09/10/2010 11:13 GMT+7

Đi tìm giải pháp sống chung với lũ

VĨNH PHÚ
VĨNH PHÚ

TTO - Câu chuyện lũ lụt hằng năm ở miền Trung với những tổn thất khó lường gây xúc động lớn trong bạn đọc. Có giải pháp nào hạn chế những thiệt hại do thiên tai - đặc biệt là lũ lụt - gây ra? Có phương thức gì bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân khi lũ về? Có cách nào bảo đảm khi nước lên những vùng cô lập không thiếu, đói...

Đến với “2 cánh tay” kêu cứu || Lũ lớn và bài học phá rừng || Trở lại "rốn lũ dữ dội"

zNiE2yc9.jpgPhóng to
Đây là hai em bé, những nhân vật chính của bức ảnh "hai cánh tay kêu cứu" do PV Tuổi Trẻ chụp được tại Quảng Bình - Ảnh HỮU KHÁ

Bạn đọc Vĩnh Phú đã đề nghị Tuổi Trẻ Online nên mở một diễn đàn "sáng kiến phương án giúp đồng bào miền Trung chống lũ" với bài viết đầy xúc động dưới đây. Thực tế, những diễn đàn, tọa đàm, hội thảo đi tìm giải pháp sống chung với lũ đã được đề cập nhiều lần trên các phương tiện thông tin đại chúng, và dĩ nhiên, trên cả báo Tuổi Trẻ. Nhưng để sống chung với lũ một cách an toàn, cho đến giờ vẫn chưa có nhiều giải pháp khả thi...

Rất mong bạn đọc, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp... cùng góp thêm giải pháp sống chung với lũ không chỉ ở miền Trung. Góp ý xin gửi về địa chỉ email tto@tuoitre.com.vn.

Dưới đây là bài viết của bạn đọc Vĩnh Phú.

Đọc bài viết tôi như nghẹn lại, thấy thương quá hai em nhỏ đang đối mặt với hiểm nguy, đang đứng trước ranh giới giữa sự sống và cái chết. Trong suốt mấy ngày qua, tôi thường xuyên theo dõi những tin tức trên báo đài về tình hình mưa lũ ở miền Trung. Và năm nào người dân miền Trung cũng phải gánh chịu những trận mưa lũ đầy đau thương như thế.

Càng đọc tôi lại càng suy nghĩ, đây là những thảm họa được báo trước nhưng không lẽ chúng ta lại đành bó tay! Những hình ảnh trên cảnh báo cho ý thức con người về bảo vệ môi trường sống của chúng ta. Chúng ta phải có một hành động gì đó mạnh mẽ hơn nữa trong vấn đề bảo vệ môi trường. Hiện tượng chặt phá rừng, cần được trừng trị nghiêm khắc như là một tội ác, vì chính họ là thủ phạm gián tiếp giết chết những người dân vô tội.

Bên cạnh việc cứu đói, thì một giải pháp cấp thiết cần phải làm ngay là phải nghĩ ra một phương án hữu hiệu để đối phó với tình trạng lũ lụt hàng năm. Như làm nhà tránh lũ dự phòng cho cộng đồng chẳng hạn. Những ngôi nhà này được xây kiên cố, ở vị trí cao, theo cụm tuyến dân cư làm sao cho dân dễ sơ tán đến đó nhất. Nhà này phải làm sao tránh được mức lũ cấp cao nhất - những số liệu này chúng ta đã có. Nguồn kinh phí huy động từ cộng đồng xã hội.

Thiết nghĩ nếu chúng ta đi trước một bước trong đối phó với bão lụt thì thiệt hại về người và của sẽ giảm đi đáng kể. Trong đó đáng quan tâm nhất là thiệt hại về người. Tôi thấy cứ để hàng năm chúng ta vận động quyên góp giúp đỡ đồng bào, mà chưa có một giải pháp, thì năm sau lại tiếp tục quyên góp ủng hộ, và nghe những câu chuyện và những cái chết đau lòng.

Thời xưa, người đồng bào dân tộc làm nhà sàn là để tránh thú dữ, bảo vệ tính mạng con người. Thì nay chúng ta cũng có thể vận dụng kiểu nhà này để làm nhà tránh lũ. Nhưng những chiếc cột và móng nhà phải được xây dựng bằng bê tông cốt thép vững chắc. Có làm được như thế, và có thể còn nhiều giải pháp nữa được đưa ra để giúp đỡ đồng bào.

Tại sao báo Tuổi trẻ không mở một đàn: “Sáng kiến phương án giúp đồng bào miền Trung chống lũ”, chẳng hạn để lấy ý kiến, sức mạnh, nguồn lực và đóng góp trong xã hội để giúp đỡ đồng bào miền Trung. Giải quyết được vấn đề này mới thật sự là giải quyết vấn đề tận gốc. Tôi mong chờ và hi vọng điều này ở Tuổi trẻ.

VĨNH PHÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên