![]() |
Một góc lều trọ học dọc con sông Lò của các em học sinh Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa) |
Từ chuyện dựng lều trọ học...
Buổi chiều nơi núi rừng trời vẫn khô khốc, tôi cùng thầy Phạm Bá Nhoan - hiệu phó Trường THPT Quan Sơn - đi một vòng quanh khu nội trú đặc biệt của nhà trường.
Trước mắt tôi là một dãy dài những túp lều được làm bằng luồng, lợp lá kè, lá cọ dựng sơ sài, san sát. Khi qua phòng em Lương Thị Nhịn (dân tộc Thái, ở xã Trung Thượng) đúng lúc em đang chuẩn bị bữa cơm trưa. Khói nghi ngút lan ra từ những túp lều thấp lè tè như lều vịt cuộn xuống mặt sông.
Ngơ ngác nhìn chúng tôi trong giây lát, em Nhịn kéo vội tấm liếp (tạm gọi là cửa được làm bằng các cây nứa đập ra) mời chúng tôi vào lều. Căn lều chưa đầy 3m2 là chỗ ở của 3-5 em trọ học tùy từng năm, đồ dùng hết sức thiếu thốn.
Em Nhịn là người kiệm lời, thầy giáo động viên mãi em mới thổ lộ: khi thi đỗ vào Trường THPT Quan Sơn cũng là lúc bố mẹ em lo lên rừng chặt luồng, nứa, lá kè mang xuống trường làm lều cho em trọ học.
Hai năm qua em đã quen sống với căn lều trong nỗi xa gia đình và thiếu thốn trăm bề. Em cho biết chỉ còn một học kỳ nữa là ra trường và “em sẽ để lều lại cho các bạn khóa sau”.
Cách phòng em Nhịn vài chục mét, một tốp học sinh nam đang lúi húi bổ củi, nhặt rau. Cuộc sống xa gia đình từ năm lớp 6 tạo cho các em tính tự lập sớm. Trên khuôn mặt các em hằn lên nỗi lo toan đời thường.
Ở nơi rừng xanh, non cao, em nào cũng canh cánh nỗi lo cháy lều vào mùa khô, còn mùa mưa thì không lường trước được. Những cơn mưa rừng thịnh nộ bất chợt ập xuống thung lũng bất cứ lúc nào, sẵn sàng cuốn phăng đi những túp lều nằm chênh vênh nơi mép sông Lò. Cứ sau mỗi kỳ nghỉ hè, lúc lên trường ngoài quần áo, sách tập, thức ăn, mỗi em lại “cặp nách” theo vài cây luồng, cây nứa, dăm bó lá kè, lá cọ để sửa sang lại lều.
Các lều ở tản mát, nhà trường rất khó quản lý, nên vào buổi tối nhiều khi các em còn phải đối phó với thanh niên, trai bản “ghé thăm” quấy phá các em. Nhiều tay bặm trợn sẵn sàng đòi... “ngủ thăm” ở các lều của học sinh nữ, học sinh nam phải kéo đến... giải vây. Khó khăn là thế nhưng các em vẫn bám lấy trường, bám lấy lều trọ học...
![]() |
Miệt mài bên bàn học trong căn lều chưa đầy 3m2 |
Đi dọc con sông Lò vào mùa nước cạn, những căn lều trọ học của gần 500 học sinh Trường THPT Quan Sơn cứ ám ảnh mãi trong tôi. Rẽ xuống triền sông, tôi đẩy cửa bước vào căn lều lụp xụp.
Một học sinh cao to đang ngồi ôn bài bên ánh sáng lờ mờ, tôi trông khuôn mặt rất quen. Và tôi nhận ra em là Thao Văn Di - dân tộc Mông (ở bản Xía Nọi, xã Sơn Thủy), người tôi đã gặp cách đây ba năm trong một buổi làm việc với Trường THCS dân tộc nội trú Quan Sơn.
Ngày ấy Di học lớp 9, gia đình cứ bắt ở nhà cưới vợ rồi đi làm nương, làm rẫy, đi săn con thú trong rừng. Nghe lời khuyên của thầy cô, Di không bỏ học mà còn vận động được bốn bạn ở bản Ché Lầu, bốn bạn ở bản Mùa Xuân (đều là người Mông) đến học tại trường THPT của huyện.Hiện Di đang học lớp 12. Em có năng khiếu văn nghệ, thể dục thể thao vào loại nhất nhì của trường.
Gặp lại tôi Di mừng lắm. Di nắm chặt tay tôi lắc lắc kiểu người Mông và nói: “Nhà báo đừng viết về người Mông chúng tao ngại học cái chữ nữa nhé! Trên bản tao bây giờ học hết THPT là chuyện bình thường. Riêng tao, cứ mỗi lần nhìn màu áo xanh của các anh lính biên phòng vào trong bản, tao muốn mai sau cũng sẽ được mặc chiếc áo màu xanh ấy. Vì vậy năm nay tao phải cố gắng thi vào Trường ĐH Biên phòng thôi”.
Ước mơ bước vào cổng trường đại học của Di cũng là ước mơ của gần 1.000 học sinh Trường THPT Quan Sơn.
![]() |
Một góc vườn nho nhỏ, hiếm hoi ở khu lều trọ học của các em học sinh Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa) |
Ông Hà Văn Thông - bí thư huyện ủy - cho biết: “Tỉ lệ hộ đói nghèo ở Quan Sơn còn trên 30%. Nhưng mừng là mỗi người dân nơi đây luôn tạo mọi điều kiện cho con em đến trường. Năm học 2003 - 2004, huyện có 11.267 học sinh trên tổng số dân là 33.367 người (cứ ba người dân có một người đi học). Ngành giáo dục huyện đã vận động được trẻ em dân tộc Thái, Mông ở vùng sâu, vùng xa đến trường và học ngày càng cao”.
Trong những ngày ở huyện biên giới vùng cao này, tôi biết những bà mẹ người Thái, Mông, Mường đang ngày đêm bán lưng cho trời, bán mặt cho đồi nơi Tra Khót, Xía Nọi, Ché Lầu... giáp đường biên giới Việt - Lào để nhặt nhạnh từng bó luồng, bó nứa, bó vầu bán lấy tiền nuôi con ăn học.
Và trong lòng mỗi người mẹ vẫn canh cánh nỗi lo cho những túp lều tồi tàn, xiêu vẹo của những đứa con yêu quí của họ nơi xa, nơi mà muốn đến thăm họ phải mất hai, ba ngày đường băng rừng, lội suối.
Rời Quan Sơn, tôi cứ băn khoăn: mùa khô rồi mùa lũ, gần 100 túp lều san sát nhau của các em trọ học ở Trường THPT Quan Sơn sẽ ra sao khi vô tình có một đốm lửa nhỏ tạt qua, hay khi những cơn mưa rừng ồ ạt đổ về?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận