16/09/2017 15:53 GMT+7

Đừng nên ăn quá mặn

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đắk Lắk
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đắk Lắk

Muối là một gia vị không thể thiếu trong chế biến các món ăn hàng ngày, nhưng nếu ăn quá nhiều sẽ rất nguy hiểm.

Đừng nên ăn quá mặn - Ảnh 1.

Bởi với chế độ ăn mặn, chúng ta có nguy cơ bị tăng huyết áp với các biến chứng nặng nề như: đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, người trưởng thành mỗi ngày chỉ nên sử dụng ít hơn 6g muối, nếu ăn nhiều hơn thì được gọi là ăn mặn. 

Người Việt Nam ở một số vùng miền có thói quen ăn mặn, ăn cơm phải có nước mắm, dưa, cà… lượng muối trung bình mỗi người tiêu thụ từ 18 – 22g/ngày. Như vậy, lượng muối ăn đã nhiều gấp 3-4 lần so với khuyến cáo.

Không chỉ dùng nhiều muối từ nước chấm có trong bữa ăn chính, việc dùng trái cây chấm muối cũng làm chúng ta vô tình nạp muối vào cơ thể. Sở thích ăn mặn của người Việt còn được thể hiện rõ nét trong những món ăn vặt "giàu muối" không thể bỏ qua như các loại cá khô, mắm, bánh mặn… 

Đặc biệt, do tiết kiệm thời gian, thực phẩm chế biến sẵn đang là ưu tiên hàng đầu của nhiều người trong mỗi bữa ăn. Ít ai biết được rằng, loại thực phẩm này là một "mỏ muối" vì muối được dùng trong các thực phẩm này rất nhiều để bảo quản thực phẩm được lâu.

Với chế độ ăn nhiều muối, nước sẽ được giữ lại trong lòng mạch làm tăng thể tích máu lưu thông, làm tăng áp lực máu trong lòng mạch dẫn tới tăng huyết áp.

 Việc sử dụng quá nhiều muối dẫn đến một số bất lợi khác đối với sức khỏe như: giữ nước trong các bệnh suy tim, thận nhiễm mỡ; phù chu kỳ, phù trước kỳ kinh nguyệt, phù vô căn; tăng co thắt, kích thích cơn hen suyễn…

Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy, chế độ ăn nhiều muối làm gia tăng tần suất mắc bệnh tăng huyết áp rõ rệt. Người dân ở vùng biển có tỷ lệ mắc bệnh tăng huyết áp cao hơn nhiều so với những người ở đồng bằng và miền núi.

Để hạn chế ăn mặn, đồng thời vẫn duy trì được cảm giác ngon miệng, cần tập ăn nhạt từ từ, không giảm đột ngột, trừ trường hợp một số bệnh lý mà bác sĩ chỉ định là phải ăn nhạt ngay.

Chúng ta nên bắt đầu giảm muối trong bữa ăn từng ít một bằng cách pha loãng nước chấm, hoặc chọn nước chấm có công thức giảm muối, nêm các thức ăn nhạt hơn thói quen ăn uống bình thường; tăng cường thêm nhiều loại gia vị khác nhau để tạo cảm giác bớt nhạt nhẽo như cho thêm vị chua, cay, ngọt.

Giảm lượng muối tiêu thụ dưới 5g/ngày bằng cách chọn thực phẩm tươi, sống để nấu thức ăn thay vì dùng thực phẩm chế biến sẵn như mì ăn liền, giò chả, lạp xưởng, đồ hộp… Chú ý với những loại thức ăn nhanh, những món ăn công nghiệp luôn có lượng muối khá cao. Không trữ các món mặn khô trong nhà.

Đối với trẻ em, chúng ta cần tập cho trẻ thói quen ăn nhạt ngay từ khi còn nhỏ để hạn chế các hiểm họa bệnh tật do ăn mặn gây ra.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đắk Lắk
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên