Ông Hương cũng từng gửi thư đến các vị lãnh đạo cấp cao đề nghị về chế độ nhà công vụ công khai, minh bạch đối với cán bộ. Nay đọc bản tin trên báo Tuổi Trẻ “5 năm chưa tìm ra nhà cho cựu chủ tịch Hà Nội”, ông Hương điện thoại cho phóng viên nói: “Tôi đi các nước không thấy chuyện đó. Chỉ ở ta mới có chuyện nhà công, đất công tùy tiện như vậy”.
Ông Hương nhấn mạnh: Tôi không rõ những người có trách nhiệm nghĩ gì về sự dây dưa này, còn dư luận thì cho rằng đó là sự nể nang và không minh bạch.
Phóng to |
Ông Nguyễn Đình Hương - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Trước khi cho ông Hoàng Văn Nghiên thuê ở, căn biệt thự này từng được cho người nước ngoài thuê với giá hàng ngàn USD mỗi tháng, hơn nữa rất nhiều hộ dân từng ở trong biệt thự phải nhận bồi thường và di dời nơi khác thì mới có căn biệt thự nguyên vẹn như vậy.
Hiện nay có nhiều cựu quan chức ở biệt thự, nếu là nhà do con cháu làm ăn khấm khá mua được thì không vấn đề gì, còn nếu đó là nhà công vụ thì phải được giải quyết kịp thời theo đúng quy định. Lãng phí nhà công vụ chính là lãng phí tiền của do nhân dân đóng góp.
Người ta cứ “nhìn nhau” mà ứng xử
* Là người làm công tác tổ chức lâu năm, ông có nhận xét gì về việc sử dụng nhà công vụ của cán bộ các cấp?
- Trước hết cần khẳng định rằng nhiều vị cán bộ cấp cao hết sức gương mẫu, nhất là trong vấn đề nhà công, đất công. Tôi đã trực tiếp chứng kiến một số vị lãnh đạo ở các tỉnh, thành ra Hà Nội nhận trọng trách mới, họ ở nhà công vụ, khi hết nhiệm kỳ lập tức trả lại nhà và trở về sinh sống trong căn nhà trước đây của mình.
Bên cạnh đó, có những cán bộ mặc dù ở địa phương đã được phân đất, phân nhà rồi, nhưng ra Hà Nội vẫn tranh thủ thu vén thêm nhà đất cho mình. Mà giá nhà đất ở Hà Nội thì chúng ta đã biết là thuộc diện đắt đỏ hàng đầu thế giới.
Trong khi đó, lẽ ra về nguyên tắc cán bộ chỉ được cấp nhà đất một lần, hơn nữa lâu nay Nhà nước đã bỏ chế độ bao cấp về nhà ở, vì vậy anh đã được phân nhà đất ở địa phương rồi thì lên trung ương phải ở nhà công vụ hết nhiệm kỳ thì thôi. Cho nên có lần tôi đi công tác, người ta nói nửa đùa nửa thật: “Em không được ra Hà Nội công tác thiệt thòi quá”.
* Trước dư luận không hay về việc sử dụng nhà công, đất công, ông cho rằng căn nguyên bắt đầu từ đâu?
“Tôi đã từng từ chối” * Bản thân ông ứng xử với câu chuyện nhà công, đất công thế nào? - Trước đây, có đồng chí lãnh đạo một thành phố ở phía Nam quý mến tôi có nói rằng sẽ tạo điều kiện để tôi có nhà ở thành phố đó. Tôi từ chối ngay. Tôi nói rằng đã được phân nhà ở Hà Nội rồi, nếu có thêm là không đúng với tiêu chuẩn. |
- Để trả lời câu hỏi này tôi xin kể câu chuyện như sau. Có trường hợp nguyên là cán bộ lãnh đạo địa phương, tôi đã đến nhà ông này ở địa phương và thấy nhà cửa đàng hoàng, rộng rãi, có cả ao cá, đến khi ra Hà Nội nhận công tác mới thì ông được phân 70m2 nhà công vụ ở khu Hoàng Cầu (quận Đống Đa). Khi về hưu, ông khóa cửa căn hộ công vụ này lại và không chịu bàn giao ngay.
Hỏi sao cứ để lằng nhằng vậy, ông ấy trả lời: “Có người cũng cán bộ như tôi, ra Hà Nội công tác được phân 120m2 đất, các anh không đòi, sao lại cứ đòi tôi”.
Như vậy là cơ chế, chính sách không rõ ràng, không thống nhất thì người ta cứ “nhìn nhau” mà ứng xử. Và người dân thì nhìn vào sự ứng xử đó để đánh giá tư cách cán bộ.
Tôi đi nghiên cứu ở Trung Quốc thì thấy họ quy định rất rõ ràng, trong trường hợp nào thì cán bộ được ở nhà công vụ, cán bộ cấp nào thì được ở nhà công vụ theo cấp đó, sau khi nghỉ hưu phải trả lại nhà công vụ ngay...
Ở ta thì ông Hoàng Văn Nghiên nghỉ hưu đã nhiều năm mà biệt thự công 12 Nguyễn Chế Nghĩa vẫn chưa thu hồi được, qua đó dư luận tự đánh giá quy định về nhà công vụ đã có đầy đủ hay chưa và nếu có thì đã, đang được vận hành như thế nào.
Cán bộ phải mẫu mực
* Để tránh những trường hợp “nhà công, ai khéo vẫy vùng thì được của riêng”, theo ông hiện nay cần làm gì?
- Nếu để đến lúc này mới “ra tay” siết lại việc quản lý nhà công vụ, đặc biệt là các biệt thự công ở một số thành phố lớn thì cũng đã muộn. Nhưng muộn còn hơn không. Nhà nước cần tiếp tục rà soát, thống kê và phân loại toàn bộ hệ thống nhà công vụ trên toàn quốc. Từ đó xây dựng một hành lang pháp lý rõ ràng về nhà công vụ và cơ chế sử dụng phù hợp, thống nhất, đồng thời công khai cho toàn dân biết và giám sát.
Cùng với đó cần giải quyết nghiêm túc, nhanh chóng trường hợp nào đang có dư luận trên tinh thần “quân pháp bất vị thân”, ví dụ như trường hợp biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa.
* Mới đây một lãnh đạo Bộ Xây dựng phát biểu: “Lương cỡ bộ trưởng cũng phải 40 năm mới mua được nhà”. Có phải vì lương thấp mà cán bộ phải “xoay xở”?
- Nếu nói lương thấp là nguyên nhân thì không thể giải quyết được về mặt ngân sách. Chúng ta phải cải cách chế độ tiền lương cho hợp lý hơn, nhưng trước mắt chưa thể trả lương cho cán bộ, công chức như ở nước ngoài. Có thể do chế độ đãi ngộ không tương xứng nên mới nảy sinh tâm lý “tích lũy” trước khi nghỉ hưu.
Nhưng quan điểm của tôi là không thể đổ lỗi cho đồng lương. Hãy nhìn vào mặt bằng thu nhập và cuộc sống còn vô vàn khó khăn của đông đảo người dân hiện nay. Tôi cho rằng lòng tham của con người là vô cùng, nếu không được đạo đức điều chỉnh và nếu không bị ràng buộc bởi pháp luật. Vấn đề là cơ chế của ta trên một số lĩnh vực vẫn còn mang tính “xin - cho”.
* Như vậy cùng một cơ chế nhưng cách ứng xử của cán bộ đối với nhà công, đất công như thế nào phụ thuộc một phần quan trọng vào đạo đức của người đó?
- Pháp luật không thể nào điều chỉnh hết được mọi biểu hiện trong đời sống. Tôi ví dụ như mới đây báo Tuổi Trẻ có nêu trường hợp thứ trưởng một bộ vay 2 tỉ đồng của lãnh đạo doanh nghiệp thuộc sự quản lý nhà nước của bộ này. Quan hệ vay mượn như vậy là không vi phạm pháp luật, nhưng với tư cách cán bộ cấp cao thì đây là việc không nên làm.
Dư luận hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi anh vay mượn như thế thì có ưu ái gì cho doanh nghiệp không?
Thời đồng chí Lê Đức Thọ làm trưởng Ban Tổ chức trung ương, chúng tôi quan niệm đạo đức của người cán bộ gồm bốn điểm, trong đó có việc mẫu mực trong cuộc sống. Nếu cán bộ mẫu mực thì không nên có những việc làm liên quan đến tiền bạc, nhà đất... mà để xảy ra dư luận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận