Dưới đây là một số ý kiến:
* Tôi có chồng người Quảng Nam, tính cách chồng tôi rất giống với những gì mà ông Vũ Đức Sao Biển viết về người Quảng Nam trong loạt bài nói trên. Anh sống chân chất, thật tình, hết lòng yêu thương vợ con và đặc biệt là rất hay cãi.
Tất nhiên là tôi hài lòng về ông xã, nhưng thú thật nhiều lúc tôi và bà con họ hàng bên tôi cảm thấy bực mình về tính hay cãi của ông xã tôi.
Nhiều lúc mọi người đang nói chuyện phiếm, tán gẫu, không khí gia đình đang vui vẻ, bỗng dưng ông xã tôi lại bắt bẻ, sửa lưng hoặc cãi lại một ý nào đó làm mọi người bị “sượng”, không khí mất vui. Hoặc đôi lúc ông xã tôi cũng hay hỏi vặn vẹo chuyện nọ chuyện kia (mặc dù trong thâm tâm anh không có ý gì xấu cả), làm bà con, họ hàng tôi - những người chưa hiểu rõ về con người của anh ấy - trách móc, giận dỗi.
Tôi ước giá như ông xã tôi bớt cãi một chút, nhất là đối với những việc không quan trọng, không ảnh hưởng gì đến bản thân, gia đình, không gây hại cho ai thì chắc mọi chuyện sẽ rất tuyệt vời.
* Tôi là người Quảng Nam, hiện đang sống và đã có hộ khẩu tại TP.HCM 14 năm rồi. Chính vì cái đặc tính “Quảng Nam hay cãi” mà ông chú bà con rất gần với tôi từ chối nhận tôi vào làm việc tại công ty của ông.
Chú tôi rất giàu, ông có nhiều công ty nhưng rất “kỵ” sử dụng người quê ở Quảng Nam, mặc dù chú tôi cũng là dân Quảng Nam! Bị liệt vào thành phần “hay cãi” nên dẫu có bằng đại học hẳn hoi, tôi vẫn phải tự thân vận động, tự tìm việc mà làm chứ chú tôi không hề động lòng, ra tay giúp đỡ...
Nhưng cũng vì cái bất công ấy, tôi đã đi làm cho công ty nước ngoài và người chủ nước ngoài rất thích tính khí của tôi: “Thấy sai cãi liền, không dạ dạ vâng vâng”.
* Tôi là người Quảng Nam. Đọc loạt bài nói trên, tôi nhớ chuyện hồi năm 1990 tôi nộp đơn xin học tại chức tại khoa luật (Đại học Tổng hợp TP.HCM). Khi nghe tôi nộp đơn vào đây, anh bạn tôi bảo: “Mày thuộc diện ưu tiên xét đơn”. Tôi hỏi ưu tiên gì thì bạn trả lời: “Diện ưu tiên năng khiếu vì ngành luật đào tạo thầy cãi thì phải ưu tiên cho dân “Quảng Nam hay cãi” chứ”.
Bị anh bạn nói xỏ nhưng ngẫm lại tôi thấy anh nói đúng thiệt. Tôi biết trong giới luật sư, nhà báo có rất nhiều người là dân Quảng Nam.
* Xung quanh chuyện cãi của người Quảng Nam, bạn tôi - một luật sư đang hành nghề tại TP.HCM - kể rằng có một luật sư đàn anh khi in danh thiếp luôn mở ngoặc ghi thêm “người Quảng Nam”. Bạn tôi bình luận: “Đã là luật sư, mà là người Quảng Nam thì cãi dữ lắm!”.
* Tôi là người Đông Nam bộ, sống ở Sài thành, nơi mọi người thường không thích xen vào việc của người khác hoặc việc chung. Người xưa có câu: “Thần khẩu hại xác phàm”, theo cách hiểu của tôi thì cha ông ta có ý khuyên bảo nên khéo léo trong đối nhân xử thế.
Hiển nhiên người xưa có thâm ý của họ. Nhưng dần dà tôi cảm thấy bản thân và nhiều người xung quanh ít cãi và cũng không dám lên tiếng phản đối những chuyện bất bình trong xã hội.
Lấy ví dụ như việc Vietnam Airlines thường xuyên thông báo ở phòng chờ là máy bay sẽ khởi hành trễ (từ 30 phút đến vài giờ) với lý do máy bay về trễ. Tôi chẳng thấy ai có phản ứng, thế là coi như không có chuyện gì. Hoặc tiểu thương chợ Bến Thành bán bánh mứt ngoại không rõ thành phần hóa chất nhưng lại lừa người mua là hàng VN. Báo chí phanh phui được vài ngày, sau đó thì đâu lại hoàn đó.
Nhìn sang những nước phát triển hơn ta, phản đối trước việc bất bình thường được xã hội ủng hộ và tôn trọng. Chỉ khi chúng ta dám suy nghĩ, dám nói, dám cãi, dám hành động quyết liệt với sự ủng hộ của đại đa số quần chúng thì những chuyện xấu, những việc bị ém nhẹm, những điều bất bình... mới có cơ hội bị vạch trần và xóa bỏ.
* Người Quảng Nam cãi bằng lý lẽ, bằng chính sự thông minh, hóm hỉnh của mình. Cãi ở đây là để bảo vệ các đúng, cái ngay, cái chính nghĩa chứ không phải cải bằng lý sự cùn, cãi một cách ngoan cố. Trong cái lý lẽ dùng để cãi của người Quảng Nam luôn mang đậm nét đặc trưng rất Quảng: ăn ngay nói thật.
Nói để chứng minh cái đúng của mình, cãi để bảo vệ điều đúng nhưng sau đó không bao giờ để bụng, bởi đơn giản người Quảng không có tính giận dai, giận lâu. Giận đó nhưng cười đó, vui vẻ đó thậm chí còn thân thiết hơn lúc chưa cãi bởi theo họ có cãi như vậy mới hiểu được nhau hơn... Đúng không rứa hè?
* Trong lịch sử, những nhà tiền bối lý giải rằng do phong thổ và nguồn gốc của người Quảng di cư từ miền Bắc vào nên mới tạo ra tính cách hay cãi đó. Theo tôi nghĩ lí giải đó chỉ đúng một phần thôi. Người Quảng hay cãi vì họ yêu sự công bình, yêu chân lý.
Phan Chu Trinh rất hay cãi mà đỉnh cao nhất chính là tư tưởng cải cách của ông. Người Quảng rất thích cãi chứ không phải là cãi bừa, cãi bậy, cãi bướng đâu.
* Không biết tính hay cãi của người Quảng Nam là xấu hay tốt. Tôi cũng là người dân xứ Quảng và đôi lúc cảm thấy cãi thì cũng không hay lắm. Nhưng nhiều chuyện mà thấy người khác sai mà không cãi là không được. Nhiều khi cãi chẳng được gì nhưng vẫn cãi, cãi để thấy được cái đúng, cái sai của người khác để cùng nhau hoàn thiện.
"Quảng Nam hay cãi ", câu này có từ lúc rất lâu đời, cãi thường đi đôi với lý sự nên cũng có câu "lý sự quá Phan Khôi" - Phan Khôi sinh tại Bảo An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam là cháu của Hoàng Diệu là nhà văn, nhà báo viết về các chủ đề hiện thực trước 1945.
Phải chăng trong ông cũng có dòng máu xứ Quảng nên mới hay cãi như vậy
* Tôi thật ra không phải người gốc Quảng Nam, nhưng cũng mang trong mình thuộc tính "hay cãi" nhất là cãi với cấp trên, cãi lệnh nếu thấy lệnh "bất minh" làm ảnh hưởng đến nhiều người. Sau khi về hưu tôi ngẫm đời như thế chỉ toàn gặp thua thiệt, bị đì không ngóc đầu nổi. Nhưng tôi chẳng có gì để tủi hổ hay tiếc rẻ ân hận cho mình, có chăng chỉ tiếc cho đời rằng: Lời thật và lời thẳng có rất ít, quá ít người chịu nghe.
"Người hay cãi" họ vẫn biết rõ rằng cãi thì có hại cho riêng mình nhưng nếu có thể làm lợi cho nhiều người thì họ vẫn cứ cãi. Họ vẫn sẵn sàng và vui lòng gánh hậu quả. Đó là họ thành thực với chính mình rồi! Ít ra họ cũng còn thấy mình vẫn hiên ngang chịu "cái khổ biết trước".
* Tôi nhận thấy cãi cũng tốt thôi vì cãi để mọi người hiểu nhau hơn, công việc tốt hơn và những chuyện khuất tất không xảy ra thì đó là một thắng lợi.
* Bản thân tôi cũng là người Quảng Nam nhưng từ nhỏ sống ở TP.HCM, tôi cũng là dân Luật. Tôi cảm nhận sâu sắc việc hay cãi của người dân quê tôi. Thật lòng mà nói tôi cũng thấy sợ cái tính hay cãi của người Quảng Nam, đôi lúc "cãi" thái quá, có nhiều chuyện không đáng gì nhưng cũng bắt bẻ và cãi rất hăng nên làm tổn thương tình cảm đôi bên.
Cãi cũng có mặt tích cực của nó, trong công việc bạn nên phát huy hết khả năng tranh luận của mình để giữ vững lập trường, tranh luận giúp tìm ra phương hướng giải quyết. Nhưng nếu bạn chỉ cãi vì bảo thủ, không muốn người khác cho rằng mình đã sai thì quả thật không thể phát triển được. Đối với những chuyện phím đời thường thì quả thật là người "Quảng Nam hay cãi" do bảo thủ.
* Tranh luận và tranh cãi là hai khái niệm khác nhau. Tranh luận là để tìm ra lý lẽ đúng được nhiều người công nhận và theo hướng mà xã hội mong muốn. Còn tranh cãi thường là lấp liếm, ngụy biện, kiểu cãi cho bằng được, cãi đến khi người khác im thì thôi, mà đôi khi họ im lặng không phải vì lể phục trình độ của bạn, vì tính uyên bác, hùng biện của bạn mà đơn giản chỉ vì "chả dại gì mà gây sự".
Do đó đừng tự hào vì mình là người Quảng Nam theo nghĩa đen "Vì tôi cũng là người Quảng Nam".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận