TT - “Chúng ta tỏ ra quá dễ dãi với những trận đấu có biểu hiện tiêu cực mà ai cũng có thể nhìn thấy. Điều đó khiến người hâm mộ quay lưng với bóng đá VN...”. Chủ tịch CLB Đồng Tâm Long An Võ Quốc Thắng đã mở đầu như thế khi nói về chủ đề “Những nghịch lý của bóng đá VN” mà Tuổi Trẻ đặt ra sau khi V-League 2011 kết thúc.
Ông Võ Quốc Thắng nói: “Mười năm trước, khi bắt tay vào làm bóng đá, tôi hi vọng bóng đá VN sẽ phát triển mạnh mẽ. Nhưng hiện nay khán giả đến sân ít hơn và mùa này có nhiều trận đấu bất bình thường. Đây là điều đáng buồn không chỉ với tôi mà cả bóng đá VN.
"Chuyên nghiệp gì mà suốt cả mùa giải, trưởng lẫn phó ban tổ chức giải không hề dám đăng đàn phát biểu về những vấn đề mà dư luận lên tiếng" HLV Lê Thụy Hải |
Lẽ ra nên cấm thi đấu có thời hạn hoặc vĩnh viễn đối với những cầu thủ hay đội bóng có biểu hiện tiêu cực. Việc không “trị” đến nới đến chốn khiến người hâm mộ không còn đặt niềm tin và quay lưng với bóng đá VN. Khi đó có muốn lấy lại niềm tin không dễ chút nào. Bóng đá không có khán giả thì làm sao có thể phát triển?
Ngày trước, cầu thủ thu nhập không cao nhưng họ đá vì màu cờ sắc áo đội nhà. Nhưng hiện nay khi nhiều ông bầu nhảy vào làm bóng đá, cầu thủ có thu nhập tốt hơn và cũng quen với việc chỉ đá tốt khi được treo thưởng. Đây là điều nguy hiểm vì nguồn quỹ tài chính chi cho đội bóng sẽ bị phình ra. Một mùa tốn gần cả 100 tỉ đồng. Sau vài năm nữa quỹ có thể lên gấp đôi, lúc ấy liệu có doanh nghiệp nào dám làm bóng đá nữa, khi chỉ chi ra mà không thu lại được gì.
Tôi nghĩ làm bóng đá cho địa phương là trách nhiệm của từng doanh nghiệp. Bóng đá là hoạt động đem lại niềm vui giải trí cho người hâm mộ. Vì vậy, tôi làm bóng đá vì niềm đam mê và muốn đóng góp cho sự phát triển của bóng đá VN bằng cách làm bóng đá sạch. Tôi hi vọng mọi người sẽ cùng làm điều đó để chặn đà đi xuống của bóng đá VN”.
Phải “lật bài ngửa” khi tổng kết giải
Về việc khán giả sụt giảm, chuyên gia Trần Văn Phúc cho biết: “Trước đây khi đưa CLB sang Thái Lan tập huấn, tôi có xem một số trận đấu của Giải VĐQG Thái Lan (T-League). Khi ấy, khán giả Thái Lan đến sân chỉ vài trăm người/trận. Nhưng hiện nay xem các trận đấu ở T-League 2011 qua tivi, khán giả đến sân rất đông. Vì vậy Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) phải xem lại cách làm của mình vì sao lượng khán giả ở V-League đi xuống như vậy”.
Trong một số trận đấu ở V-League hay Giải hạng nhất 2011, ông Phúc nói: “Tuy không thể nói các trận đấu này có móc ngoặc hay tiêu cực, nhưng tôi và nhiều người khác không thể hài lòng thái độ thi đấu của các cầu thủ. Mặt khác, công tác trọng tài mắc sai sót khá nhiều lại không được xử đến nơi đến chốn. Do đó khi tổng kết giải, chúng ta cần phải lật bài ngửa, mổ xẻ vấn đề để mùa giải mới tốt hơn. Lúc trước, ông trưởng ban tổ chức giải Ngô Tử Hà sẵn sàng trừ điểm đội chơi thiếu tích cực. Nhưng 7-8 năm nay, các đời trưởng ban tổ chức giải sau có ai dám làm điều đó không? Chúng ta trừ điểm các đội chơi thiếu tích cực không chỉ để răn đe họ mà còn để nâng chất lượng bóng đá VN.
Năm 2008, khi dẫn dắt CLB Thanh Hóa, lương cầu thủ của tôi dưới 10 triệu đồng/tháng. Nhưng giờ mức lương cầu thủ trung bình phải 35 triệu đồng/tháng. Việc các CLB mua cầu thủ giỏi với bất cứ giá nào mà không nghĩ đến chuyện đào tạo trẻ hay tạo cơ hội cho cầu thủ trẻ ra sân khiến ngày càng khan hiếm cầu thủ giỏi và gián tiếp làm thu nhập cầu thủ hiện nay quá cao trong khi chất lượng không tương xứng. Cách “đổ” tiền này không hợp lý bởi thực tế bây gờ nhiều CLB thiếu cơ sở vật chất và cả HLV giỏi...”.
Chuyên nghiệp phải bắt đầu từ VFF HLV Lê Thụy Hải cho biết: “Tuy không quá khắt khe nhưng tôi phải nói thẳng bóng đá VN chưa thật sự chuyên nghiệp dù đã qua tuổi thứ 10. Tính chuyên nghiệp chưa được thể hiện rõ từ cơ quan lãnh đạo là VFF thì làm sao đòi hỏi các CLB, HLV, cầu thủ, trọng tài sự chuyên nghiệp? Việc chưa chuyên nghiệp cho thấy rất rõ ở cách điều hành giải chưa chặt chẽ, kể cả trong báo cáo tổng kết cuối mùa giải. Cụ thể các đội bóng luôn muốn được một trọng tài giỏi, công tâm điều khiển khi đội mình thi đấu, vậy mà những trọng tài giỏi lại không được xếp làm nhiệm vụ chỉ vì “rào cản” yếu tố vùng miền. Đặt ra yếu tố vùng miền kiểu đó, cũng đồng nghĩa ngay trong tư tưởng của người có trách nhiệm phân công trọng tài đã có vấn đề lấn cấn”. Ông HLV nổi tiếng nóng như lửa này nói tiếp: “Việc trừ điểm hay kỷ luật nặng với đội bóng, cầu thủ chơi buông thả không khó đến mức đòi hỏi phải có chứng cứ. Chỉ cần ban kỷ luật mạnh, có thẩm quyền và nhân sự chuyên môn cao là đủ sức kết luận trận cầu ấy có vấn đề hay không thông qua những thể hiện cụ thể của đội bóng, cầu thủ trên sân cỏ. Trong bối cảnh như vậy làm sao đòi hỏi cầu thủ có được tính chuyên nghiệp. Vài năm gần đây xuất hiện tình trạng cầu thủ chỉ lo giữ chân, chỉ lo cho chính mình sau lúc ký hợp đồng bạc tỉ. Rất nhiều người không thể hiện được giá trị chuyển nhượng cao của mình mà chỉ chơi với thái độ cầm chừng, chờ ngày nhảy sang nơi khác để bỏ túi bạc tỉ. Đúng là đời cầu thủ quá ngắn, tương lai không rõ ràng, nhưng nếu chỉ nghĩ đến tiền bạc họ mang lỗi nặng với khán giả - những người rất quan trọng trong việc phát triển bóng đá VN”. Bảy năm sống cùng V-League, đã đi qua nhiều CLB, ông Hải có cái nhìn thẳng thắn về những người từng trả lương cho mình: “Tôi có thể khẳng định nhiều ông bầu nhảy vào làm bóng đá nhưng thật sự thì không phải vì quá yêu chuộng, đam mê bóng đá, mà vì nhắm tới những lợi ích khác ngoài bóng đá. Nói thẳng ra, họ mong muốn phát triển tối đa những gì có lợi cho bản thân, cho thương hiệu với địa phương nơi CLB mình dừng chân. Mặt khác, cũng có những ông bầu “máu” thành tích luôn gây sức ép lên các HLV mà không hề biết rằng thực lực cầu thủ đến đó là chạm ngưỡng. Một đời làm bóng đá tôi hiểu chuyện cần thành tích. Tuy nhiên đừng đòi hỏi phải có thành tích bằng mọi giá để rồi phải trả giá đắt cho tương lai. Làm bóng đá chuyên nghiệp cần phải có định hướng, chiến lược xây dựng con người lâu dài, đặc biệt là đào tạo trẻ. Nếu chỉ lấy người kiểu “hớt ngọn”, muốn hái quả ngọt mà không vun trồng, có lúc CLB sẽ lụi tàn, lãng phí bao công sức, tiền bạc của người đi trước...”. |
N.KHÔI - SĨ HUYÊN ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận