18/05/2018 18:36 GMT+7

'Đừng để nhà khoa học mất thời gian về chuyện giấy tờ'

XUÂN LONG
XUÂN LONG

TTO - Ba nhà khoa học nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu có chung thông điệp: Mong nhà nước đơn giản hoá thủ tục để nhà khoa học không mất thời gian cho giấy tờ, chuyên tâm nghiên cứu, cống hiến.

Đừng để nhà khoa học mất thời gian về chuyện giấy tờ - Ảnh 1.

Tiến sĩ Khoa học Trần Đình Phong (trái) nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2018 từ tay bộ trưởng Khoa học công nghệ Chu Ngọc Anh - Ảnh: XUÂN LONG

Từ 9 hồ sơ được xét chọn, 3 nhà khoa học xuất sắc đã được trao giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2018 sáng nay 18-5, người trẻ nhất 33 tuổi và người lớn tuổi nhất 44 tuổi.

Liệu chúng ta có đang mơ quá lớn?

Ở tuổi 37, TSKH Trần Đình Phong (ĐH Khoa học và công nghệ Hà Nội - Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam) được trao giải tác giả có công trình khoa học xuất sắc với một công trình trong lĩnh vực vật lý.

Công trình này được công bố trên Nature Materials - tạp chí khoa học hàng đầu thế giới về khoa học vật liệu, mà theo GS.TS. Nguyễn Đức Chiến - phó chủ tịch Hội đồng giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2018, là tạp chí mà các nhà khoa học đều muốn một lần được công bố nghiên cứu của mình.

Chia sẻ sau khi nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu, TSKH. Trần Đình Phong nói đây là "vinh dự quá lớn".

Các nhà khoa học chia sẻ về giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2018 - Video: XUÂN LONG

"Tôi và các đồng nghiệp tiến hành nghiên cứu với mục đích chế tạo được một chiếc lá nhân tạo, bắt chước hoạt động của lá tự nhiên để từ ánh sáng mặt trời và nước biển có thể tạo ra nhiên liệu sạch thay thế nhiên liệu truyền thống xăng dầu. Đối với chúng tôi, đây là một giấc mơ đẹp, nó xứng đáng để chúng tôi cố gắng hết mình trong nhiều năm tới", nhà khoa học trẻ chia sẻ.

"Tất nhiên, con đường đi tới nhiên liệu sạch để thay thế nhiên liệu xăng dầu mà chúng ta đang dùng, chúng tôi hiểu rằng còn rất xa. Có lúc, bên lề các cuộc hội thảo quốc tế, chúng tôi - những người làm chung lĩnh vực, tự hỏi với nhau rằng: liệu chúng ta có mơ một giấc mơ quá lớn?".

TS. Phong nói mình đã chuẩn bị tinh thần cho cả trường hợp không thành công. "Nhưng ngay cả khi không có những khám phá được điểm mặt kể tên, các nhà khoa học vẫn đảm bảo có những có giá trị chắc chắn mà những người làm khoa học nghiêm túc như chúng tôi làm ra được, đó là đào tạo ra được những con người có tư duy phân tích và những con người sáng tạo để giải quyết những vấn đề tiếp theo", TS. Phong nói.

Từ đó, nhà khoa học nhận giải chia sẻ nhận định về vai trò của những người làm chính sách, lãnh đạo khoa học công nghệ: "Chúng ta cần phải chuẩn bị đủ lâu, đủ rộng để có thể có những phát kiến bất ngờ. Tôi mong có sự tin tưởng, thấu hiểu giữa những người làm quản lý với những người làm khoa học".

Theo theo TS. Phong, khi có niềm tin, những người làm khoa học chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là làm tốt hơn nữa công việc nghiên cứu, không phải bận tâm quá nhiều để tìm hiểu những lý do dù có hay không khi nghiên cứu của mình không may mắn nhận được tài trợ.

Chúng tôi cũng mong các nhà quản lý đơn giản hoá dần các thủ tục giấy tờ để giúp những người làm khoa học tập trung vào công việc nghiên cứu. Tôi xin thưa thật, từ khi về ĐH Khoa học công nghệ Hà Nội đến nay 3 năm, chưa bao giờ tôi hoàn thành một bộ hồ sơ về tài chính nào nếu không có sự giúp đỡ của 3-4 đồng nghiệp.

TSKH. Trần Đình Phong

Đừng để nhà khoa học mất thời gian về chuyện giấy tờ - Ảnh 4.

PGS.TS. Phạm Văn Hùng (trái) nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2018 - Ảnh: XUÂN LONG

Nhà khoa học cần được tự chủ trong nghiên cứu

Cùng nhận giải tác giả có công trình khoa học xuất sắc, PGS.TS. Phạm Văn Hùng (44 tuổi, ĐH Quốc tế - ĐH Quốc gia TP.HCM) là tác giả chính của công trình trong lĩnh vực sinh học nông nghiệp.

Công trình được công bố trên Food Chemistry - tạp chí khoa học hàng đầu thế giới trong lĩnh vực nông nghiệp và sinh học.

PGS.TS. Phạm Văn Hùng chia sẻ: "Mỗi công trình khoa học dù nghiên cứu cơ bản hay ứng dụng, để có được kết quả xuất sắc, đều phải xuất phát từ tình yêu và niềm đam mê. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cần được tự chủ trong nghiên cứu để được tự do sáng tạo".

"Chúng tôi mong muốn nhà nước, Bộ Khoa học công nghệ, đổi mới hơn nữa cơ chế, chính sách để phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh trong nước và tăng tính tự chủ trong công tác nghiên cứu, nhằm tạo ra các sản phẩm khoa học có tính ứng dụng cao, các công bố khoa học xuất sắc", PGS.TS. Phạm Văn Hùng bày tỏ.

"Mong muốn có điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp kết hợp chặt chẽ với các nhà khoa học, đưa ý tưởng, kết quả nghiên cứu trở thành sản phẩm ứng dụng trong thực tiễn".

Nhận giải trưởng nhà khoa học trẻ có công trình nghiên cứu xuất sắc, TS. Đỗ Quốc Tuấn (33 tuổi, ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội) thì mượn lời của một nhà khoa học quốc tế để chia sẻ cảm xúc: "Niềm vui của nhà khoa học là tạo nên những khám phá thú vị, chia sẻ chúng với người thân và đồng nghiệp và cuối cùng là được ghi nhận xứng đáng".

Hôm nay quả thật là một ngày đặc biệt trong cuộc đời nghiên cứu của tôi. Hôm nay tôi có thể tự tin nói với ba mẹ mình rằng, con đã làm được một điều mà ba mẹ đã từng mong muốn. Hôm nay tôi có thể tự tin nói với người vợ thân yêu, em đã có một lựa chọn không tồi.

TS. Đỗ Quốc Tuấn

Vinh danh ba nhà khoa học đạt Giải thưởng Tạ Quang Bửu Vinh danh ba nhà khoa học đạt Giải thưởng Tạ Quang Bửu

TTO - Ba nhà khoa học của Việt Nam có công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc vừa được trao tặng giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2018.

XUÂN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên