Bên cạnh đó, không ít nhà chuyên môn cho rằng các nhà quản lý thể thao đã bị bệnh thành tích làm mờ mắt, dẫn đến việc vắt kiệt sức Ánh Viên. Cụ thể, ở tuần đầu tháng 6 này, Ánh Viên đã dốc sức ở Giải vô địch bơi lội các nhóm tuổi Đông Nam Á 2013 tổ chức ở Brunei, đoạt được 11 HCV. Trước và ngay sau giải này, người ta chỉ nghe các HLV nói rằng sau giải đó, Ánh Viên sẽ dự tiếp Đại hội thể thao trong nhà châu Á tại Hàn Quốc (đang diễn ra), chứ không hề nghe đến đại hội thể thao học sinh. Vậy mà, đùng một cái lại thấy Ánh Viên tham gia sân chơi của học sinh, đoạt 8 HCV rồi vội vã leo lên máy bay sang Hàn Quốc!
Riêng mình, tôi lại quan tâm đến chuyện học hành của Ánh Viên. Hỏi một giảng viên bơi lội của Trường đại học TDTT 2 (Q.Thủ Đức) thì được biết: Cách đây vài năm, khi phát hiện Viên là một VĐV có tiềm năng, Cần Thơ đã đồng ý chuyển cô lên sinh hoạt tại Trung tâm HLTT quốc gia 2 (Q.Thủ Đức - chung cơ sở với Trường đại học TDTT 2). Khi ấy, Ánh Viên đang học lớp 9. Thế bây giờ Viên học lớp mấy? Vị giảng viên này cho biết:”Thì vẫn như thế thôi, chứ lịch đi thi đấu, tập huấn liên miên thế thì sao học được”.
Gần 17 tuổi, nhưng chỉ mới học lớp 9, thế thì nên vui hay buồn đây? Nhìn ở khía cạnh thành tích thể thao, đây là một câu chuyện vui vì cô gái đến từ Cần Thơ này đã hi sinh rất nhiều để có thành tích tốt. Nhưng nhìn về góc độ một con người trong xã hội mà cái sự học văn hóa đang được đề cao, đây lại là câu chuyện buồn. Từ chuyện buồn này, đã chợt nảy ra câu hỏi: Tại sao thể thao chúng ta không dung hòa được như các nước tiên tiến, đó là học cũng tốt và chơi thể thao cũng tốt?
Ở VN, chuyện này là bất khả thi. Chỉ có thể chọn một trong hai con đường, hoặc thể thao hoặc học văn hóa. Chung quy cũng bởi chương trình học quá nhiều môn, dàn trải, khác hẳn với các nước tiên tiến. Vì vậy, trong một lần trò chuyện cùng đôi vợ chồng nổi tiếng của làng bơi VN Đỗ Trọng Thịnh - Kiều Oanh, khi hỏi hai con trai của họ có theo nghiệp ba mẹ không? Cả hai cùng lắc đầu và nói: Học văn hóa đã đủ bở hơi tai, lấy thời gian đâu nữa mà bơi!
Không giải quyết được khâu then chốt về chương trình học, đừng bao giờ mơ phát triển thể thao học đường đúng nghĩa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận