29/06/2015 09:55 GMT+7

Đừng để “nghẽn cổ chai”

ĐẬU ANH TUẤN (trưởng ban pháp chế  Phòng Thương mại - công nghiệp VN)
ĐẬU ANH TUẤN (trưởng ban pháp chế Phòng Thương mại - công nghiệp VN)

TT - Từ ngày 1-7, sẽ có nhiều luật liên quan đến kinh doanh, đầu tư, thuế... có hiệu lực. Để đảm bảo tinh thần luật không bị méo mó bởi văn bản dưới luật là yêu cầu rất quan trọng.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang thay mặt nhóm nghiên cứu của VCCI công bố hiệu quả hoạt động pháp luật về kinh doanh của các bộ ngành năm 2014 - Ảnh: Quốc Tuấn

Càng nóng hơn khi mới đây, Phòng Thương mại - công nghiệp VN công bố bộ chỉ số MEI 2014 - đánh giá hiệu quả hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật kinh doanh của các bộ năm 2014, cho thấy nhiều yêu cầu đặt ra với các bộ, ngành.

Như thông tin trong hôm công bố bộ chỉ số MEI 2014, cải thiện môi trường kinh doanh ở cấp địa phương có xu hướng chững lại, không phải do các địa phương mà do những cản trở, vướng mắc từ khuôn khổ pháp luật ở trung ương. Nhiều lãnh đạo địa phương vẫn than thở là chúng tôi có làm ra luật, có đẻ ra các thủ tục đâu.

Trong khi đó mức độ đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp về chất lượng văn bản pháp luật và quá trình soạn thảo văn bản pháp luật vẫn ở mức độ trung bình và nhỉnh hơn trung bình. Để thay đổi nhanh hơn nữa trong cải thiện môi trường kinh doanh đòi hỏi quá trình thay đổi ở cấp bộ, ngành phải tăng tốc hơn.

Trong quy trình xây dựng pháp luật ở nước ta hiện nay, dù là văn bản luật, nghị định hay thông tư... đều do các bộ, ngành chủ trì soạn thảo. Văn bản nào về lý thuyết cũng phải vì lợi ích quốc gia, để giải quyết các vấn đề quốc kế dân sinh, phục vụ những mục tiêu công cộng liên quan. Nhưng trên thực tế, không ít quy định lại “cáng đáng” thêm cả “trọng trách” tăng thêm hay củng cố quyền hạn cho các bộ, ngành.

Về nguyên tắc, văn bản mà bộ được phép vừa soạn thảo và ban hành chỉ là các thông tư, dùng để hướng dẫn thực thi văn bản cấp trên (luật, nghị định...). Nhưng trên thực tế, phần lớn những chính sách hay quy định ảnh hưởng trực tiếp, doanh nghiệp và người dân phải thực hiện là từ các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành.

Như năm 2014, Quốc hội ban hành 29 luật, Chính phủ ban hành 125 nghị định, Thủ tướng Chính phủ có 75 quyết định nhưng các bộ, ngành ban hành đến 496 thông tư hướng dẫn và 3.930 văn bản điều hành các loại.

Đáng nói là thủ tục hành chính chủ yếu nằm trong nhóm văn bản mà bộ, ngành ban hành. Chẳng hạn, theo báo cáo Thủ tướng Chính phủ của Bộ Tài chính ngày 30-3-2015 về các giải pháp thực hiện nghị quyết 19, khi sửa năm luật cắt giảm được 80 giờ, sửa bốn nghị định cắt giảm được 88,36 giờ nhưng sửa bảy thông tư của chính Bộ Tài chính ban hành thì cắt giảm được 201,5 giờ.

Do đó, việc người dân, doanh nghiệp tham gia quá trình soạn thảo các văn bản pháp luật của các bộ là rất quan trọng, có ý nghĩa đối với chất lượng, hiệu quả thực thi văn bản sau này, phù hợp với cam kết quốc tế về sự minh bạch và có tham vấn khi xây dựng văn bản.

Thế nhưng trong bộ chỉ số MEI 2014, đây lại là khía cạnh được các hiệp hội doanh nghiệp đánh giá thấp nhất về hiệu quả. Các doanh nghiệp không biết đến thông tin, họ không có cơ hội tham gia thực chất vào quá trình soạn thảo và ban hành chính sách. Rất nhiều trường hợp các doanh nghiệp đã “choáng váng”, “ngỡ ngàng”, “quá bất ngờ” khi một quy định được ban hành... bởi các quy định xa vời thực tiễn, gây khó cho kinh doanh.

Để luật đi vào cuộc sống, không bị nghẽn cổ chai, thật sự tạo sinh khí mới cho sản xuất kinh doanh, những người chịu tác động trực tiếp cần phải được tham vấn khi cơ quan quản lý nhà nước ban hành văn bản mới. Nếu không, những động lực mà luật mới ban hành có thể bị... hụt hơi.

ĐẬU ANH TUẤN (trưởng ban pháp chế Phòng Thương mại - công nghiệp VN)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên