15/08/2016 10:10 GMT+7

Đừng để cứ cháy là chết người

QUỐC MINH
QUỐC MINH

TTO - Nhiều vụ hỏa hoạn làm thương vong nhiều người liên tiếp xảy ra gần đây, khiến người ta không thể không lo lắng khi nào tử thần lại ập đến và nạn nhân kế tiếp là ai?

Căn nhà nơi xảy ra vụ cháy ở đường Phan Bội Châu (P.7, TP Cà Mau) làm sáu người trong gia đình chết thảm - Ảnh: N.HÙNG
Căn nhà nơi xảy ra vụ cháy ở đường Phan Bội Châu (P.7, TP Cà Mau) làm sáu người trong gia đình chết thảm - Ảnh: N.HÙNG

Lâu nay, xã hội cứ nơm nớp đề phòng nguy cơ hỏa hoạn ở các khu nhà “ổ chuột”, trong các con hẻm nhỏ mà xe cứu hỏa khó vào được và người dân khó thoát ra khi xảy ra thảm họa. Tuy nhiên, thực tế từ các vụ cháy làm chết người xảy ra gần đây cho thấy ngay cả những căn nhà được xây dựng khang trang, mặt tiền thông thoáng, thuận tiện cho phương tiện dập lửa... nhưng khi xảy ra cháy vẫn làm chết người, thậm chí chết nhiều người cùng lúc.

Những cái chết bi thảm

Mới ngày cuối tháng 7 vừa rồi, một vụ hỏa hoạn hết sức bi thảm làm tất cả sáu người đang ngủ trong nhà từ trẻ em đến thanh niên, người già đều không thể thoát ra được ngay tại mặt đường Phan Bội Châu, TP Cà Mau. Người dân không thể kìm được nước mắt tiễn đưa đám tang quá đau lòng. Lần lượt từng di ảnh người thầy chỉ còn một năm nữa về hưu, anh thanh niên khỏe mạnh, cô gái xinh xắn, em bé ngây thơ... lặng lẽ qua phố lần cuối cùng! Một thành phố rộng rãi, sông nước mênh mông nhưng không thể dập kịp đám cháy để cứu người.

Trước đó chỉ đúng ba ngày, một vụ cháy thảm khốc khác xảy ra ở TP Biên Hòa làm tử vong cả bốn người và hai nạn nhân bị thương. Nỗi đau càng nặng nề khi trong những người không kịp thoát có hai trẻ thơ vừa tròn bốn, năm tuổi. Rồi ngay ở TP.HCM, ngày 10-6 cũng xảy ra vụ cháy ngay tại mặt tiền đường Lũy Bán Bích, Q.Tân Phú, làm chết cả bốn người nam nữ mới độ tuổi 22 - 24, trong đó có người đang chuẩn bị lập gia đình...

Thật khó có thể kể hết số vụ cháy nghiêm trọng làm thương vong nhân mạng dù chỉ trong vài năm gần đây. Thực trạng cháy nổ vô cùng nghiêm trọng này đã được truyền thông phản ánh rất nhiều. Việc tìm kiếm giải pháp phòng chống cũng từng được đặt lên cả chương trình nghị sự nóng bỏng của Quốc hội. Các “thủ phạm” gây cháy đã được chỉ ra: sự cố điện luôn chiếm đa số, sau đó là do hành vi bất cẩn của con người từ sinh hoạt cúng bái, bếp núc, sử dụng xăng dầu, xe cộ hằng ngày. Mọi nguyên nhân đều rõ, thiệt ai cũng thấy, cũng hiểu. Thế nhưng vụ hỏa hoạn bi thảm này chưa kịp lắng xuống thì vụ khác lại xảy ra, những cái chết thảm thương cứ nối tiếp nhau...

Cần hành động ngay

Một thực tế là lâu nay, lực lượng chuyên trách phòng cháy chữa cháy chủ yếu chỉ quan tâm các công trình lớn, cao ốc mà lơ là (hoặc thiếu người) thường xuyên kiểm tra nhà dân dụng, trong khi hầu hết vụ hỏa hoạn chết người đều xảy ra từ các khu nhà thông thường này.

Rất nhiều người dân, kể cả ở các khu “ổ chuột” có nguy cơ cháy nổ cao, đã khẳng định họ chưa hề được tiếp nhận (hoặc chỉ được tiếp nhận sơ sài) tuyên truyền phòng chống hỏa hoạn đầy đủ. Thi thoảng tổ dân phố có họp nhắc nhở thì đó cũng là những “lời nói gió bay” được lồng ghép chút ít trong vô số nội dung họp hành về trị an, môi trường, đóng góp quỹ này quỹ nọ... Và người nhắc nhở thường chỉ là tổ trưởng hay cảnh sát khu vực thiếu kỹ năng chuyên môn để có thể tác động sâu sắc đến ý thức phòng cháy chữa cháy trong dân.

Đặc biệt, chính tâm lý của những người ở nhà mặt tiền “cháy là chuyện đâu đó ở các xóm ổ chuột chứ không phải nhà mình” đã dẫn đến nhiều hậu quả thương vong thảm khốc. Người ta có thể xây nhà đắt tiền nhưng lại tiếc chút “ô giếng trời”, sân sau để có thể giảm thiểu được tình trạng chết do ngạt khói trước khi bỏng vì lửa. Thậm chí, nhiều người còn sẵn sàng quan hệ dưới bàn để lách giấy phép buộc phải thực hiện các tiêu chuẩn xây dựng thông thoáng này.

Ngoài ra, cũng vì lý do an toàn mà hiện nay nhiều nhà rào lưới thép kín và làm nhiều lớp cửa, nhiều ổ khóa rối mù. Chính vì vậy khi xảy ra cháy, nhiều chủ nhà đã không thể mở kịp “mê hồn trận” cửa nẻo, ổ khóa do chính mình xây lắp.

Tiêu tan tài sản rồi cũng có thể gầy dựng lại, nhưng thiệt hại nhân mạng là vô giá, không thể đong đếm, hồi phục.

Đã đến lúc cần phải có giải pháp hiệu quả phòng chống cháy nổ. Thiết nghĩ việc đầu tiên cần phải làm ngay là tăng cường nhân lực, phương tiện, đặc biệt là trách nhiệm trong lực lượng chuyên trách phòng chống cháy nổ. Sau đó cần nhanh chóng thực hiện ngay các chương trình tuyên truyền hiệu quả, tác động sâu sắc đến nhận thức và hành động của toàn dân.

Thậm chí phải có những bảng chỉ dẫn hết sức chi tiết cũng như quy định bắt buộc, chế tài cụ thể về phòng cháy chữa cháy đến từng hộ dân. Mọi người cần phải hiểu rằng ngọn lửa bi thảm có thể không chừa bất cứ ai, kể cả ngôi nhà mình.

Đã có quá nhiều bài học đau lòng rồi. Hãy hành động ngay trước khi quá muộn!

Năm 2015, cả nước đã xảy ra gần 2.800 vụ hỏa hoạn, làm tử vong 62 người và bị thương 264 người, thiệt hại tài sản ước tính 1.500 tỉ đồng. Trong sáu tháng đầu năm 2016, số vụ cháy cả nước đã lên đến 1.506 vụ, khiến 31 người tử vong, 181 nạn nhân bị thương.

(Số liệu từ Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Bộ Công an)

QUỐC MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên