08/05/2014 02:30 GMT+7

Đừng để học sinh gọi cô giáo bằng bà

VĨNH LINH
VĨNH LINH

TT - Vừa qua, Bộ Lao động - thương binh và xã hội đã trình dự án Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi), theo đó sẽ tăng tuổi nghỉ hưu lên 60 đối với nữ và 62 đối với nam.

Lý do tăng tuổi nghỉ hưu được đưa ra là nhằm tránh tình trạng vỡ quỹ bảo hiểm xã hội xem ra chưa thuyết phục dư luận, do còn yếu kém trong khâu quản lý, việc chiếm dụng tiền bảo hiểm của các doanh nghiệp nhưng vẫn chưa được xử lý nghiêm...

Bên cạnh đó, việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ trái với quy định của Bộ luật lao động về tuổi nghỉ hưu của người lao động vừa được Quốc hội thông qua vào giữa năm 2012, có hiệu lực vào ngày 1-5-2013. Tuy nhiên, chúng ta chưa đề cập đến khía cạnh hậu quả xã hội của nó.

Nhiều người cho rằng tăng tuổi nghỉ hưu sẽ ảnh hưởng, tác động rất lớn đến nhiều mặt của đời sống xã hội như vấn đề về giải quyết việc làm cho thế hệ trẻ, sức khỏe của người lao động, nhất là lao động phổ thông hoặc những người làm việc trong các môi trường độc hại, đặc thù... Ở bài viết này chúng tôi xin đề cập những khó khăn, bất cập đối với nữ giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học khi phải làm việc đến năm 60 tuổi.

Trên thực tế trong các đợt tinh giản biên chế trước đây rất nhiều nữ giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học xin nghỉ hưu trước tuổi (trước 55 tuổi). Bởi vì ở độ tuổi này nhiều người không còn sức khỏe đảm đương tốt công việc của mình, nhất là trong việc cập nhật nâng cao kiến thức chuyên môn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Nhiều người do tuổi đã cao nên rất vất vả khi phải thức khuya, dậy sớm để soạn giáo án, chấm bài và theo dõi, nắm bắt tâm lý học sinh. Các cháu học sinh ở độ tuổi này lại rất hiếu động, tinh nghịch nên không chỉ là giảng dạy, truyền đạt kiến thức mà còn phải quản lý, chăm sóc, giáo dục, dạy dỗ, lo cho các cháu từng miếng ăn, giấc ngủ... Ngoài ra, giáo viên phải tập trung theo sát để đảm bảo các cháu không có chuyện gì xảy ra trong thời gian học tập, sinh hoạt, vui chơi ở trường.

Muốn làm tốt các việc này, nhất thiết giáo viên phải có sức khỏe, luôn cập nhật kiến thức mới và áp dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới để phục vụ công tác giảng dạy, chăm sóc học sinh. Nói chung nữ giáo viên ở bậc học này rất vất vả nên nhiều người muốn được nghỉ hưu sớm.

Bên cạnh đó, tâm lý chung của học sinh nhỏ tuổi là muốn được cô giáo trẻ dạy dỗ, chăm sóc. Thông thường học sinh ở độ tuổi mầm non, tiểu học có bố mẹ còn khá trẻ, nếu kéo dài tuổi nghỉ hưu của nữ đến 60 tuổi thì giáo viên có thể bằng tuổi bà của các cháu, vì thế các cháu không muốn người quá già chăm sóc, dạy dỗ ở trường. Đối với việc vận động học sinh đến lớp thì giáo viên trẻ vẫn có những lợi thế riêng. Đặc biệt, cách xưng hô của các cháu với cô giáo dù nhỏ cũng đáng quan tâm, vì khi cô giáo đã lớn tuổi có thể bằng tuổi bà ở nhà nhưng các cháu vẫn phải gọi bằng cô và xưng em là điều khá bất hợp lý, thậm chí có phần hài hước.

Thiết nghĩ điều kiện, ngành, lĩnh vực để kéo dài tuổi nghỉ hưu đã được quy định cụ thể, rõ ràng tại Bộ luật lao động. Theo đó do yêu cầu về nhiệm vụ, chuyên môn, kỹ thuật cao hoặc nghiên cứu khoa học... cơ quan có thẩm quyền sẽ quyết định đối với từng trường hợp cụ thể. Vì vậy, việc quy định nâng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình phải căn cứ vào tình trạng sức khỏe, thể chất, điều kiện, môi trường làm việc của người lao động, tuyệt đối không nên tăng tuổi nghỉ hưu một cách rập khuôn, máy móc. Đặc biệt đối với đối tượng là nữ giáo viên bậc học mầm non, tiểu học không nên nâng tuổi nghỉ hưu trong giai đoạn hiện nay. Đừng để các em học sinh phải gọi cô giáo bằng bà giáo!

VĨNH LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên