27/04/2018 12:03 GMT+7

Đừng giết con gà chỉ để lấy trứng

LÊ ANH TUẤN (Đại học Cần Thơ)
LÊ ANH TUẤN (Đại học Cần Thơ)

TTO - Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vừa mới yêu cầu đóng cửa hoàn toàn ít nhất 6 tháng các hoạt động du lịch trên hòn đảo xinh đẹp nổi tiếng Boracay từ ngày 26-4 này, để chấn chỉnh những quan ngại về các tác động đến môi trường và sinh thái.

Đừng giết con gà chỉ để lấy trứng - Ảnh 1.

Đảo Boracay được nhiều công ty lữ hành - du lịch trên thế giới đánh giá như là một điểm đến thiên đường vùng biển nhiệt đới.

Cho dù quyết định này sẽ ảnh hưởng lớn đến thu nhập cho hàng ngàn cư dân địa phương và các công ty du lịch, do nơi đây mỗi năm đón nhận khoảng 2 triệu du khách các nơi, đem lại khoảng 1 tỉ USD doanh thu vào nền kinh tế còn rất nhiều khó khăn của Philippines.

Tuy nhiên với làn sóng khách du lịch đến cư trú ở hơn 500 khách sạn, nhà hàng, sòng bài, gần 200 điểm kinh doanh - mua bán, cộng thêm khoảng 4.000 dân địa phương mà các hệ thống thoát nước thải chưa được kết nối và xử lý. Tất cả các nguồn thải đều đổ ra biển, gây ô nhiễm vùng nước và nguồn thủy sản ở đây.

Cách đây 2 năm, Thái Lan cũng đã đóng cửa vô thời hạn hoạt động trên đảo Koh Tachai ở phía tây Thái Lan, nằm trong Công viên quốc gia Similan, trước nguy cơ hệ sinh thái bị hủy hoại vì phát triển du lịch. 

Tiến sĩ Thamrongnawasawat, phó trưởng khoa thủy sản tại Đại học Kasetsart ở Bangkok, cho biết tài nguyên môi trường trên đảo này chỉ bền vững khi dân cư dưới 100 người, nhưng thực tế số du khách đổ đến đã vượt 10 lần khả năng chịu đựng của tự nhiên. 

"Nếu không đóng cửa ngay, chúng ta sẽ mất Koh Tachai vĩnh viễn" - ông cảnh báo.

Ngành du lịch Việt Nam được đánh giá là có sự gia tăng đáng kể về số lượng khách đến. Từ khoảng 6 triệu lượt khách du lịch quốc tế năm 2011 lên 13 triệu khách năm 2017 (tăng 2,16 lần). 

Khách nội địa cũng tăng từ 30 triệu lượt người vào năm 2011 lên hơn 73 triệu lượt năm 2017 (tăng 3,65 lần).

Tuy nhiên nhìn lại, hầu hết khách du lịch thuộc nhóm chi tiêu ở phân khúc thấp trong khi tài nguyên du lịch lại bị khai thác quá mức: nhiều vùng trọng điểm du lịch cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học bị xâm hại do khai phá làm công trình và tạo ô nhiễm nước thải và rác thải nghiêm trọng.

Phát triển du lịch thiếu kiểm soát cũng làm suy thoái và biến dạng văn hóa bản địa. Đây cũng là một trong các nguyên nhân khiến cho khách du lịch ít quay trở lại Việt Nam.

Du lịch được ví như một ngành công nghiệp không khói hoặc là con gà đẻ trứng vàng. Tuy du lịch ít gây ô nhiễm khói bụi nhưng vẫn thải ra một lượng quá lớn rác thải và nước thải không kém gì sản xuất ở nhà máy - xưởng thủ công nghiệp không có hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường. 

Có lẽ đã đến lúc phải siết chặt hơn các quy định về môi trường trong các đề án phát triển du lịch, các cơ sở tham quan, nghỉ dưỡng, vùng bảo tồn quốc gia theo một nguyên tắc: "người gây ô nhiễm phải trả tiền".

Thế hệ tiếp sau của đất nước liệu còn được những di sản gì của người đi trước khi chúng ta vắt kiệt tài nguyên thiên nhiên bằng những hoạt động và chủ trương "ăn xổi ở thì", chỉ biết "thu nhiều mà chi ít", cùng những dự án "gây hối tiếc". 

Không ai muốn giết con gà để lấy quả trứng trong bụng nó ra ăn, mà phải nghĩ sao nuôi con gà vàng khỏe mạnh để nó có thể cung cấp đều đặn sản phẩm tốt lành cho chúng ta.

LÊ ANH TUẤN (Đại học Cần Thơ)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên