ra tuyết, tìm ra cách trồng trọt và chăn nuôi trong một khí hậu rất khắc nghiệt và khác xa với xứ họ.
Sự hiện diện của những người An Nam không qua mắt được dân chúng làng Louron, vì ở đây người ta không có thói quen gặp những người lạ, nhất là những người lạ này đã đến từ một xứ rất xa.
Người An Nam sinh sống ở chính tại ngôi làng Cazaux-Debat này, trong những căn trại tiếp cận với công trường.
Riêng pa-nô thứ tư, các sử gia tập trung viết về thủy điện các thung lũng Aure và Louron, rằng nhà máy thủy điện ở đây được xây dựng vào năm 1917, cung cấp điện cho nhà máy sản xuất bột thuốc súng tại Lannemezan - nơi sản xuất đạn để cung cấp cho chiến trường, và cũng chế ra chất đạm, một hợp chất hóa học cần thiết trong việc chế biến chất nổ.
Bích chương hội thảo về lính thợ Đông Dương tổ chức tại Toulouse, Pháp
Louron là một thung lũng của dãy Pyrénées, gồm 14 xã thuộc Hautes-Pyrénées, vùng Occitanie (theo cải cách năm 2014).
Sau Thế chiến thứ nhất, dân Louron nhanh chóng lãng quên "những người An Nam" từng hiện diện tại địa phương của họ.
Năm 2008, nhà sử học Claude Lhermite kêu gọi bạn bè và cư dân Louron nhớ lại những người Việt Nam đã hi sinh cho nước Pháp.
Từ năm 2011, Hội những người bạn của Cazaux-Debat lần lượt đăng trên website những bài viết ghi nhận đóng góp của "những người An Nam".
Năm 2013, một tấm bia được dựng lên gần nơi tìm thấy thi thể hai lính thợ Việt Nam để vinh danh những người đã nằm xuống vì một cuộc chiến không liên quan đến họ.
Từ 2016, nhiều sự kiện liên quan đến lính thợ Đông Dương được tổ chức ở Hautes-Pyrénées, trong đó có triển lãm Lính thợ Đông Dương ở vùng Toulouse trong hai thế chiến và hội thảo 1918, 1940, những người Việt Nam ở Pyrénées.
Đặc biệt, kênh truyền hình France 3 đã thực hiện phóng sự "Những người An Nam của Cazaux-Debat hi sinh cho nước Pháp".
TRƯỜNG LÂN
Thế chiến thứ nhất (1914-1918) chủ yếu là xung đột quân sự giữa các nước đồng minh (Pháp, Anh, Nga và thuộc địa) với các đế quốc trung tâm (Đức, Áo, Hung và thuộc địa).
Ngoài 48.981 lính thợ Đông Dương được gửi đến các nhà máy để thay thế công nhân Pháp đang chiến đấu, Pháp đã điều 43.430 binh sĩ Bắc Bộ và Trung Bộ tham chiến.
Bốn tiểu đoàn bộ binh Đông Dương được thành lập: 2 tiểu đoàn ở mặt trận đông bắc chống quân Đức, 2 tiểu đoàn ở mặt trận phía đông chống quân Hi Lạp, Macedonia và Albania. Bốn tiểu đoàn này thỉnh thoảng cũng giáp mặt với quân Áo, Bulgaria.
Bốn tiểu đoàn Đông Dương được biên chế vào bốn trung đoàn khác nhau. Không một trung đoàn Đông Dương nào được thành lập vì e ngại.
Tuy nhiên, hành động của các binh sĩ Đông Dương trên chiến trường đã phủ định sự nghi ngờ này.
Trong 4 năm thế chiến, 1.123 binh sĩ Bắc Bộ và Trung Bộ đã ngã xuống vì lợi ích của nước Pháp. Điều này khiến lịch sử nước Pháp phải công nhận và biết ơn họ.
TRƯỜNG LÂN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận