Tìm giải pháp sống chung với lũ:
Là người dân miền Trung, đã đi qua biết bao cơn lũ dữ mỗi năm là chuyện thường như một nghiệp dĩ, đặc biệt là cơn đại hồng thủy năm 1999 tại tỉnh Thừa Thiên Huế, năm 2000 tại Quảng Nam, 2009 tại Phú Yên và mới đây là 2010 tại Quảng Bình.
Tôi nghĩ rằng những thiệt hại cứ lặp đi, lặp lại mà chúng ta có thể “hạn chế” được cũng bởi do yếu tố chủ quan của người dân, của các ban ngành chức năng…, là sự khắc nghiệt không ngờ của thiên nhiên ngày càng hung dữ.
Đến với “2 cánh tay” kêu cứu || Tìm giải pháp sống chung với lũ || Bài học phá rừng |
Phóng to |
Cụ Nguyễn Tụy (85 tuổi) bên căn nhà đổ nát tại xóm Dừa, phường Xuân Yên, TX Sông Cầu, Phú Yên sau cơn lũ lịch sử tháng 11-2009 (ảnh: Ngô Phước Tuấn) |
Lũ lụt mỗi năm mỗi lớn, khắc nghiệt và kéo dài hơn khiến chúng ta cần nhận thức rỏ trách nhiệm cách phòng trách hơn nữa. Không thể nói người dân miền Trung chúng tôi không có kinh nghiệm sống chung cùng lũ lụt.
Có thể chứng minh rằng việc sống chung cùng lũ lụt đã được cha ông xưa đúc kết với những kết cấu ngôi nhà xưa một cách rõ nét. Nhà nào cũng có những căn gác lửng gần mái (người dân miền trung gọi là tra), những thức ăn như cốm gạo, mì tôm vẫn được dự trữ trong nhà mỗi mùa mưa lụt đến.
Cứ mưa to, nước dâng là cả nhà gồm 6-10 người từ ông bà, bố mẹ, con cái lại lên tra ngồi mà không lo gì cả với những thứ dự trữ đã có sẵn mỗi khi mưa lớn kéo về. Sau trận lũ lịch sử năm 1999 thì những cái tra ấy có vẻ không còn giá trị nữa khi dòng nước đã lên hơn chóp mái nhà thì người dân quê tôi đã nhận thức được cần có những biện pháp xa hơn, với tầm nhìn rộng hơn vì “lũ lụt càng ngày càng khắc nghiệt - nước về nhanh hơn, cao hơn và lâu hơn”.
Thế rồi sau cơn lụt năm 1999, quê tôi cũng dần dần xây nhà theo kiểu chóp mái đã có thêm mái hiên bằng để mỗi mùa lụt về có thể thoát ra dễ dàng nếu nước dâng lên cao. Mỗi xóm hầu hết điều có những con thuyền lớn để khi lụt về có thể chuyển người lên phía cao hơn một cách nhanh chóng. Và tôi nghĩ ở mỗi vùng quê miền trung nào cũng vậy.
Tuy nhiên, số người thiệt mạng, tài sản bị cuốn trôi theo lũ không chỉ là trách nhiệm của mỗi cá nhân, cấp chính quyền mà đó chính là những dự báo không đến được với người dân, những “căn cốt nguyên do” vẫn chưa giải quyết như phá rừng, thủy điện… Và mỗi khi những cơn lũ đi qua, nhìn những đống đổ nát thì người dân chỉ thốt lên “không ai ngờ”.
Miền Trung quê tôi giờ đây vắng vẻ thanh niên lắm vì ai ai cũng đi làm xa. Và chính vì điều đó mà mỗi khi lụt về, trong xóm cũng chẳng còn bao nhiêu thanh niên trai tráng mà chuyền đồ giúp người dân. Đọc tin 2 em bé còn rất nhỏ tuổi tại xã Quảng Minh, Quảng Trạch, Quảng Bình đã cố gắng lắm mới đẩy bà cố và bà ngoại lên tra khi nước lên mới thấy lực lượng trai tráng hầu như không còn nhiều. Chính vì thế, mỗi thôn cần lập ra một đội ứng cứu do Đoàn thanh niên phụ trách với thuyền, áo phao… để mỗi khi mùa lụt về thì sẽ “ứng cứu” nhanh hơn, hạn chế thiệt hại cho bà con.
Tuy nhiên điều quan trọng vẫn là hệ thống phòng chống lụt bão của mỗi địa phương hoạt động vẫn chưa có hiệu quả, lực lượng quá mỏng, cơ sở vật chất hạn chế và trách nhiệm vẫn chưa cao. Và mong rằng bà con quê mình hãy di tản sớm hơn khi nước lụt đổ về.
Bài viết hiến kế giải pháp sống chung với lũ hoặc những vấn đề liên quan đến thiên tai, xin vui lòng gửi qua địa chỉ email tto@tuoitre.com.vn. Trân trọng cảm ơn quý độc giả. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận