Công nhân Nhà máy Lọc dầu Dung Quất làm động tác khởi động thể dục trước khi vào làm việc - Ảnh: Trần Mai |
Tập luyện thể thao giúp điều hòa được các rối loạn cơ thể, điều chỉnh được các bệnh lý do tư thế làm việc không thuận lợi gây nên. Và tập luyện giúp công nhân tăng sức chịu lực, sức đề kháng của cơ thể, đặc biệt là các bộ phận của cơ thể như đầu, cột sống cổ, lưng, tay, chân, vai, gối... |
“Đến giữa giờ làm việc thì có bài hát thể dục vang lên, khi đó mọi người phải dừng làm việc và bắt đầu tập những động tác thể dục đơn giản, thời gian tập khoảng 5-10 phút. Điều này giúp công nhân vui vẻ, sảng khoái, giãn cơ, lưu thông máu, đồng thời nâng cao hiệu suất lao động" |
Các bác sĩ cho biết tập luyện thể dục thể thao mỗi ngày không chỉ dành cho những người làm công việc ít vận động cơ thể. Công nhân dù lao động nặng hay nhẹ vẫn phải tập luyện thường xuyên mới có sức bền để làm việc.
Bệnh nghề nghiệp tăng
Các bác sĩ cho biết công nhân luôn phải đối mặt với rất nhiều bệnh nghề nghiệp, tuy nhiên cái khó là họ không tập luyện gì thêm sau giờ làm. Nhiều công nhân cho biết họ “làm việc như cái máy, thời gian đâu mà vận động”.
Chị Ngọc Lợi, 24 tuổi, hiện là công nhân Khu chế xuất Tân Thuận, Q.7, TP.HCM. Chị Lợi cho biết chị phải ngồi suốt trong lúc làm việc, đôi khi phải tăng ca để kiếm thêm thu nhập, thời gian đi vệ sinh coi như là... vận động đối với chị. Tương tự, chị Nguyễn Lê Uyên (TP.HCM) nói: “Tôi năm nay 35 tuổi, làm công nhân may, thường xuyên phải ngồi một chỗ. Thời gian gần đây tôi hay bị đau thắt lưng, có khi đau nhiều không cúi được”.
Tuy nhiên, cũng có nhiều công nhân cho biết họ luôn cố gắng sắp xếp thời gian để duy trì tập luyện.
Anh Nguyễn Văn Lành (36 tuổi, quê An Giang) là công nhân của một công ty nhựa trên địa bàn Q.11 (TP.HCM). Do đặc trưng công việc phải đứng, làm việc bằng hai tay nhiều nên giai đoạn đầu làm công nhân anh luôn mệt mỏi sau giờ làm việc.
Vốn là người yêu thích môn bóng đá, nên anh Lành đã vận động các công nhân tham gia đá bóng sau giờ làm. Công ty anh có khoảng 40 công nhân, chia ra nhiều công đoạn để sản xuất các sản phẩm liên quan, lúc nào tan ca cũng muộn. Thời gian các anh đá bóng khoảng 20h30 mỗi ngày. Việc cùng nhau đá bóng được các công nhân duy trì nhiều năm qua như một thói quen, nên sức khỏe luôn được cải thiện.
Anh Nguyễn Văn Tuyển - 27 tuổi, làm việc tại một công ty điện tử thuộc Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2, Đồng Nai - cũng chơi bóng chuyền hằng ngày ở công ty vào giờ nghỉ. Thói quen này anh đã duy trì 3 năm nay. Công ty có sân bóng chuyền nên mọi người thường ra tập vào giờ giải lao. Ngày nào cũng chơi. Còn bóng đá thì mỗi tuần chơi một lần, khi rảnh thì tuần đá hai, ba lần.
Tránh quan niệm sai lầm
Bác sĩ Trương Công Dũng - Hội Nội soi cơ xương khớp TP.HCM - cho biết công nhân hay phải ngồi hoặc đứng một chỗ quá lâu, dễ mắc phải những căn bệnh như giãn tĩnh mạch chân, đau lưng, thoái hóa khớp, cột sống cổ...
“Những người làm công việc đòi hỏi đứng hoặc ngồi một chỗ trong thời gian dài sẽ bị giảm lưu thông máu, vòng tuần hoàn cung cấp oxy, các chất dinh dưỡng, gây đau lưng... Đồng thời máu trong các tĩnh mạch chân bị ứ lại, làm tăng áp lực trong các tĩnh mạch, gây ra bệnh giãn tĩnh mạch ở chân” - bác sĩ Dũng nói.
Bác sĩ Phan Vương Huy Đổng - phó chủ tịch Hội Y học thể thao TP.HCM - cho rằng với nền công nghiệp sản xuất hiện đại, hầu hết công nhân bây giờ làm theo dây chuyền với tốc độ ổn định. Công nhân không được tự ý ngừng nghỉ, trừ khi nghỉ giữa ca, giữa giờ, khác với người làm văn phòng khi mệt mỏi có thể đứng lên vươn vai, đi lại tầm 5 phút. Và công nhân thường làm việc trong tư thế không thoải mái, không thuận lợi với thời gian kéo dài. Do đó, họ phải tuân thủ tiêu chí: lao động nhiều chừng nào phải tập luyện nhiều chừng ấy.
Bác sĩ Nguyễn Đức Thành - phụ trách khoa vật lý trị liệu và phục hồi chức năng Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM - cho biết làm việc sai tư thế hay giữ nguyên một tư thế trong thời gian dài gây ra nhiều bệnh về cột sống, cơ xương khớp. Quan trọng là tuyên truyền giáo dục sức khỏe cho công nhân và những người làm quản lý, cần khuyến khích, tạo điều kiện cho công nhân vận động thay đổi tư thế trong khi làm việc. Bên cạnh an toàn lao động thì chú ý tư thế đúng trong làm việc.
Ngoài ra, công nhân cần tránh quan niệm sai lầm: “Tôi làm việc nặng nhọc là vận động rồi nên không cần tập luyện nữa”. Bác sĩ Thành nhấn mạnh quá trình làm việc dù có vận động nhưng không phải là tập luyện và không thay thế được cho tập luyện.
Công nhân trong Khu công nghiệp Nhơn Trạch (Đồng Nai) chơi bóng chuyền sau giờ làm việc - Ảnh: NVCC |
Nên tập luyện trước giờ đi làm
Các khu công nghiệp, xí nghiệp cần có chương trình tập thể dục buổi sáng cho công nhân trước khi bắt đầu làm việc.
Theo bác sĩ Đổng, công nhân tập luyện trước khi đi làm khoảng một giờ. Các bác sĩ khuyên nên tập luyện những bài tập đơn giản và có tính chất tăng độ bền, ví dụ như đi bộ ngoài công viên, đi bộ trên máy hay đạp xe trên máy, tập tại chỗ từ 30 phút đến 1 giờ. Ngoài ra, có thể tập theo các động tác bài thể dục buổi sáng. Ngày nghỉ cuối tuần nên tập thêm một môn thể thao yêu thích như đánh cầu lông, bơi lội, bóng đá, bóng chuyền...
Bác sĩ Thành cho rằng ban lãnh đạo các khu công nghiệp cần tổ chức bài bản những buổi tư vấn về tầm quan trọng của vận động đối với sức khỏe mọi người, đặc biệt là công nhân. “Việc đầu tư sức khỏe cho công nhân hãy là điều bắt buộc trong các khu công nghiệp, xí nghiệp...” - bác sĩ Thành nói.
Bài tập nhón gót khi làm việc Công nhân nên tập những động tác đơn giản trong vài phút mà mang lại hiệu quả rất cao như đứng dậy rồi nhón gót chân lên (người đứng bằng gót chân) và hạ gót chân cho chạm mặt đất, lặp lại động tác này 10 lần. Nếu không đứng tập được, bạn ngồi tại chỗ, các ngón tay đan chéo nhau, tay duỗi thẳng và lòng bàn tay quay hướng trước mặt, kết hợp với lắc cổ qua phải qua trái. Những bài tập này giúp lưu thông máu cho cổ chân, gót chân, bắp chân đồng thời giãn cơ, chống suy tĩnh mạch, giảm đau lưng. Không cúi khom lưng khi bê vật nặng Các chuyên gia nhấn mạnh trong quá trình làm việc, nhiều người làm việc không đúng tư thế, đặc biệt là khi khiêng vác, bê vật nặng. Để tránh bị đau lưng, tổn thương cột sống, khi bê vật nặng không được khom lưng mà phải ngồi xuống và chịu lực vào đôi chân, bê vật lên bằng lực của tay và chân rồi đứng dậy. Chú ý phải giữ cột sống thật thẳng. Khi bê lên, giữ vật đó càng sát vào thân người càng tốt, không đưa ra trước nhiều quá và không bê vật nặng quá sức. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận