Nam thanh niên đạp vào đầu nữ sinh sau tai nạn - Ảnh cắt từ video
Sau một vụ va chạm xe, thay vì đỡ dậy, hỏi thăm người bị nạn là hai nữ sinh và một phụ nữ, Lê Tấn Thành (29 tuổi) đã trút những đòn đánh tàn độc bằng tay chân và cả hung khí. Cô bé 15 tuổi vừa ngã xuống đường sau vụ va chạm đã hứng chịu trận đòn khủng khiếp như thù hằn muôn kiếp.
Tất nhiên là cộng đồng nổi giận. Ai có thể bình tâm trước các hình ảnh phi nhân, phạm vào cả pháp luật lẫn đạo đức - những điều giữ cho con người có thể sống với nhau an hòa trong một xã hội - như thế?
Cơn phẫn nộ ngay lập tức tạo thành cơn bão và khiến kẻ phạm pháp phải chịu hậu quả. Kẻ đánh trẻ em dã man đã bị tìm ra nhà, bị bắt giữ, bị đánh... không cần qua xét xử, công lý tức thời được thực thi. Sự trả giá ấy của kẻ vi phạm đạo đức và pháp luật giúp những người phẫn nộ cảm thấy được an ủi phần nào, nhân quả đã hiển hiện nhanh chóng.
Thế nhưng, liệu công lý tức thời ấy có phải là điều chúng ta cần để có một xã hội an toàn, giảm thiểu bạo lực không? Công an TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) cho biết ngoài việc bắt khẩn cấp Lê Tấn Thành, hành vi của nhóm người bắt giữ, hành hung Thành cũng sẽ được xem xét xử lý.
Việc này không phải chưa từng diễn ra. Tháng 10-2019, khi clip về một vụ bạo hành trẻ em ở Tiền Giang được đưa lên mạng, người cha đánh con đã nhận những trận đòn đáp trả từ nỗi phẫn nộ của cộng đồng. Những người tham gia việc phá cửa, xông vào đánh "người cha độc ác" đã phải chịu những điều chỉnh của pháp luật sau đó.
Sẽ thế nào nếu chúng ta tin vào việc ai cũng có thể là người kết án, ai cũng có thể là người thực thi công lý? Trong sự thất vọng, trong nỗi buồn và lo lắng trước những bất công, phi lý và bạo lực, nhiều người chọn cách đặt niềm tin vào công lý man dã như vậy mà không biết rằng, ở đó, khoảng cách của người cho mình quyền thi hành án với một tội phạm rất gần nhau.
Chẳng phải Lê Tấn Thành đã cho mình quyền kết án cô bé đi sai, tông vào hắn để ra bản án riêng trừng phạt một cô bé giữa đường vậy sao? Thành biến mình thành kẻ phạm tội ngay trong hành vi ấy.
"Nếu ngươi nhìn quá lâu vào vực thẳm, vực thẳm sẽ mở mắt nhìn ngươi" - triết gia người Đức Friedrich Nietzsche đã nói như vậy. Nỗi ám ảnh về bạo lực, sự thất vọng về cách hành xử của một số cá nhân đã khiến chính chúng ta, một phần nào đó, bị bạo lực vây bọc, lấn át.
Joker, một nhân vật điện ảnh nổi bật, đã tạo ra một xã hội hỗn loạn bằng cách gây ra các hành vi công lý trực tiếp, công lý tức thời, tác động đến những người cho rằng mình bị đè nén, bất công. Bằng xung năng của đám đông ấy, Joker đã tìm được nạn nhân, công lý ấy tiêu diệt tất cả: người có tội và vô tội, tiêu diệt thủ phạm lẫn nạn nhân. Và hơn hết, chúng còn xóa nhòa ranh giới giữa hai mặt sáng tối, thủ phạm và nạn nhân.
Để có một xã hội hòa ái, chúng ta không cần và không thể trở thành Joker, không để vực thẳm bao lấy mình. Để có xã hội an toàn, chúng ta cần một nền pháp luật phân định rõ sáng tối, hiệu quả trong việc trấn áp, xử lý các đầu mối bạo lực, như cách Lê Tấn Thành bị bắt nhanh chóng sau hành vi tàn nhẫn của y.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận