24/09/2013 05:44 GMT+7

Đứng dậy, đừng gục ngã!

HẢI THI - HÀ THANH
HẢI THI - HÀ THANH

TT - Không nhiều người muốn nhắc lại những trải nghiệm thất bại. Nhưng tại buổi nói chuyện chuyên đề “Vượt qua cú sốc tâm lý” diễn ra tại báo Tuổi Trẻ hôm 22-9, gần 100 bạn trẻ đã xích lại gần nhau, cùng chia sẻ những vấp váp không may, học cách đứng dậy và bước tiếp.

2BPvkXwe.jpgPhóng to
Nhiều bậc phụ huynh cũng đến tham gia để biết cách ứng xử với con, cháu mình - Ảnh: MINH ĐỨC

Nắm cơ hội để vượt khủng hoảng

Chuyên đề nằm trong chuỗi “Hành trang cuộc đời” do báo Tuổi Trẻ tổ chức, Anh văn Hội Việt Mỹ tài trợ. Các diễn giả khách mời gồm: chị Lê Thị Thúy Nga (phó tổng giám đốc Anh văn Hội Việt Mỹ), chị Võ Thị Tường Vy (giảng viên khoa tâm lý giáo dục ĐH Sư phạm TP.HCM), anh Vũ Tuấn Anh (CEO Viện Quản lý VN) và anh Nguyễn Hữu Trí (CEO Công ty huấn luyện kỹ năng hiệu quả Breakthrough Power).

“May mà cú sốc đó đã xảy ra!”

Những thước phim quá khứ lần lượt được các khách mời “chiếu” lại: Tuấn Anh từng sốc nặng khi người yêu đột ngột “phủi tay”. Chị Thúy Nga đối diện với hụt hẫng đầu đời khi là cô bé duy nhất trong đội tuyển chuyên văn của trường rớt kỳ thi học sinh giỏi tỉnh. Hữu Trí bị xé toạc lòng tự tôn cá nhân, niềm tự hào dân tộc khi những ngày du học đầu tiên trên đảo quốc sư tử, nghe sinh viên Singapore kháo nhau: “Muốn bài tập nhóm điểm cao thì... đừng làm với sinh viên Việt Nam!”...

Chấp nhận sự thật để vượt qua

Điều tiên quyết là chấp nhận chuyện đã xảy ra với mình. Cú sốc tâm lý không phải lúc nào cũng là điều xấu. Theo các diễn giả, nó chính là liều văcxin khiến con người, đặc biệt là người trẻ, thêm mạnh mẽ.

“Sẽ là may nếu các bạn bị một cú sốc nào đó trong độ tuổi 22-28, độ tuổi của học hỏi, trải nghiệm, còn nhiều thời gian để lèo lái con thuyền cuộc đời”, anh Tuấn Anh khích lệ.

Và bức tranh ấy dần lên màu bằng câu chuyện của những người trong khán phòng. Một cánh tay rụt rè, hai cánh tay... rồi hơn nửa số người có mặt giơ tay thừa nhận bản thân đang bị sốc tâm lý. Số còn lại là những người cha, người thầy, người bạn đến tham dự buổi nói chuyện nhằm tìm giải pháp kéo con cái, học trò, bạn bè mình khỏi hố sâu tuyệt vọng. Bạn Trần Danh Nhân (sinh viên năm nhất ĐHKHXH&NV TP.HCM) nêu trường hợp: người bạn của Nhân học giỏi, thiếu nửa điểm vào ĐH Ngoại thương. Nửa tháng nay bạn khóc nhiều, nhốt mình trong phòng, tránh mọi giao tiếp và trên trang Facebook cá nhân treo đầy những status “tôi muốn chết”, oán trách áp lực và những định kiến quá lớn từ phía gia đình, xã hội...

Chuyên gia tâm lý Tường Vy cho biết những cú sốc có thể phá vỡ tình cảm, gây gãy đổ nhân cách khiến chúng ta tổn thương, bị chựng lại, thậm chí quay lui... Tuy nhiên, cả bốn khách mời đều khẳng định: điều quan trọng không phải bạn đã ngã thế nào, đau đớn ra sao mà là mỗi người chọn đứng lên hay ngã quỵ.

Như câu chuyện của chị Thúy Nga. Thời gian buồn sau thi rớt, cô bé năm ấy hay chống cằm xoay xoay mô hình quả địa cầu. Hốt nhiên nhận ra cái tỉnh Gia Lai của mình chỉ là... cái chấm nhỏ xíu trên Trái đất, cô bé quyết định không giam hãm nỗi buồn trong cái chấm ấy nữa mà chuyển hướng sang học chuyên Anh, tìm kiếm cơ hội mới. Quyết định ấy đã đưa Thúy Nga lên bục nhận giải học sinh giỏi Anh văn cấp tỉnh, chắp cánh cho suất học bổng Fulbright và nay là ghế phó tổng giám đốc Anh văn Hội Việt Mỹ.

Còn anh Hữu Trí, sau chuỗi ngày vùi đầu trong phim, nhạc, game, cho đến một ngày nhìn hình ảnh bèo nhèo của mình thật lâu trong gương, anh thốt lên: quá đủ để là người thất bại! Hữu Trí tham gia ban nhạc rock, chuyển ngành học phù hợp hơn. Đến năm 3 đại học trở thành một tay học và tay chơi “có số má”. Là một trong ba sinh viên tốt nghiệp điểm cao nhất ĐH Quốc gia Singapore, anh đón nhận công việc mơ ước, mở công ty kinh doanh riêng.

Nhìn lại chặng đường đã đi, cả anh Hữu Trí và chị Thúy Nga đều thốt lên: “May mà cú sốc đó đã xảy ra!”. Nhờ nó, họ buộc mình phải nỗ lực nới rộng giới hạn của bản thân và được tưởng thưởng bằng thành công của mình.

Đừng làm siêu nhân, hãy làm người leo thang

Từ cú sốc của bạn mình, Danh Nhân hỏi: “Phải làm gì nếu người trong cuộc đã cố gắng vượt qua, nhưng trong quá trình đó lại tiếp tục gặp biến cố và... sốc nặng hơn?”. Anh Hữu Trí đưa ra “câu thần chú”: việc nhỏ làm được, việc lớn mới được làm. Để tránh tối đa những biến cố trong quá trình hồi phục, tốt nhất người trong cuộc nên hoàn thành trước từng việc nhỏ, không đặt ra những mục tiêu to tát, quá sức để thất bại chồng thất bại. Anh khuyên có thể bắt đầu sắp xếp lại cuộc sống của mình bằng việc... gấp chăn mền khi thức dậy, rồi có thể dọn phòng, tập thể dục, đọc sách... Anh ví von: không ai nhún một phát qua bức tường cao 4m trừ... siêu nhân, nhưng ai cũng có thể trèo qua bức tường đó bằng một cái thang, cả con nít 4 tuổi.

Cuối cùng, thái độ tích cực chính là điều quyết định kéo mỗi người đi qua khó khăn. “Thay vì than thở, bạn hãy hỏi tại sao tôi không làm một điều gì đó, ngay bây giờ? Nói một cách hình ảnh, khi bạn chỉ một ngón tay đổ lỗi cho người khác thì bốn ngón còn lại đang chỉ ngược lại bạn. Thay đổi bản thân là việc duy nhất chúng ta có thể làm”, anh Hữu Trí nói, thay lời khuyên cho bạn Đoàn Thị Kim Xuân (ĐH Mở TP.HCM) với tình huống bị “khớp” tại công ty thực tập do không ai hướng dẫn. Anh Tuấn Anh cũng cho rằng chủ động quan sát, học hỏi là điều người trẻ nên làm chứ không phải bó gối chờ... sung rụng.

Tương tự, với nỗi buồn không có bạn thân của anh bạn tên Trọng Hậu, anh Hữu Trí đốc thúc: “Bạn hãy bắt chuyện với 100 người. 20 trong số đó sẽ giữ liên lạc với bạn, 5 người thành bạn. Và vài năm sau, một trong số đó sẽ thành bạn thân. Ngược lại, nếu bạn cứ ngồi chờ, người ấy cũng sẽ xuất hiện, nhưng là... 300 năm sau, ngả mũ bên mộ bạn và chép miệng: xin lỗi, tôi đến trễ!”.

HẢI THI - HÀ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên