![]() |
SV Trường ĐH Y dược TP.HCM trong giờ thực tập. Rất nhiều SV sẵn sàng bỏ học để nuôi giấc mơ được mặc áo trường y, mặc dù năng lực và điều kiện không phù hợp - Ảnh: Trần Huỳnh |
Chân trong chân ngoài!
“Tôi hiện là SV năm thứ nhất một trường ĐH. Trong đợt tuyển sinh ĐH năm 2004 này, tôi đã làm hồ sơ để thi lại vào ngành khác cùng trường. Nếu không trúng tuyển, tôi có thể tiếp tục theo học năm 2 ngành đang học hay sẽ bị buộc thôi học?”. Đó là nỗi lo của không ít SV đang theo học các trường ĐH, CĐ có ý định bỏ ngành đang học chuyển sang ngành khác, trường khác.
Bỏ học giữa chừng như vậy cũng có nghĩa là bỏ phí mất một năm (hoặc nhiều năm) với bao nhiêu công sức học tập, cơm áo gạo tiền để làm lại từ đầu. Trong khi đó, chính họ cũng đang hết sức băn khoăn không chắc mình có đủ khả năng trúng tuyển vào đúng ngành mơ ước.
Bạn gái ở địa chỉ thanhvan@... tâm tư: “Tôi là SV ngành quản trị kinh doanh, học lực trung bình thôi. Học hết một năm tôi vẫn không rõ học xong sẽ làm gì, hình như tôi không hợp với ngành đang học. Tôi đang muốn thi vào ngành thiết kế thời trang nhưng không biết ngành này có dễ đậu không, ra trường xin việc ở đâu?”.
Hầu hết SV diện này đều có chung thắc mắc: nếu trúng tuyển có được bảo lưu và chuyển điểm những môn đã học sang ngành mới, thủ tục xin chuyển điểm như thế nào? Nhiều trường hợp SV còn nhờ nhà trường xác nhận hồ sơ dự thi để dự thi vào trường khác! Khi nhà trường từ chối không xác nhận, nhiều SV vẫn không hiểu trường làm như vậy là đúng hay sai?!
Theo qui chế tuyển sinh ĐH, CĐ, SV đang học tại các trường đào tạo nếu chưa được hiệu trưởng cho phép sẽ không được dự thi tuyển sinh vào trường khác. Nhưng trên thực tế, các trường chưa từng ký giải quyết cho bất kỳ trường hợp nào đang học tại trường mình được dự thi vào trường khác. Theo các trường, việc tự ý bỏ học để thi vào trường khác là vi phạm qui chế thi nên đương nhiên không thể có chuyện bảo lưu kết quả hay chuyển kết quả học tập sang trường khác cho những trường hợp này.
Nhưng trên thực tế ở nhiều trường ĐH, CĐ, từ học kỳ II năm 1 đến đầu năm 2 có rất nhiều SV bỏ học để thi lại vào trường khác, ngành khác cho có vẻ “sáng giá” hơn. Nói như TS Lâm Mai Long, hiệu phó Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM: “Nhiều trường hợp năm đầu tiên thí sinh không dám thi hoặc không đủ điểm vào những ngành điểm chuẩn cao, nhưng năm sau thấy tiếc muốn thi lại. Điều đó các trường không cấm được nhưng không thể khuyến khích các trường hợp này”.
Nhiều trường ĐH cho biết nếu phát hiện SV nào đang học tại trường dự thi vào ngành khác, việc đầu tiên nhà trường sẽ thực hiện là... xóa tên SV đó ở ngành đang học và gửi giấy báo về địa phương. Đó là một biện pháp khá cứng rắn, nhưng nếu SV không thi lại vào một ngành của trường mình mà lại khăn gói dự thi vào trường khác thì các trường đành bó tay, rất khó phát hiện!
Trong điều kiện đó, hầu hết SV đều chọn phương án học theo kiểu “chân trong chân ngoài”, tức vừa học năm 1 vừa luyện thi ĐH. Hậu quả của kiểu học này đã được chứng minh trên thực tế: nhiều trường hợp vừa rớt ĐH vừa phải đóng tiền học lại hàng loạt môn trong chương trình ĐH! Thậm chí có trường hợp còn đáng buồn hơn: vừa học vừa luyện thi 2-3 năm liền, kết quả học ĐH yếu kém dẫn đến bị buộc thôi học; cuối cùng là “trắng tay” mất cả chì lẫn chài!
Giải quyết ra sao?
Trên thực tế, với một số trường hợp đặc biệt, nhiều trường ĐH, CĐ cũng giải quyết chuyển ngành cho một số SV ngay từ khi nhập học vào trường nếu xét thấy ngành đã trúng tuyển không phù hợp với giới tính, điều kiện riêng của SV. Trong những trường hợp này SV được xin chuyển sang những ngành còn chỉ tiêu tuyển, tất nhiên SV đó phải có tổng điểm thi không thấp hơn điểm chuẩn ngành định chuyển đến. Ngay cả khi đã hết năm 1, với những SV có lý do chính đáng, các trường vẫn có thể giải quyết cho họ chuyển ngành. Như Trường ĐH Nông lâm TP.HCM vẫn giải quyết cho những trường hợp chuyển ngành nếu trong năm 1 SV học tập nghiêm túc, đạt kết quả học tập khá cao và phải có sự đồng ý của hai trưởng khoa (khoa chuyển đi và khoa chuyển đến)…
Tất nhiên, trong nhiều trường hợp cụ thể, theo TS Lâm Mai Long: “Nếu chưa được học ngành mình mong muốn, SV cứ yên tâm học tốt ngành mình đã trúng tuyển. Không thể so sánh ngành nào hơn ngành nào. Học ngành nào cũng có ích cho xã hội, vấn đề là ngành đó có hợp với mình không…”. Hiện nay học bằng hai, học tại chức, liên thông... cũng là những hướng mở thuận lợi cho mọi người có điều kiện học thêm đúng ngành, đúng trường mình mong ước.
Tuy nhiên, trên thực tế cũng có nhiều trường hợp SV tốt nghiệp ĐH, CĐ nhưng phải đi học bằng hai hoặc thi lại vào trường khác, ngành khác do không tìm được việc làm hoặc không có năng khiếu, không phù hợp với ngành đã học. Có những SV khi ngồi vào ghế giảng đường rồi mới cảm nhận hình như mình đã chọn nhầm nghề nhưng để quyết định chuyển hướng nghề nghiệp lại không đơn giản chút nào!
Chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng hầu như ở tất cả các trường đều phải chấp nhận tình trạng SV học trong tâm thế nhấp nhổm, không yên tâm với ngành mình đã chọn. Thêm nhiều minh chứng nữa để nhận ra rằng cần phải lấp đầy khoảng trống trong công tác hướng nghiệp từ bậc học phổ thông để các bạn trẻ bớt phải chọn nhầm nghề trước ngưỡng cửa vào đời.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận