23/06/2015 09:29 GMT+7

Đừng để cái ác lan truyền

TS HUỲNH VĂN THÔNG (trưởng khoa báo chí & truyền thông - ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM)
TS HUỲNH VĂN THÔNG (trưởng khoa báo chí & truyền thông - ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM)

TT - Chuyện một nữ sinh 15 tuổi tự tử vì bị tung clip sex lên Facebook vừa xảy ra ngày 17-6 nhận phản hồi ở nhiều góc độ khác nhau...

Sử dụng mạng xã hội phải có trách nhiệm với xã hội và bản thân mình. Trong ảnh: một tiệm Internet tại TP.HCM - Ảnh: Quang Định
Sử dụng mạng xã hội phải có trách nhiệm với xã hội và bản thân mình. Trong ảnh: một tiệm Internet tại TP.HCM - Ảnh: Quang Định

Chắc là không cần thêm một bình luận nào nữa về những vấn đề đạo đức của kẻ tung clip. Càng không nên nói thêm điều gì về cái chết của cô gái trẻ ấy khi mà gia đình đang phải chịu một nỗi đau không thể bù đắp.

Chúng ta chỉ nên học cách dùng khả năng nhận biết và lòng nhân ái để sau này, bất kỳ ai trong chúng ta, không xem, không chia sẻ link những thứ kiểu như clip nhạy cảm - những thứ mà thật ra đã được tạo ra từ sự độc ác. Đó là cách tốt nhất để chúng ta ở bên nhau trong cuộc chiến chống lại sự độc ác có thể có trên môi trường mạng xã hội.

Với con gái, dạy cho con lòng tự trọng, biết yêu quý bản thân, biết giữ giới hạn trong các mối quan hệ. Với con trai, cần dạy con tính trách nhiệm, biết kiềm chế những ham muốn của mình

Chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ

Dù có tránh né thì cũng phải mạnh dạn thừa nhận Internet đã trở thành một “đời sống thứ hai” (second life) của con người hiện đại. Thậm chí, con người hiện nay nên được ví như một loài sinh vật lưỡng cư, vừa sống trong môi trường đời thực, vừa sống trong môi trường ảo của mạng máy tính toàn cầu. Nói là ảo nhưng kỳ thực những tác động của Internet đến con người là hoàn toàn thực.

Giới trẻ trên thực tế sẽ chịu tác động từ mạng xã hội cả hai phương diện tích cực và tiêu cực. Tích cực là mạng xã hội làm gia tăng một cách đáng kể nguồn vốn xã hội (social capital) của mỗi cá nhân dựa vào việc gia tăng kết nối của họ với cá nhân khác trong mạng lưới. Nếu họ biết sử dụng nguồn vốn này thì sẽ có nhiều cơ hội phát triển bản thân hơn. Nhiều bạn trẻ đã tận dụng được điều này cho việc phát triển sự nghiệp cá nhân của họ.

Chẳng hạn, các trường hợp nghệ sĩ trên mạng, họ khởi đầu hành trình nghệ thuật của mình bằng việc khai thác các ủng hộ từ mạng lưới xã hội riêng họ tạo được trên Internet. Sau đó, họ tìm cách hiện thực hóa giá trị của mình trong đời thực và trở thành nghệ sĩ danh tiếng. Hoặc nghệ sĩ trẻ danh tiếng hiện nay cũng biết cách khai thác mạng xã hội để tạo ra hậu thuẫn cho sự nghiệp nghệ thuật của mình.

Nhưng bất cứ thứ gì cũng có mặt trái. Sự kết nối rộng rãi, dễ dàng giữa cá nhân trên mạng chắc chắn đã bao hàm sẵn các rủi ro cho người tham gia. Thứ nhất, sự dễ dàng trong kết nối xã hội thường dễ kéo theo các quan hệ ô tạp, thậm chí dẫn đến nguy cơ bị tấn công “bẩn”. Thêm vào đó, thông tin trên môi trường mạng xã hội có tính lan truyền rất nhanh nên có thể tạo ra các “làn sóng”, đủ năng lượng để xô đổ vài thứ trong dòng chuyển động của nó.

Và những người dễ bị xô đổ nhất trên mạng xã hội có thể là người cả tin và người yếu đuối. Cả tin là tiếp nhận thông tin mà không kiểm chứng, dễ dàng chấp nhận những thứ được nói đến đều là sự thật. Yếu đuối thì sẽ không có đủ bản lĩnh để đối mặt với những thực tế khó lường có thể tấn công chính bản thân mình.

Nếu có thể đưa ra một lời khuyên nào đó về việc này, tôi chắc chắn sẽ khuyên điều tương tự như mọi người lớn vẫn hay dạy con trẻ. Rằng bản thân cuộc sống vừa là cơ hội vừa là mối nguy hiểm. Hãy nghiêm túc học cách tận dụng và đối mặt. Bạn có thể mắc sai lầm nhưng đừng để mình gục ngã và bị xô đổ, bị cuốn trôi một cách dễ dàng. Cuộc sống là thế. Mạng xã hội cũng là như thế.

Nhiều trẻ em bị bắt nạt trên mạng

Cuối năm 2014, báo The Guardian đăng tải một báo cáo của Công ty an ninh mạng McAfee khảo sát trên 2.000 trẻ em ở Anh độ tuổi từ 11 - 17. Bảng khảo sát cho thấy 35% trẻ em là nạn nhân của việc bắt nạt trên mạng, tăng gấp đôi so với mức 16% năm 2013.

Tháng 8-2013, The Guardian cũng đăng một bài viết về Dave Smith ở Anh, người đã kêu gọi đóng cửa trang ask.fm sau khi con gái ông, Hannah Smith, treo cổ tự vẫn vì nhận được các câu hỏi trêu đùa ác ý trên trang này. Ask.fm là một ứng dụng cho phép người dùng đặt các câu hỏi tùy thích với người khác mà không nhất thiết phải tiết lộ danh tính của mình.

Trước đó, Jessica Laney cũng trở thành nạn nhân của nạn bắt nạt trên Internet khi tự kết liễu cuộc sống của mình ở tuổi 16. Không chỉ bị chế giễu về ngoại hình, bị gọi là “mập ú”, “lẳng lơ”, Jessica còn nhận được những câu nói khủng khiếp hơn như “cô có thể chết đi được không?” hay “chẳng ai thèm quan tâm đến cô đâu”.

Và cô bé người Mỹ 12 tuổi Rebecca Sedwick đã thay đổi tên mình trên một ứng dụng chia sẻ tin nhắn trên Internet thành “cô gái đã chết”, sau đó leo lên một công trình bỏ hoang và nhảy xuống tự tử. Cảnh sát trưởng Grady Judd của hạt Polk, bang Florida nói với tờ The Telegraph rằng: “Khi chúng tôi xem các tin nhắn mà cô bé nhận được, rõ ràng là Rebecca đã bị khủng bố trên mạng”.

NGỌC ĐÔNG

Để bớt chuyện đau lòng

Nguyễn Thị Ngọc Như (lớp 9, Bình Phước) chia sẻ: “Chuyện yêu đương, nảy sinh tình cảm với nhau ở lứa tuổi cấp II hiện nay không phải chuyện hiếm. Tuy nhiên, sự việc này đã bị lan truyền trên mạng xã hội, dẫn đến chuyện đáng tiếc cho bạn nữ và cho cả gia đình bạn đó”. 

Trong khi đó, Lương Công Đạt (lớp 9, TP.HCM) bày tỏ: “Mình thấy hành động của bạn nam đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, danh dự của người khác”.

Không chỉ chia sẻ về sự việc đáng tiếc xảy ra, đa số học sinh được hỏi đều thừa nhận rằng việc có tình cảm, muốn tìm hiểu lẫn nhau diễn ra khá phổ biến trong lứa tuổi cấp II. 

Nếu trong tình huống đó, bạn xử lý thế nào? Xuân Thy (15 tuổi, TP.HCM) cho biết: “Đầu tiên, em sẽ tìm cách liên lạc với người tung thông tin đó để thuyết phục bạn xóa clip đi. Nếu bạn vẫn ngoan cố, em sẽ tìm đến thầy cô, bạn bè hoặc những đường dây nóng của tuổi teen để nhờ hỗ trợ về mặt pháp lý, tâm lý. Khi mọi việc tạm lắng xuống, em mới bình tâm báo cho gia đình bạn đó biết vì nếu không bạn sẽ không tin tưởng, nghĩ mình phản bội và gây nên hành động đáng tiếc”.

Là một người mẹ có con trong độ tuổi đi học, bà Nguyễn Xuân Hương (Vũng Tàu) chia sẻ nếu cha mẹ có con bị tung clip thì việc cần thiết nhất là phải đứng về phía trẻ, động viên, chia sẻ, không mắng chửi hay làm lớn chuyện vì sẽ chỉ làm con thêm căng thẳng, xấu hổ, đẩy con đến bước đường cùng nhanh hơn.

Giúp con liên hệ với người nghi ngờ tung clip để đàm phán gỡ clip vì chậm giờ nào là clip phát tán càng nhanh hơn. Nếu không thuyết phục được, cần báo ngay cơ quan chức năng giải quyết theo quy định của pháp luật. Đừng nên vì xấu hổ mà không tố cáo kẻ có tội. Những hành vi coi thường danh dự và nhân phẩm của người khác cần bị phê phán, lên án.

Để hạn chế những câu chuyện đau lòng tương tự, theo ThS xã hội học Phạm Thị Thúy (Học viện Hành chính quốc gia TP.HCM), cha mẹ cần gần gũi, cởi mở với con về mọi chuyện, tôn trọng và lắng nghe trẻ đang cần gì, muốn gì.

Cha mẹ cần giáo dục giới tính, tình dục càng sớm càng tốt cho trẻ. Khi con có người yêu không nên ngăn cấm, vì càng ngăn trẻ càng lao vào. Cần tâm tình để hiểu con đang yêu ai, yêu như thế nào, từ đó hướng dẫn con cách yêu và cách cân bằng giữa yêu và học. 

DIỆU NGUYỄN - MỸ DUYÊN

TS HUỲNH VĂN THÔNG (trưởng khoa báo chí & truyền thông - ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên