22/11/2014 08:25 GMT+7

​Đừng để thêm ghế, thêm chức

V.V.THÀNH
V.V.THÀNH

TT - Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) đề xuất như trên khi góp ý kiến vào dự thảo Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi) chiều 21-11.

“Ít phân cấp, ít phân quyền, ôm đồm quá nhiều việc” - ông Trịnh Ngọc Thạch nói về quy định chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng Chính phủ - Ảnh: Hoàng Nam
“Ít phân cấp, ít phân quyền, ôm đồm quá nhiều việc” - ông Trịnh Ngọc Thạch nói về quy định chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng Chính phủ - Ảnh: Hoàng Nam

Theo ông Lịch, dự thảo luật nêu trên phải có những quy định chặt chẽ về cơ cấu, tổ chức, sao cho trong quá trình vận hành của bộ máy Chính phủ không có tình trạng “đẻ” thêm ghế, thêm chức ngoài quy định.

Ví dụ như chức danh “hàm” lãnh đạo tuy không có theo quy định hiện hành, nhưng vẫn xuất hiện và hưởng chế độ.

Đại biểu Lò Hải Ươi (Lai Châu) cũng đề nghị trước thực trạng các bộ ngành có quá nhiều cấp phó hiện nay, ban soạn thảo cần căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của từng bộ để quy định “cứng” số cấp phó, trường hợp đặc biệt có thể thêm nhưng thêm không quá một người.

Ít phân quyền mà ôm đồm quá nhiều việc

Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Phúc cho rằng tư tưởng đổi mới, cải cách thể chế chưa được thể hiện mạnh mẽ trong dự thảo luật, do vậy ban soạn thảo cần đề xuất các giải pháp để đổi mới, cải cách thể chế mạnh mẽ hơn nữa. “Có đổi mới thì mới có đột phá” - ông Phúc nói.

Ông Trần Du Lịch góp thêm: “Hiến pháp 2013 đã tạo dư địa để đẩy tới quá trình đổi mới. Nhưng qua nghiên cứu dự thảo luật, tôi thấy rằng vấn đề tồn tại lớn nhất là không rõ chế độ công vụ. Việc gì Chính phủ làm, việc gì địa phương làm. Ví dụ tình trạng hàng gian, hàng giả tại địa phương thì phân chia trách nhiệm như thế nào. Nếu luật không làm rõ chế độ trách nhiệm, không thể cải cách được”.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Trịnh Ngọc Thạch cho rằng dự thảo luật quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ quá nhiều, tới mấy trang giấy, trong khi có những việc nên giao cho bộ trưởng.

Ông Thạch nói Thủ tướng là người lãnh đạo chứ không phải quản lý, giao Thủ tướng quá nhiều nhiệm vụ cụ thể sẽ ảnh hưởng đến thời gian làm việc lớn.

Về chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng Chính phủ, ông Thạch đề nghị nghiên cứu tổ chức lại theo hướng gọn nhẹ hơn, tránh tình trạng cơ quan này trở thành “siêu bộ”.

Tóm tắt cảm nhận của mình về dự thảo luật, ông Thạch nói: “Ít phân cấp, ít phân quyền, ôm đồm quá nhiều việc”.

Nên xóa cơ chế chủ quản với trường đại học

Ông Trịnh Ngọc Thạch cho rằng nội dung quan trọng nhất, đáng ghi nhận nhất của dự thảo luật là việc xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản đối với doanh nghiệp nhà nước, và tách chức năng quản lý hành chính với chức năng cung cấp dịch vụ công.

“Tôi đề xuất xóa bỏ cơ chế chủ quản đối với trường đại học. Trường đại học là tổ chức cung cấp dịch vụ công, không có chức năng quản lý nhà nước, không thể là cơ quan quản lý nhà nước như các bộ, cơ quan ngang bộ mà phải là một tổ chức hết sức tự do, độc lập và có tính học thuật cao” - ông Thạch nói.

Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Vũ Viết Ngoạn lưu ý Quốc hội khi triển khai chủ trương bỏ chức năng đại diện vốn nhà nước, theo hướng không quy định bộ, cơ quan ngang bộ và UBND cấp tỉnh có chức năng thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước thì nên có nghị quyết đề cập vấn đề quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp ngay tại kỳ họp này, để tạo điều kiện cho Chính phủ áp dụng chính sách đặc thù khi cần thiết, đồng thời thể hiện rõ tính đồng bộ khi thiết kế luật.

Dự thảo Luật tổ chức Chính phủ dự kiến được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp đầu năm 2015.

V.V.THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên