27/06/2013 02:22 GMT+7

Đừng để "kẻ cắp" sống ung dung

NGUYỄN TRƯỜNG UY
NGUYỄN TRƯỜNG UY

TT - Sáng 26-6, ngay sau khi bài báo “Ngổn ngang Khu kinh tế Vân Phong” đăng trên Tuổi Trẻ được đưa lên mạng, một loạt trang tin điện tử đã “chôm” bài báo này mà không hề xin phép, trong đó có trang tintuc.vnn.vn, cophieu68.vn và vinaf24h.com.

Sự vi phạm này bất chấp nhiều cơ quan báo chí (trong đó có Tuổi Trẻ) đang triển khai việc chống vi phạm bản quyền báo mạng.

Ngổn ngang Khu kinh tế Vân Phong

Những vi phạm như vậy, đáng tiếc, là chuyện quá cũ ai cũng biết. Những vụ “ăn cắp”, “xào nấu” hay “chặt chém” bản quyền báo chí những năm qua diễn ra trên nhiều báo điện tử, nhiều trang tin điện tử và nhiều ứng dụng di động (app) với quy mô lớn, tràn lan đến mức trở thành chuyện bình thường. Sau sự kiện báo Năng Lượng Mới dọa kiện baomoi.com “ăp cắp” bản quyền, nhiều cơ quan báo chí (trong đó có Tuổi Trẻ) đã triển khai công tác bảo vệ bản quyền, một số trang tin điện tử xem ra đã chùn tay, song nhiều trang mạng khác vẫn tiếp tục “lấy cắp” bản quyền, tiếp tục “sống bằng xương máu của người khác” như cách gọi của một số tờ báo.

Pháp luật đã có đầy đủ các quy định về việc xử lý tình trạng vi phạm bản quyền báo chí nói chung và báo mạng nói riêng. Bộ luật dân sự, Luật sở hữu trí tuệ, Luật báo chí hoặc nghị định 97/2008, nghị định 100/2006 và nghị định 47/2009 đều quy định rõ những biện pháp xử lý cụ thể, từ phạt tiền cho đến rút giấy phép đối với các trường hợp “chôm chỉa” bản quyền. Thế nhưng những năm qua, chính sự lơ là của cơ quan quản lý cũng như pháp luật trong lĩnh vực này được thực thi chưa nghiêm vô tình đã tạo môi trường cho các trang mạng “tự tung tự tác”.

Trong tình thế đó, để bảo vệ bản quyền, có chăng chỉ là sự ra tay đơn lẻ của một số rất ít các tờ báo, là sự liên kết của một số cơ quan báo chí để cùng chia sẻ tin bài của nhau và không cho các mạng khác lấy tin bài của mình. Sự đơn phương tự vệ như vậy chỉ là hạt muối bỏ biển. Thiếu đi những chế tài nghiêm khắc theo luật định, chỉ có những kêu gọi của tự thân các cơ quan báo chí, những kẻ trục lợi cứ vô tư kinh doanh trên trí tuệ và tài sản của người khác. Đã đến lúc không thể để những “kẻ cắp mạng” xem thế giới mạng như chốn không người như vậy được nữa.

Việc Cục Quản lý phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin - truyền thông) đề nghị thanh tra Bộ Thông tin - truyền thông xem xét, xử lý đối với năm trang tin điện tử vi phạm bản quyền mạng (baomoi.com, vietbao.vn, 24h.com.vn, stockbiz.vn và bongda.com.vn) và 15 trang tin điện tử khác hoạt động không phép, vi phạm thuần phong mỹ tục, đăng tin không đúng sự thật… được xem là động thái tích cực. Vấn đề đặt ra là việc xử lý này sẽ như thế nào? Xử lý đến đâu? Còn các vụ việc tương tự khác thì xử lý thế nào?... Nếu việc xử lý không đủ mạnh và không đến nơi đến chốn thì những “kẻ cắp mạng” vẫn còn sống ung dung.

Thế giới mạng tưởng vô hạn nhưng thật ra đều có giới hạn, những rào cản đạo đức và ý thức người dùng, thuần phong mỹ tục, bản quyền và đặc biệt là pháp luật. Một khi những vi phạm trong lĩnh vực bản quyền mạng bất chấp những yếu tố thuộc về ý thức thì pháp luật cần phải thực thi mạnh mới đưa được vấn đề bản quyền vào trật tự của nó.

NGUYỄN TRƯỜNG UY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên