17/09/2006 06:24 GMT+7

Đừng đùa với điện!

THU THẢO thực hiện
THU THẢO thực hiện

TT - Dư luận hiện đang rất xôn xao về cái chết của anh Huỳnh Văn Hùng (xã Bình Định, TP Cà Mau) và ông Bùi Văn Dinh (huyện Châu Thành, Tiền Giang). Đây là những người vốn nổi tiếng về khả năng dùng tay trần tiếp xúc với điện mà không bị giật. Thế tại sao họ lại chết vì điện?

Mặc dù có thâm niên gần 20 năm trong việc sửa điện mà không cần ngắt nguồn, thế nhưng đầu tháng chín này, trong một lần sửa máy bơm và nối mấu điện để máy vận hành, anh Huỳnh Văn Hùng (44 tuổi) đã bị điện giật bất tỉnh và chết sau 20 phút cấp cứu. Tương tự, ông Bùi Văn Dinh cũng là người có khả năng sờ tay vào điện mà không bị giật trong thời gian dài. Chưa kể ông còn làm nhiều người kinh ngạc với khả năng ngậm dây điện hoặc đuôi bóng đèn vào miệng thì bóng đèn cháy sáng. Thế nhưng vào tháng 9-2005, trong một lần biểu diễn bằng cách tiếp xúc trực tiếp với điện, ông đã bị điện giật và qua đời không lâu sau đó.

Để hiểu rõ hơn nguyên nhân điện giật đối với người có khả năng đặc biệt này, Tuổi Trẻ đã tìm đến các nhà khoa học để nhờ lý giải phần nào.

4DkYrBrQ.jpgPhóng to
Võ sư Quốc Cường biểu diễn một pha ăn bóng đèn - Ảnh: T.T.D.
“Ngay cả những người có khả năng đặc biệt về một lĩnh vực nào đó (khả năng nhai và nuốt thủy tinh, ăn ớt không biết cay, đi trên lửa không bị bỏng...) cũng cần cẩn trọng và không nên chủ quan. Chưa kể nếu trong các điều kiện cần biểu diễn khả năng nhưng nếu người cảm thấy không thoải mái, sức khỏe không tốt, tinh thần bối rối và giảm tập trung... thì cũng không nên biểu diễn; do năng lượng có thể bị thay đổi hoặc phụ thuộc vào trạng thái cơ thể” - nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải cho biết.
* Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải (ủy viên ban chấp hành trung ương Hội Các ngành sinh học VN, Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người):

Không phải lúc nào cũng có khả năng đặc biệt

Trong quá trình khảo sát về những người có năng lượng tự phát như: phát điện làm sáng bóng đèn, khả năng trơ điện (không bị điện giật khi tiếp xúc trực tiếp), người có khả năng nhìn bằng con mắt thứ ba (không dùng mắt nhưng vẫn thấy rõ), người nam châm (có khả năng hút được các vật bằng sắt như nam châm)... chúng tôi nhận thấy không phải lúc nào khả năng này cũng ổn định và thường trực với cường độ như nhau mà có sự thay đổi. Khả năng đặc biệt có thể tăng lên hoặc giảm đi, tùy thuộc vào từng hoàn cảnh cụ thể (tâm lý, sức khỏe, tuổi tác...) hoặc cũng có thể biến mất. Chưa kể một số trường hợp có khả năng đặc biệt nhưng cũng có giới hạn, nếu vượt ngưỡng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Trong trường hợp của anh Hùng, có khả năng điều kiện tiếp xúc với nguồn điện lần này khác với những lần trước. Chẳng hạn tay không bị ướt và mặt đất khô ráo, dòng điện do đó đi qua người và truyền xuống đất. Tuy nhiên trong trường hợp sửa máy bơm nước bị hư, khả năng người và cả mặt đất đều bị ẩm ướt... Môi trường ẩm ướt sẽ là nơi dẫn điện tốt, cường độ dòng điện chạy qua người lớn, do đó sẽ lớn hơn ngưỡng cơ thể chịu đựng nên bị giật. Ngoài ra, cũng có thể lần này điều kiện cơ thể của anh Hùng, ông Dinh đã khác, khả năng trơ điện bị suy giảm nhưng cả hai không ý thức được.

* TS Nguyễn Bách Phúc, viện trưởng Viện Điện - điện tử - tin học:

Không thể chủ quan với các thiết bị điện

Nếu tất cả các đồ dùng điện đều có điện trở thì bản thân con người cũng có điện trở, cũng là vật dẫn điện. Khi hai điểm khác nhau trên thân thể con người tiếp xúc với dây điện có hiệu điện thế (ví dụ: dây nóng và dây nguội trong điện nhà, hiệu điện thế là 220V) thì sẽ có dòng điện chạy qua thân thể con người. Theo định luật Ôm, cường độ dòng điện sẽ bằng hiệu điện thế chia cho điện trở người. Hiệu điện thế càng cao và điện trở người càng thấp thì cường độ dòng điện qua người càng lớn.

Điện trở người phụ thuộc nhiều yếu tố như thể chất con người, tình trạng sức khỏe (đói, no, mệt...) và yếu tố môi trường như nhiệt độ, độ ẩm. Mỗi người có trị số điện trở riêng, không ai giống ai, nhưng sai số so với trị số bình quân là không lớn, trong tính toán an toàn điện, lấy giá trị bình quân gần đúng là 1.000W. Những người có da tay, da chân bị chai (dày) thì sẽ có điện trở lớn hơn một ít so với người bình thường. Có thể ví dụ: một người bình thường bị giật bởi điện nhà 220V thì cường độ dòng điện chạy qua nạn nhân tính gần đúng là: I = U/R = 220V/1.000Ω = 0,22A = 220mA (220 mili Ampe).

Khi cường độ dòng điện đạt đến 100mA sẽ gây rối loạn nhịp tim. Nếu dòng điện chạy qua người lên tới 100-120mA và thời gian kéo dài khoảng năm giây, sẽ khiến tim ngừng đập, dẫn đến chết người.

Điện trở người còn phụ thuộc vào hiệu điện thế đặt lên người đó. Khi hiệu điện thế lớn hơn 1.000V thì điện trở người sẽ trở nên rất thấp, dẫn đến dòng điện chạy qua người rất lớn, sẽ giật nạn nhân chết ngay. Vì vậy hiệu điện thế lớn hơn 1.000V được gọi là điện cao thế, hết sức nguy hiểm. Mọi người khi tiếp xúc với điện không nên chủ quan mà phải hết sức thận trọng.

THU THẢO thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên