20/11/2020 08:05 GMT+7

Đừng coi thường sự lười học của con người: Như một quy luật của muôn đời

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TTO - Thay cho một định nghĩa nhấn mạnh sự quan trọng bậc nhất của giáo dục, nhà báo Trần Ngọc Châu đặt mệnh đề ngược: "Đừng coi thường sự lười học của con người" làm tựa cho tập sách mới của mình.

Đừng coi thường sự lười học của con người: Như một quy luật của muôn đời - Ảnh 1.

Tác giả Trần Ngọc Châu sẽ có buổi ra mắt sách vào ngày 28-11 tại Đường sách TP.HCM - Ảnh: P. VŨ

"Đây là những câu chuyện về việc học hành, những suy ngẫm về giáo dục được viết theo thể loại tiểu luận - hồi ức xuyên qua những trải nghiệm, suy nghiệm của tôi", tác giả giải thích về những câu chuyện giáo dục mà ông chọn để trò chuyện với độc giả của mình.

"Từ năm 14 tuổi, học lớp đệ lục (lớp 7) tôi đã bắt đầu nghề dạy học, kèm trẻ trong một gia đình có năm con. Kể từ đó, trong các biến cố thay đổi cuộc đời tôi, dạy học là một "nghề" rất tự nhiên, như chiếc dù của một người nhảy tự do, khi cần nhất mới bung ra". 

Và nghề mà tác giả dành hơn 30 năm của cuộc đời mình để theo đuổi là nghề làm báo. Những trải nghiệm của công việc làm báo đưa ông đến nhiều nơi trên thế giới, gặp rất nhiều người ở nhiều tầng lớp trong xã hội và đau đáu suy nghiệm với trái tim của một nhà giáo từ tuổi 14 trong mình. 

Vì vậy mà câu chuyện về giáo dục của ông bắt đầu từ cuộc trò chuyện trên chiếc taxi với một thầy giáo dạy sử bỏ nghề để lái xe Uber, rồi dẫn dắt đến các cuộc gặp gỡ với những doanh nhân, nhà khoa học, chính trị gia, tổng thống Mỹ. 

Câu chuyện cũng đi từ những người bạn học, những thầy cô giáo mà tác giả đoan quyết "họ đều là những ngọn đèn, hoặc chí ít là những que diêm cháy mãi bên cuộc đời mình", kích thích sự tò mò và tri thức...

Trải nghiệm, suy nghiệm phong phú, rộng rãi đến như không giới hạn vừa là ưu điểm, cũng là nhược điểm của sách khi có thể khiến sự theo dõi của độc giả bị mất tập trung. Nhưng té ra đây lại là chủ ý của tác giả khi ông "tin rằng giáo dục phải bắt đầu từ khối óc lẫn trái tim, và kết quả được tìm thấy qua lý trí và xúc cảm của mỗi người. 

Giáo dục Việt Nam cần phải chấp nhận những cách học đa dạng nếu muốn tạo lập một xã hội học tập trên thực tế. Những nhạo báng nhằm vào phương pháp học tập đều là thiển cận. Nếu bạn nhân danh bảo vệ chất lượng giáo dục mà lại nhạo báng những người đi học thêm ban đêm chẳng hạn, thì đó không phải hành động của người trí thức".

Từ những chiêm nghiệm rộng rãi khắp thế giới và luôn đau đáu với quê hương Việt Nam ấy, nhà báo - nhà giáo dục Trần Ngọc Châu đã rút ra: "Đừng coi thường sự lười học của con người" chính là bài giảng của ông thầy có tên là Lịch Sử. 

Ông tha thiết nói với độc giả: "Giáo dục ngày nay của chúng ta đang phải mang những vết sẹo của quá khứ. Nó lành rồi, không còn chảy máu hay gây đau nữa, nhưng chắc chắn nó cứ làm xấu xí mãi chân dung của nền giáo dục thật sự. Thế hệ chúng ta, chứ không phải ai khác, phải làm cho chân dung này đẹp trở lại như một quy luật muôn đời".

Và vì vậy đây là một cuốn sách đáng quan tâm trong ngày 20-11.

nghe_thay 3(read-only)

Tác phẩm Nghề thầy được tái bản sau gần 80 năm - Ảnh: N.N.

Nhân Ngày nhà giáo Việt Nam năm nay, Nhã Nam có ấn hành quyển Nghề thầy của tác giả Hoàng Đạo Thúy. Đây là những lời tâm huyết được tác giả viết như trải lòng với những đồng nghiệp giáo viên từ 80 năm trước (sách in lần đầu năm 1944).

Ngay từ lúc nền giáo dục quốc ngữ của Việt Nam còn sơ khai, cụ Hoàng Đạo Thúy đã cắt nghĩa nghề giáo thật chí lý, đó là việc "đem lũ trẻ con người ta trao cho mà rèn giũa sao cho nên người, nên người có hiếu sau này gây được gia đình bền chặt, người dân tốt giúp được nước, người có tâm với thiên hạ, làm người biết đạo người, sống hợp với lẽ trời đất".

Cụ chủ trương giáo dục toàn diện với 5 tiêu chuẩn: Đức, Chí, Thể, Trí, Công (dạy cho người có đạo đức, nuôi dưỡng ý chí lâu xa, rèn luyện sức khỏe, trau dồi trí tuệ và thực hành thuần thục để làm được việc).

Cuốn sách cũng đưa ra nhiều phương pháp, kinh nghiệm giáo dục giàu tính thực tiễn.

Giáo dục với người thầy cũng là công việc cụ thể, chi tiết, hằng ngày hằng giờ với những việc nhỏ nhặt nhất như tắm cho trẻ, dọn vệ sinh trường lớp, giao thiệp với phụ huynh, quan chức ở địa phương, chấm bài, sửa bài, hướng dẫn học sinh làm thủ công…

Ở từng việc, cụ Hoàng Đạo Thúy đều chia sẻ những kinh nghiệm, phương pháp quý giá đúc rút từ sách vở và chính trải nghiệm làm thầy của mình.

LAM ĐIỀN

Cuộc phiêu lưu khác của Bình Ca Cuộc phiêu lưu khác của Bình Ca

TTO - Hình như biết mình đã hoàn toàn để mất yếu tố bất ngờ khi lần thứ hai góp mặt với văn đàn, sau thành công “không thể tưởng” của Quân khu Nam Đồng (tái bản 15 lần trong 4 năm), Bình Ca quyết định vẫn cứ gây bất ngờ: viết truyện thiếu nhi!

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên