13/08/2020 10:47 GMT+7

Đứng lên giữa dịch bệnh

QUỲNH KHÔI
QUỲNH KHÔI

TTO - Dù cố gắng bình tĩnh nhưng cảm giác hụt hẫng trước làn sóng nhiễm nCoV thứ hai lan nhanh trong cộng đồng vẫn là điều không thể né tránh, khi các chỉ dấu khôi phục sản xuất, kinh doanh, du lịch dường như cũng 'đứng hình' và đảo lộn theo.

Đứng lên giữa dịch bệnh - Ảnh 1.

Tặng nhau khẩu trang như món quà thay lời nhắc cùng giữ sức khỏe cho mình, cho cộng đồng. Trong ảnh: Người dân nhận khẩu trang từ “ATM khẩu trang” tại quận Tân Phú, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nhiều doanh nghiệp tiếp tục vùng vẫy thoát khó khăn, cố gắng tìm việc cho người lao động để không phải đóng cửa nhà xưởng khi tín hiệu đơn hàng mới vẫn dần mất hút.

Cuộc chiến không cân sức

Những khấp khởi cho các hoạch định sớm trở lại cuộc sống bình thường sau chuỗi ngày tạm an toàn của không ít tiểu thương, chủ nhà hàng, quán ăn, tiệm cà phê, cửa hàng bách hóa - với nhiều nỗ lực chống chọi cơn suy thoái thứ nhất mà dịch COVID-19 "ghé thăm" từ hồi đầu năm - phút chốc đành phải gác lại bởi những cú sốc đến từ nhiều nguyên nhân không thể lường hết được.

Sẽ không một ai lý giải nổi vì sao ngay từ tháng 4-2020, khi cả nước đang trong thời điểm căng thẳng quyết liệt chống dịch bùng phát nhất, lại có người ở Lào Cai cam tâm đứng ra tổ chức đường dây đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào sâu nội địa chỉ để nhận lấy số tiền ít ỏi. 

Và với các trường hợp "chuyển tải" người trái phép liên tục vừa được phát hiện gần đây ở Hà Giang, Quảng Ninh, Quảng Nam, Đà Nẵng..., việc truy vết F0 trở nên khó khăn hơn bao giờ hết đối với lực lượng y tế khắp cả nước. 

Bao nhiêu trường hợp nhập cảnh trái phép đã và đang bị phát hiện, với sự tiếp tay của chính người Việt, liệu có phải là nguồn cơn cho đợt lây nhiễm trong cộng đồng lớn nhất hiện nay chính là câu hỏi ngờ vực tràn đầy bức xúc của không ít người có chung tâm trạng.

Rõ ràng cuộc chiến trong làn sóng ngăn, chống và dập dịch COVID-19 lần hai này có vẻ đã mất nhiều sức lực hơn, khi trong chừng mực nào đó một số cấp độ liên quan lẫn nhiều thành phần chủ thể của xã hội đã có những lựa chọn khác nhau dành cho Tổ quốc và nhân dân.

Cộng đồng trên hết

Nếu ai trong số họ đã biết nghĩ đến tình cảnh hàng chục triệu mảnh đời khốn khó đang sống bấp bênh vì mất việc, hàng chục vạn người lao đao trước nguy cơ bị sa thải, hàng trăm ngàn bước chân đi về trong âu lo bất định của cộng đồng doanh nghiệp khi đối diện trước viễn cảnh suy thoái không chừa bất kỳ quốc gia nào, có lẽ những lựa chọn mang đến mầm mống gây hại cho đất nước đã không được nung nấu một cách bất chấp để gieo.

Từ những trường hợp tử vong vì COVID-19 xuất hiện, sau nhiều tháng trời Chính phủ nỗ lực giữ cho một Việt Nam được an toàn nhất trong khả năng có thể, đã như một lời cảnh tỉnh sâu sắc đến việc tới đây người dân sẽ chọn thái độ gì để bảo vệ chính mình, bảo vệ nguồn sống của từng gia đình mình trong một tâm thế chủ động phòng vệ ở mức cao nhất.

Những quyết định dù muốn hay không được đưa ra ở từng địa phương - ví như Hà Nội, TP.HCM đóng cửa quán bar, các dịch vụ không thiết yếu, thậm chí siết việc tập trung chỗ đông người từ 30 xuống còn 10 người chỉ trong vòng một ngày - dẫu biết điều này sẽ làm giảm bớt nguồn thu, người dân sẽ chật vật khó khăn hơn trong việc mưu sinh, nhưng lãnh đạo thành phố vẫn phải "cắn răng" làm hòng ngăn nguy cơ lây nhiễm ngoài tầm kiểm soát. 

Người dân Đà Nẵng được phát phiếu 3 ngày đi chợ một lần. Người đã đến Đà Nẵng trong tháng 7-2020 đã và đang tự cách ly từ 14 - 28 ngày. Kèm theo đó, chỉ tính riêng Hà Nội và TP.HCM phải tổ chức xét nghiệm cho hơn 120.000 người, khoản chi phí không hề nhỏ để giữ bình an cho cộng đồng.

Những bệnh viện trọng yếu của Đà Nẵng nói riêng và khu vực miền Trung nói chung buộc phải phong tỏa, cách ly, sàng lọc bệnh nhân. Nhiều phát sinh không ai nói trước được điều gì đang diễn ra từng phút, từng giây ở từng tỉnh thành. 

Và hình ảnh đội ngũ y bác sĩ các tỉnh thành tiến về Đà Nẵng cùng góp sức chống dịch. Đó là những hình ảnh, câu chuyện sinh động nhất để cả nước cùng nắm tay nhau "chiến đấu" lại cơn ác mộng mang tên virus corona vẫn chưa đến hồi kết...

Cộng đồng, trên hết, không có chỗ cho những toan tính trục lợi cá nhân. Bởi sau cuộc chiến chống dịch còn chuyện vực dậy cuộc làm ăn, là việc làm, áo cơm bao người. Càng khó khăn càng cần chung sức, chung lòng vượt qua, cùng đứng dậy sau dịch.

Sáng tạo khẩu trang thêu khuyến khích bạn trẻ đeo khẩu trang chống dịch COVID-19 Sáng tạo khẩu trang thêu khuyến khích bạn trẻ đeo khẩu trang chống dịch COVID-19

TTO - Thấy nhiều bạn trẻ thường không có thói quen đeo khẩu trang, chị Nguyễn Thị Xuân Kiều (Q.12, TP.HCM) sáng tạo bằng cách thêu họa tiết lên khẩu trang vải, nhiều bạn trẻ thích thú và đặt mua để tặng bạn bè và người thân để cùng đeo.

QUỲNH KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên