Các diễn viên nhí trong phim Mẹ rơm được khán giả yêu thích - Ảnh: ĐPCC
Đừng làm mẹ cáu mới phát sóng đến tập 4, nhân vật gây chú ý nhất trong phim lại là Happy - con gái của Hạnh - nhân vật nữ chính.
Vẻ trong trẻo làm "tan chảy"
Happy trong phim là một cô bé 7 tuổi cá tính, hay lý sự, không thích đi học. Bé luôn tỏ ra khôn ngoan hơn mẹ và quyết tìm cho mẹ một người chồng vừa tốt vừa giàu để mẹ thỏa niềm mơ ước: "có một cục tiền rớt xuống đầu"...
Trailer phim Mẹ rơm
"Nhưng mẹ có phải là mẹ của con không? Sao một người mẹ ruột có thể đánh con mình? Ở trên tivi người ta bảo là bạo lực đấy...".
Câu thoại của Happy với mẹ trong tập 3 khiến nhiều khán giả phải bật cười về độ "già" của cô bé, và cũng không ít người cho rằng lời thoại không hợp lý với một đứa trẻ...
Tuy nhiên, người xem không thể phủ nhận nét đáng yêu của cô bé này, như ý kiến của một khán giả: "Bộ phim hấp dẫn chính vì hình ảnh "bà cụ non" của Happy. Bé nói ra những câu nói già dặn một cách rất tự nhiên. Cách diễn vừa bà cụ, vừa ngây thơ đáng yêu vô cùng".
Trái ngược với tính cách của Happy là bé Hạt Dẻ trong phim Mẹ rơm. Nếu như Happy sống ở thành thị, già trước tuổi thì Hạt Dẻ sinh ra và lớn lên ở miền quê nghèo. Hoàn cảnh đã tạo nên một cô bé Hạt Dẻ tính cách hiền lành, ngây thơ.
Nhân vật Hạt Dẻ trong Mẹ rơm cũng đang được khán giả quan tâm đặc biệt, bên cạnh vai Mô gù do Thái Hòa thủ vai. Ánh mắt, nụ cười thân thiện của Hạt Dẻ và những câu thoại ngọt như mía lùi với cha khiến khán giả tan chảy.
Đảm nhận vai diễn Hạt Dẻ là bé Suri Nhã Vy, đang là học sinh lớp 2 ở TP.HCM. Cô bé ngoài đời cũng lí lắc như trong phim, luôn miệng cười và nói chuyện với người đối diện. Từ năm 3 tuổi, Suri đã tham gia phim Vua bánh mì, sau đó là loạt phim Cây táo nở hoa, Bếp trưởng tới...
"Phim Mẹ rơm con phải đi quay đến hai tháng lận. Mẹ có em bé nên con đi với bà ngoại. Nhiều khi con cũng nhớ nhà, nhớ em rất nhiều", Suri vui vẻ cho biết.
Bé cũng bảo đi đóng phim Mẹ rơm làm Suri mệt lắm vì có những cảnh cứ phải diễn đi diễn lại suốt, nhất là cảnh quay ở suối. Suri kể để có những cảnh ngọt ngào với "cha Mô" Thái Hòa, Suri nghĩ đến những khó khăn mà cha Mô nuôi mình để nhập vai.
Còn bé An Nhiên vào phim Đừng làm mẹ cáu mới chỉ 5 tuổi nhưng đã sở hữu vai diễn nhỏ trong kha khá phim Anh có phải đàn ông không, Thương ngày nắng về, Đấu trí...
Chưa đọc chữ rành nên bé bảo trước khi diễn phải nhờ cô chú đọc thoại để mình học. Với cảnh bị mẹ la phải khóc, An Nhiên kể để chảy nước mắt, cô bé đã nhớ lại những lần bị la, buồn rồi khóc...
Các diễn viên nhí trong phim Đừng làm mẹ cáu được khán giả yêu thích - Ảnh: ĐPCC
Phim Mẹ rơm con phải đi quay đến hai tháng lận. Mẹ có em bé nên con đi với bà ngoại. Nhiều khi con cũng nhớ nhà, nhớ em rất nhiều.
Suri Nhã Vy
Con nít đóng phim không dễ
Trẻ nhỏ luôn là nhân vật đáng yêu, cũng là chất xúc tác để thu hút khán giả. Tuy nhiên, việc tìm ra diễn viên nhí biết diễn xuất và hợp vai, sắp xếp lịch quay không phải đơn giản.
"Một cái khó nữa của phim có thiếu nhi là phải thuyết phục được gia đình và nhà trường để cho bé đi quay khá xa.
Và thường chi phí phát sinh thêm vì phải lo chuyện ăn ở cho cả phụ huynh đi theo chăm sóc bé", đạo diễn Phương Điền thực hiện phim Mẹ rơm kể.
Mặt khác, phim có trẻ con thường thời gian quay lâu hơn các phim khác và phải ưu tiên các diễn viên nhí hơn.
Muốn có cảnh quay tốt diễn viên nhí và người lớn phải có sự tương tác nhuần nhuyễn với bạn diễn nhí.
Như phim Mẹ rơm, để có thể nuôi cảm xúc người cha với Hạt Dẻ, Thái Hòa và Suri gọi nhau là cha con. Cứ rảnh không quay anh lại ra trò chuyện với bé để tạo thêm sự gắn kết. Cả hai tập thoại với nhau mọi lúc mọi nơi để nuôi cảm xúc quay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận