Như Tuổi Trẻ Online phản ánh: Theo xu hướng phát triển, giờ đây đám giỗ ở quê đã khác xưa ít nhiều. Trước đây, dự đám giỗ có gì mang theo nấy, còn giờ đây người được mời phải phân vân đi bao thư hay bịch bột ngọt.
Đã vậy, sau ăn uống, nhậu nhẹt lại thêm karaoke... cả ngày làm phiền hàng xóm.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Công chia sẻ thêm xung quanh vấn đề này.
Phân công anh chị em mỗi người lo một khâu
Đám giỗ là sự kiện rất quan trọng hằng năm trong mỗi gia đình Việt Nam, nhằm tưởng nhớ những người đã khuất.
Đây cũng là dịp để mọi người đoàn tụ, cùng tri ân, chia sẻ, sum họp gia đình, thắt chặt tình nghĩa những người cùng huyết thống cũng như sự chia sẻ cùng bà con lối xóm…
Mục đích chung là vậy, nhưng theo xu hướng phát triển, đám giỗ ngày nay trong mỗi gia đình cũng không ai giống ai. Cuộc sống đô thị, nông thôn cũng đã đổi thay và ảnh hưởng nhất định đến việc tổ chức đám giỗ.
Ở các địa phương vùng nông thôn, miền núi... cuộc sống "tối lửa tắt đèn có nhau" nên vẫn thể hiện được nét xưa. Do đó việc giỗ chạp cũng là một trong những sự kiện có sự hiện diện không chỉ họ hàng mà bà con lối xóm cũng có mặt.
Điều cơ bản là họ vẫn duy trì được việc sẻ chia với gia chủ như nhà ai có gì thì chuẩn bị, ít nhiều không quan trọng.
Tôi có anh bạn thân (quê Cẩm Thủy, Thanh Hóa) tổ chức đám giỗ cha rất hợp tình, hợp lý, được bà con ủng hộ.
Theo đó, trước ngày giỗ anh trai trưởng thông báo đến các em và phân công từng gia đình chuẩn bị, anh lớn thì lo rạp, bàn ghế, lễ cúng; chị hai thì chuẩn bị mấy món rau củ quả, trái cây; em trai thứ 3 thì đảm nhận món thịt heo, gà; cậu út thì đảm nhiệm đồ uống…
Căn cứ vào khả năng, điều kiện của từng gia đình để ai cũng có trách nhiệm và cảm thấy thoải mái.
Thành phần khách mới cũng chỉ họ hàng trong huyện, còn nơi khác thì quá xa nên không mời. Bà con lối xóm cũng mời một số gia đình xung quanh, nhưng thông báo là không nhận phong bao, không nhận lễ. Nếu có thể thì đến giúp gia đình việc nấu nướng.
Ngày giỗ cha anh bạn thân diễn ra nhanh gọn, ai cũng cảm thấy phấn khởi, không bị phiền phức, ràng buộc.
Theo tôi, đó là cách làm hay, cần phát huy.
Đừng quá cầu kỳ, thực dụng
Vẫn còn đâu đó cả thành thị lẫn nông thôn, tổ chức giỗ chạp cầu kỳ vừa vất vả, vừa mất thời gian, vừa ảnh hưởng đến ý nghĩa của ngày giỗ, ảnh hưởng đến sức khỏe của mọi người.
Có gia đình chọn ngày giỗ cha, giỗ mẹ trở thành sự kiện để được mời khách, để thể hiện sự quan tâm giúp đỡ của lãnh đạo cơ quan, đơn vị, thậm chí để nhận phong bì, bao thư…
Có đám giỗ những nhân vật chính không phải là con cháu trong gia đình mà lại có sự hiện diện quan trọng của thủ trưởng, cấp trên.
Có đám giỗ cả xóm được mời, con cháu chuẩn bị trước mấy ngày, tiệc tùng đến tận khuya, ảnh hưởng đến cuộc sống của những người xung quanh…
Gần gia đình tôi, anh Bình (quê Biền Hòa, Đồng Nai) chia sẻ: "Do vào Nam lập nghiệp lâu rồi nên việc cúng giỗ cũng chỉ làm trong nội bộ gia đình con cháu trong nhà, gói gọn khoảng 3 mâm cơm là vừa, năm nào cũng vậy".
Cũng theo anh bạn tôi, vì công việc bận rộn nên ngày giỗ có một số món thì gia đình chuẩn bị nhưng một số món muốn cho đẹp thì đặt bên ngoài, như gà, xôi, lễ cúng… miễn sao nhanh gọn, không rườm rà, đỡ vất vả con cháu.
Kết thúc buổi giỗ, ai về nhà nấy, không ảnh hưởng đến công việc, đồng thời vẫn duy trì được "nếp nhà".
Tóm lại, tùy vào hoàn cảnh mỗi gia đình, chúng ta nên chọn cách tổ chức đám giỗ sao cho khéo, vẹn cả đôi đường, luôn phù hợp, đơn giản, gọn nhẹ, ấm cúng.
Việc tổ chức đám giỗ cần phải tôn trọng nét truyền thống của gia đình, của địa phương. Lòng hiếu kính của con cháu với ông bà tổ tiên, những người đã khuất là giá trị cốt lõi.
Đừng vì nhịp sống hối hả mà chúng ta lại quá thờ ơ, hoặc quá hình thức để phong tục tập quán bị xem nhẹ.
Nhạc sống tra tấn ầm ầm, không nói chuyện được phải bỏ về sớm
Tôi ở Bến Tre, khoảng 20-30 năm trước, đám giỗ mà cha tôi đi thì xách chai chạy mua cho cha lít rượu, mẹ đi thì mua nước ngọt, bột ngọt, thịt... gì đó tùy.
Đi kiểu như vậy khi qua đám nhiều thứ dư rất nhiều, nhất là bột ngọt, nước ngọt...
Hiện nay không thể xách chai rượu hay bịch bột ngọt, ký thịt... như trước được.
Giờ đi tiền cho chủ nhà trang trải lại những thứ đã mua chuẩn bị đám giỗ sẽ thiết thực hơn. Theo tôi, việc thay đổi này vừa tiện cho khách mà lại thực tế với chủ nhà.
Chỉ có cái hát hò là thấy oải quá. Không chỉ đám giỗ, tiệc cưới cũng vậy.
Mới vô tiệc, lâu lâu gặp bạn bè người thân, nhạc sống đánh ầm ầm không nói được cái gì cả, còn mấy bàn ngồi gần dàn loa nhiều khi người lớn tuổi chịu không nổi phải về sớm.
Đành rằng phải văn nghệ cho vui tươi, nhưng ví dụ đêm tối đãi bạn bè toàn thanh niên hát hò cho vui thì không sao. Đằng này sáng sớm mới đãi khách, chưa gì đã ầm ầm như tra tấn bằng âm nhạc.
Mà xin lỗi, ở quê hát nhạc sống thì biết rồi đó: 10 người hát, may lắm được 1-2 người hát nghe được, còn lại tra tấn người khác.
Không biết tự bao giờ mà chuyện hát hò ỏm tỏi lại len lỏi vào đời sống một cách không mấy thiết thực như vậy. Nếu dẹp, mong dẹp vấn nạn này.
Bạn đọc Lê Tiên Sinh
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận